Thị trường tài chính 24h: Sóng lớn bắt đầu?

Thị trường tài chính 24h: Sóng lớn bắt đầu?

(ĐTCK) Vn-Index tăng phiên đầu tuần mới; Thủ tướng chứng kiến dòng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng vào Hà Nội ; Xử lý nợ xấu xong phần “ngọn”, tiếp tục phần “gốc”; Chứng khoán thế giới hồ hởi; Tự động hóa đe dọa khả năng tăng trưởng của châu Á; 7 nguyên nhân khiến hầu hết các Start-up đều thất bại; Jack Ma gợi ý nghề kiếm nhiều tiền trong tương lai; Takata đệ đơn xin bảo hộ phá sản...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng

Trong phiên giao dịch sáng, dù có chút khó khăn, nhưng với sự trở lại kịp thời của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự hỗ trợ của một số mã lớn khác, VN-Index vẫn giữ vững đà tăng và vượt qua ngưỡng cản 770 điểm.

Bước vào phiên giao dịch chiều đà tăng của thị trường được nới rộng dần trong những phút đầu phiên nhờ đà tăng vững của nhóm ngân hàng, sự trở lại của VNM, SAB.

Tuy nhiên, khi vừa nhích qua ngưỡng 773 điểm, áp lực bán đã xuất hiện, trong khi lực cầu tỏ ra khá thận trọng, khiến thị trường thoái lui. Nhưng cũng giống như phiên sáng, vừa chạm mốc 770 điểm, VN-Index đã bật nhẹ trở lại.

Nếu như trong phiên sáng, ITA và OGC là tâm điểm chú ý khi nhận được lực cầu khủng, trong khi lực bán ra nhỏ giọt, thì trong phiên chiều, FLC đã nhân vật chính.

Trong phiên sáng với gần 13 triệu đơn vị được khớp, nhưng diễn biến về giá của FLC không có nhiều điểm đáng chú ý, chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Khi bước vào phiên gia dịch chiều, lực cầu gia tăng mạnh, hấp thụ toàn bộ lượng dư bán, kéo FLC lên mức trần 7.680 đồng với 33,27 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần tới hơn 4,68 triệu đơn vị, chưa kể hàng triệu đơn vị đặt lệnh ATC không được khớp do lực cung không lớn.

Trong khi đó, AMD giảm 6,46%, xuống 12.300 đồng với 5,62 triệu đơn vị được khớp.

ITA và OGC do không có lực cung, nên giao dịch trong phiên chiều không có nhiều chú ý khi vẫn án ngữ ở mức trần 3.680 đồng và 1.630 đồng.

PVD khớp 5,61 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức giá trần 14.000 đồng, còn dư mua giá trần.

HQC tăng 2,12%, lên 3.360 đồng với 19,17 triệu đơn vị được khớp, đứng sau FLC.

BHS giảm 2%, xuống 24.400 đồng với 9,19 triệu đơn vị được khớp.

VNM đã đảo chiều tăng điểm trở lại; sắc xanh cũng xuất hiện tại SAB; MSN lên mức cao nhất ngày 42.200 đồng, tăng 2,55%; VIC, HPG, REE, ROS, SSI, HCM…, cũng đóng cửa trên tham chiếu.

Nhóm ngân hàng cũng chỉ còn EIB giảm nhẹ, STB đứng tham chiếu, còn lại đều tăng giá.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 1,83 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 76,49 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 134.972 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 2,69 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 152.091 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 5,87 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/6: VN-Index 3,51 tăng điểm (+0,46%), lên 772,52 điểm; HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,44%), lên 98,70 điểm; UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,30%), lên 56,96 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giằng co nhẹ trong phiên cuối tuần, có lúc tưởng chừng sẽ đóng cửa trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu tài chính. Tuy nhiên, về cuối phiên ngoại đã bứt lên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm ngay cả khi hàng loạt ngân hàng vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm vì một kết quả thấp hơn dự báo.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe cũng tiếp tục giảm sau khi tăng mạnh 2 phiên trước do những nghi ngờ về khả năng một dự luật y tế của đảng Cộng hòa để thay thế Obamacare khó được thông qua. Cụ thể, Thượng nghị sỹ Dean Heller trở thành thượng nghị sỹ thứ 5 của đảng Cộng hòa nói rằng ông sẽ không ủng hộ dự luật này.

Tuy nhiên, nhờ những phiên tăng vọt trước đó khi đảng Cộng hòa công bố dự luật trên, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe vẫn tăng 3,6% trong tuần qua.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones giảm 2,53 điểm (-0,01%), xuống 21.394,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,80 điểm (+0,16%), lên 2.438,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,57 điểm (+0,46%), lên 6.265,25 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản tăng điểm, chạm gần mức cao nhất 2 năm đạt được vào cuối tuần trước, với quan điểm lạc quan đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cổ phiếu của thị trường khởi nghiệp Mother's TSE cũng có giao dịch tích cực với chỉ số tăng 2,3%.

Trong số đó, Klab tăng 3,1% sau khi công ty game tuyên bố sẽ thành lập liên doanh mới với đối tác là  công ty truyền thông Broccoli vào mùa hè này, Ngay lập tức cổ phiếu của Broccoli đã tăng 5,2%.

Trên chỉ số chính, ngành ngân hàng và bảo hiểm giảm lần lượ 0,5% và 0,8%.

Nhóm tài chính như Sumitomo Mitsui giảm 1,4%, Dai-ichi Life Holdings giảm 0,9% và T & D Holdings giảm 0,9%.

Hôm nay, nhà sản xuất túi khí Takata Corp đã chính thức nộp đơn bảo hộ phá sản.

Nhưng các nhà đầu tư vẫn đang theo sát Takata, khi Công ty này cho biết họ sẽ tìm kiếm khoản hỗ trợ tài chính trị giá 1,588 tỷ USD từ KSS (Key Safety Systems) của Mỹ.

Yutaka Miura, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Mizuho Securities, cho biết: "Việc phá sản của Takata là một tin xấu, nhưng vì thị trường từ lâu đã biết rằng công ty gặp rắc rối thì tác động của nó đối với tâm lý nhà đầu tư nói chung là không đáng kể”.

Cổ phiếu Toshiba Corp, giảm 3,1% sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) quyết định hạ cấp cổ phần xuống phần thứ hai kể từ tháng 8.

Chỉ số blue-chip của Trung Quốc đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn 1 năm nhờ tin tức MSCI nói rằng có thể thêm 195 cổ phiếu cỡ trung nữa của Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi.

Chỉ số Thượng Hải SE 50, một chỉ số theo dõi 50 cổ phiếu bluechips tiêu biểu nhất trên sàn chứng khoán Thượng Hải, tăng 0,6% lên mức cao nhất trong 18 tháng qua. Chỉ số này đã tăng 11,2% vào năm 2017, so với mức tăng 2,6% của SSEC chuẩn.

Chỉ số CSI300 của blue-chip cũng tăng 1,3%, lên 3,668.09 điểm.

Vào tuần trước, quyết định bổ sung thêm 222 cổ phiếu hạng A Trung Quốc của MSCI vào Chỉ số Thị trường Mới nổi (EMI) đã khiến nhu cầu mua vào ở Trung Quốc tăng mạnh.

Haitong Securities đã viết trong một báo cáo: "Hiện tại, chúng tôi đang lạc quan về thị trường cổ phiếu 'A', gần đây đã được hỗ trợ bởi các chính sách và điều kiện thanh khoản tốt hơn”.

Trong phiên, ngành bất động sản có mức tăng cao nhất với 4,6% lên mức cao nhất gần 7 tháng, dẫn đầu là China Vanke, tăng 10% trong 2 phiên liên tiếp.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh khi chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc

Cổ phiếu Hồng Kông bắt đầu tuần giao dịch đầu tuần với cổ phiếu công nghệ cao và các công ty bất động sản đại lục dẫn dắt các chỉ số chính.

Chỉ số Hang Seng tăng hơn 0,8%, trong khi Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc tăng 1,%, lên 10.530,66 điểm.

Trong phiên, tất cả các cổ phiếu ngành chính, và viễn thông đều tăng.

Ngành công nghệ thông tin tăng 1,3%, trong khi chỉ số theo dõi nhà đất ở lục địa tăng 2,2%.

Kết thúc phiên 26/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,68 điểm (+0,10%), lên 20.153,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 201,84 điểm (+0,79%), lên 25.871,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,57 điểm (+0,87%), lên 3.185,44 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC giảm mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.770 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa giảm 50.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,15 - 36,37 triệu đồng/lượng, giảm thêm 70.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.431 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700  - 22.770 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Xử lý nợ xấu: Xong phần “ngọn”, tiếp tục phần “gốc”

Chính thức được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề về nợ xấu, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng nhận định, để giải quyết nợ xấu, Nghị quyết mới chỉ là “phần ngọn”, cần phải thực hiện song hành từ “phần gốc”..>> Chi tiết

Thủ tướng chứng kiến dòng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng vào Hà Nội

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng.>> Chi tiết

-Tự động hóa đe dọa khả năng tăng trưởng của châu Á

Bên trong khu nhà máy trị giá 16 tỷ nhân dân tệ (2,4 tỷ USD) là khu vực sản xuất khổng lồ nhưng ít thấy sự xuất hiện của con người. Một vài kỹ sư người Đức đi lại xung quanh, đảm bảo các thiết bị đang chạy đúng công suất.. >> Chi tiết

Nhận diện 7 nguyên nhân khiến hầu hết các startup đều thất bại

Hãy nhớ rằng, cứ mỗi 1.000 công ty startup được gặp gỡ các nhà đầu tư mạo hiểm, thì chỉ có 2 startup được rót vốn..> Chi tiết

Jack Ma gợi ý nghề kiếm nhiều tiền trong tương lai

Trí tuệ nhân tạo sẽ vượt xa tầm hiểu biết và lấy đi công việc của con người trong 30 năm tới, Jack Ma chia sẻ với phóng viên David Faber của CNBC.. >> Chi tiết

Tập đoàn phụ tùng ôtô Takata đệ đơn xin bảo hộ phá sản

Tập đoàn phụ tùng ôtô Takata của Nhật Bản ngày 26/6 cho biết đã quyết định xin bảo hộ phá sản trong bối cảnh công ty đang nợ trên 1.000 tỷ yen (9 tỷ USD) do liên tiếp phải thu hồi bộ túi khí trên xe của hãng này.. >> Chi tiết

Tin bài liên quan