Thị trường tài chính 24h: Sẽ có thương vụ M&A trị giá 237 tỷ USD?

Thị trường tài chính 24h: Sẽ có thương vụ M&A trị giá 237 tỷ USD?

(ĐTCK) VN-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp; doanh nghiệp Hàn Quốc bán bánh Chocopie tại Việt Nam thu hơn 3.800 tỷ đồng; giá vàng tăng hơn 300.000 đồng/lượng ngay trong ngày; chứng khoán thế giới ngập trong sắc đỏ; Apple có thể bỏ hơn 200 tỷ USD thâu tóm Walt Disney... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường chứng khoán 

VN-Index tiếp tục giảm

Lực bán diễn ra ồ ạt khiến thị trường có phiên giao dịch sáng cuối tuần khá tiêu cực. Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, sức ép lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index có lúc mất hơn 10 điểm và liên tiếp thủng các ngưỡng kháng cự.

Tuy nhiên, dòng tiền tham gia khá tích cực đã kéo thành công một số mã lên trên mốc tham chiếu, giúp chỉ số VN-Index hãm đà lao dốc.

Nhóm VN30 là tội đồ chính kéo thị trường đi xuống khi có tới 24 mã tăng, 5 mã giảm và 1 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index giảm 9,27 điểm (-1,35%) xuống 678,45 điểm.

Trong đó, VNM, VIC, GAS, MSN, BVH, VCB… duy trì đà giảm trên dưới 1%.

Bên cạnh VCB, các mã ngân hàng khác như CTG, MBB, STB cũng giảm từ 1,4-2,52%, cũng đóng vai trò lực hãm thị trường, thì BID lại đi ngược xu hướng chung của ngành. Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp BID là một trong những mã lớn hiếm hoi tăng 0,89%, BID kết phiên tại mức 17.050 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Cùng với BID, các cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau tăng điểm, ROS, CII, FLC, HQC, ITA cũng đều khởi sắc.

Trong đó, tiêu điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch chiều là ITA. Sau 9 phiên liên tiếp giảm mạnh kéo giá cổ phiếu xuống mức thấp kỷ lục, ITA đã hồi phục mạnh nhờ lực cầu hấp thụ mạnh.

Đóng cửa, ITA tăng 6,8% lên mức giá trần 3.280 đồng/CP với khối lượng khớp 11,97 triệu đơn vị và dư mua trần 1,22 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên giao dịch 14/4, VN-Index giảm 5,9 điểm (-0,81%) xuống 718,45 điểm; HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,43%) xuống 89,64 điểm; UPCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,74%) xuống 57,21 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.400 tỷ đồng

Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại  mua ròng 287.850 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 44,43 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại đã mua ròng 610.382 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 8,33 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 73.410 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 2,74 tỷ đồng.
Bản tin tài chính kinh doanh trưa 14/4/2017:
Chứng khoán thế giới bao phủ bởi sắc đỏ

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi kết thúc phiên ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư chịu áp lực bán tháo từ báo cáo lợi nhuận của 3 ngân hàng lớn và căng thẳng chính trị toàn cầu.

Cổ phiếu Wells Fargo sụt 3,3%. Cổ phiếu JP Morgan lùi 1,2% và Citigroup mất 0,8%, ngay cả khi 2 ngân hàng này công bố lợi nhuận quý I cao hơn dự kiến.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm 0,4%, đây là phiên giảm thứ 10 liên tiếp của nhóm này, qua đó đánh dấu chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ tháng 5/2012.

Nhà đầu tư đã tìm kiếm đến tài sản trú ẩn an toàn trong suốt tuần qua do căng thẳng chính trị ở Syria và Triều Tiên. Thông tin về một quả bom được Mỹ thả xuống Afghanistan càng làm tăng thêm việc bán tháo của thị trường.

Cổ phiếu ngành Năng lượng cũng có 1 phiên tồi tệ với mức giảm 1,8%.

Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Dow Jones giảm 138,61 điểm (-0,67%), xuống 20.591,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,98 điểm (-0,68%), xuống 2.328,95 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,01 điểm (-0,53%), xuống 5.805,15 điểm.

Trên thị trường châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua, do căng thẳng gia tăng tại bán đảo Triều Tiên và các khu vực khác trên thế giới khiến cho nhà đầu tư không mấy mặn mà với thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc đã mất điểm lớn nhất trong vòng hai tuần, giữa lúc các lo ngại về các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát nền kinh tế của chính phủ.

Ngoài ra, hàng loạt dữ liệu được công bố trong tuần này, bao gồm lạm phát và tiêu dùng, đã khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về sự bền vững của sự hồi phục kinh tế Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy chỉ số CPI thấp hơn dự kiến và tăng trưởng của ngành bất động sản giảm mạnh, bất chấp các cổ phiếu liên quan đến khu kinh tế mới Hùng An đang tăng cao.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch dịp ngày "Good Friday".

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 91,21 điểm (-0,49%), xuống 18.335,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 31,48 điểm (-0,96%), xuống 3.244,48 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC tăng hơn 300.000 đồng ngay trong ngày, tỷ giá USD ổn định.

Tại thị trường trong nước, sau khi tăng gần 100.000 đồng/lượng vào sáng nay so với cuối ngày hôm qua.  Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,97 triệu đồng/lượng -  37,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng thêm 190.000 đồng chiều mua vào - tăng 220.000 đồng chiều bán ra.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay ở  22.320 đồng/USD, bằng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các Ngân hàng thương mại tăng 20 - 30 đồng so với đầu giờ sáng, hiện giao dịch phổ biến ở 22.660 - 22.730 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp Hàn Quốc bán bánh ngọt cho người Việt thu hơn 3.800 tỷ đồng

Tập đoàn bánh kẹo Hàn Quốc Orion Corp. vừa công bố doanh thu năm 2016 tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 174,5 triệu USD, tương đương hơn 3.800 tỷ đồng, theo Pulse News.

Doanh thu này tăng 24% so với năm trước và tương đương tốc độ tăng trưởng của tập đoàn này tại Trung Quốc cách đây 10 năm.

Kết quả này được khẳng định có phần lớn sự đóng góp từ chiến dịch quảng cáo “Tình” nhận sự ủng hộ cao của người tiêu dùng. Hiện dòng sản phẩm bánh phủ chocolate của hãng chiếm 58% thị phần tại Việt Nam.>>.Chi tiết

Tín dụng tại khu vực TP.HCM tăng 3% trong quý I/2017

Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2017, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 1.795.200 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm hơn 87,47% tổng nguồn vốn huy động..>> Chi tiết

Xuất hiện tin đồn Apple có thể bỏ hơn 200 tỷ USD thâu tóm  Walt Disney

Theo tờ Fortune, các nhà đầu tư đang đồn đoán về khả năng  Apple bỏ ra 1 số tiền lớn để thâu tóm Walt Disney. Thông tin này được chuyên gia phân tích Amit Daryanani của RBC Capital Markets đưa ra trong báo cáo công bố ngày hôm qua.

Theo ước tính Apple sẽ phải trả 157 USD cho mỗi cổ phiếu Disney, tương đương mức giá 237 tỷ USD.

Phố Wall ngày càng quan tâm đến 1 thương vụ giữa Apple và Disney sau khi CEO Tim Cook và nhiều lãnh đạo của Apple có vài lần bóng gió về khả năng thâu tóm 1 công ty truyền thông.

Trước đó, nhiều nguồn tin cho hay Apple đang bàn về việc mua lại Time Warner (ông chủ của HBO và Warner Bros) trước khi AT&T bỏ ra 109 tỷ USD (tính cả nợ) thâu tóm Time Warner mùa thu năm ngoái).

Nếu gộp làm một, Apple và Disney sẽ tạo thành 1 công ty có doanh thu khoảng 285 tỷ USD. Dựa trên kết quả ước tính cho năm 2018, công ty này sẽ có giá trị vốn hóa lên tới 920 tỷ USD (hoặc 1.000 tỷ USD nếu tính đến cả nợ).

 Tham vọng của Trung Quốc tại châu Á

Theo số liệu thống kê mới công bố của JLL, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng 50% vốn đầu tư bất động sản khi bơm khoảng 29,1 tỷ USD vào thị trường nội địa năm ngoái, chủ yếu tại các thành phố cấp 1 như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư kỷ lục 33 tỷ USD cho bất động sản nước ngoài năm 2016, con số khó có thể tiếp tục duy trì trong năm nay do chính phủ nước này siết chặt kiểm soát vốn và đầu tư ra nước ngoài..>> Chi tiết

Tin bài liên quan