Thị trường tài chính 24h: Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt nặng

Thị trường tài chính 24h: Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt nặng

(ĐTCK) Khối ngoại bán mạnh, VN-Index vẫn giữ được mốc 760 điểm; Gỡ rào cản để cùng tiến tại VBF giữa kỳ 2017; Lãi suất vẫn ổn định, thậm chí có cơ hội giảm; Từ 15/6/2017, phạt nặng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn; Chứng khoán thế giới dần hồi phục... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng

Cũng như những đợt chốt sổ của các quỹ ETF trước đây, phiên giao dịch sáng cuối tuần khá ảm đạm. Tâm lý giao dịch thận trọng thăm dò của nhà đầu tư trong nước khiến thanh khoản sụt giảm khá mạnh.

Sang phiên chiều, giao dịch tiếp tục lình xình, nhà đầu tư dường như đang ngóng chờ phiên bùng nổ ATC. Chỉ số VN-Index lình xình quanh ngưỡng 762 điểm trong gần hết phiên giao dịch chiều.

Không nằm ngoài dự đoán, phiên ATC bùng nổ khi lực bán ồ ạt đã khiến hàng loạt bluechip như BVH, VNM, MSN… có thời điểm giá dự kiến khớp giảm khá mạnh .

Tuy nhiên, lực cầu nội sau đó nhanh chóng nhập cuộc, giúp đà giảm của các mã này được hãm lại và chốt phiên với mức giảm không đáng kể. 

Chốt phiên cuối tuần, VNM giảm 0,52%, MSN giảm 2,42%, BVH giảm 0,85%...

Ngoài VNM, BVH, MSN, các mã khác cũng bị khối ngoại bán mạnh hôm nay như HPG, VCB, KDC, SSI…, nhưng tương tự, khi đóng cửa đứng giá tham chiếu hoặc tăng điểm.

Cặp đôi PVD và PVS cùng bị quỹ này loại khỏi rổ danh mục trong kỳ review và đều bị khối ngoại bán ra khoảng 5,5 triệu cổ phiếu, PVD chỉ giảm 0,3%, PVS giảm 1,2%.

HAG tăng trở lại sau phiên điều chỉnh hôm qua, bất chấp bị khối ngoại bán ra hơn 10 triệu đơn vị. Kết phiên, HAG tăng 1,3% lên mức 9.170 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,8 triệu đơn vị

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu được quỹ V.N.M tăng tỷ trọng như VIC, NVL, STB… đều được khối ngoại gom mạnh và cũng có được mức tăng khá tốt về giá

Trong đó, STB và SHB là điểm sáng của nhóm cổ phiếu ngân hàng. STB tăng 1,1% lên 13.900 đồng/CP và khớp 15,37 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng 5,83 triệu đơn vị; SHB tăng 1,4% lên mức 7.400 đồng/CP và khớp 7,21 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng 0,73 triệu đơn vị.

Ngoại trừ ROS vẫn ở mức sàn 97.000 đồng với dư bán sàn còn tới hơn 1 triệu đơn vị, chưa kể lượng dư bán ATC. Dường như V.N.M đã gom vào ROS từ phiên sáng.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 20,98 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 132,74 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 4,45 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 84,26 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 166.510 đơn vị, giá trị tương ứng 9,18 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/6: VN-Index tăng 0,67 điểm lên 761,24 điểm; HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,55%), lên 98,31 điểm;UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,25%), xuống mức 56,75 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.973 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau khi giữ bình tĩnh trong phiên thứ Tư sau quyết định giảm lãi suất của Fed bất chấp lạm phát thấp và dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tỏ ra hoang mang khi bước vào phiên thứ Năm.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt giảm mạnh, Dow Jones mất hơn 100 điểm, chỉ số Nasdaq cũng giảm tới gần 1,4%, S&P 500 cũng giảm gần 0,8%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, hàng tiêu dùng, tài chính, năng lượng cùng đồng loạt giảm. Tuy nhiên sau đó, phố Wall đã dần phục hồi, hãm bớt đã giảm và đóng cửa phiên giao dịch thứ Năm chỉ còn mức giảm khiêm tốn nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích và bất động sản.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 14,66 điểm (-0,07%), xuống 21.359,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,46 điểm (-0,22%), xuống 2.432,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 29,39 điểm (-0,47%), xuống 6.165,50 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản tăng, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 9/6.

Việc đồng USD tăng lên 111,27 yên/USD, mức cao nhất kể từ ngày 2/ 6, giúp tâm lý thị trường ổn định và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách tiền tệ như mong đợi.

Theo đó, BOJ  quyết định tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ, nhằm mục đích giữ lợi suất trái phiếu 10 năm ở khoảng 0%.

Quy mô mua vào trái phiếu chính phủ Nhật khoảng 80 nghìn tỷ yên (720 tỷ đô la) một năm, mặc dù ngay cả Kuroda cũng thừa nhận rằng chỉ tăng khoảng 60 nghìn tỷ yên...

Hôm nay, cổ phiếu của Tập đoàn Tài chính UFJ tăng 1,1%, Nomura Holdings tăng 2,9% và công ty bảo hiểm T & D Holdings tăng 0,9%.

Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ lại giảm bởi sự yếu kém của các công ty cùng ngành tại Mỹ.

Tokyo Electron giảm 1,1%, TDK Corp giảm 0,4% trong khi Sharp Corp giảm 0,5%.

Cổ phiếu Takata Corp hôm nay đã bị đình chỉ ngày thứ 3 liên tiếp, sau khi công ty này không đưa ra tuyên bố chính thức nào sau khi các có các nguồn tin cho biết công ty đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản vào tuần tới.

Takata đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận về hậu thuẫn tài chính từ hãng sản xuất phụ kiện ô tô của Mỹ Key Safety Systems Inc.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trong phiên giao dịch cuối tuần

Chỉ số CSI300-blue-chip giảm 0,3%, trong khi Shanghai Composite Index cũng mất 0,3%. Trong tuần, CSI300 giảm 1,6%, trong khi SSEC giảm 1,1%.

Chỉ số Thượng Hải SE 50, một chỉ số theo dõi 50 cổ phiếu blue-chips tại Thượng Hải giảm 2,6%, tuần này là tuần tồi tệ nhất trong năm 2017 của nhóm này.

Dữ liệu trong tuần này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc nói chung vẫn vững vàng trong tháng 5, nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, và thị trường nhà ở hạ nhiệt, cùng với đó là vốn đầu tư chậm lại đã củng cố quan điểm rằng nền kinh tế sẽ dần dần mất đà trong những tháng tới.

Các số liệu cho thấy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 410 tỷ Nhân dân tệ (60,17 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ trong tuần này, mức bơm hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 1.

Trong tuần, các cổ phiếu ngành ngân hàng và cơ sở hạ tầng đã mất điểm nhiều nhất, lần lượt giảm 3,1% và 3,3%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm sau phiên sụt giảm mạnh của phiên hôm qua do ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất.

Chỉ số Hang Seng tăng 0,2%, nhưng tính chung trong tuần đã mất 1,6%, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Riêng hôm qua, chỉ số này giảm tới 1,2%.

Tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi số liệu lạm phát và đầu tư yếu kém của Trung Quốc, làm tăng thêm lo ngại về sự suy thoái lại trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hoạt động của ngành hỗn độn, với sự gia tăng dòng tiền đổ về cổ phiếu tài chính, nhưng về cổ phiếu bất động sản, vốn dễ bị tổn thương bởi lãi suất và chi phí cho vay cao, tiếp tục giảm.

Kết thúc phiên 16/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 111,44 điểm (+0,56%), lên 19.943,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 61,15 điểm (+0,24%), lên 25.626,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,32 điểm (-0,30%), lên 3.123,27 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC không đổi. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.725 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa giảm 70.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,16 - 36,38 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.411 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.655  - 22.725 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017: Gỡ rào cản để cùng tiến

Sáng nay (16/6), cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ sẽ đối thoại, bàn cách “Cùng nhau tiến về phía trước - khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu”. VBF giữa kỳ năm 2017 đã chọn nội dung này làm chủ đề chính.. >> Chi tiết

- Từ 15/6/2017, phạt nặng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn

Với Thông tư hướng dẫn mới của Bộ Tài chính, bắt đầu có hiệu lực từ 15/6, hàng trăm doanh nghiệp sau cổ phần hóa chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn sẽ phải đối mặt với án phạt nặng.>> Chi tiết

- Lãi suất vẫn ổn định, thậm chí có cơ hội giảm

Với sự thuận lợi của các yếu tố vĩ mô, bên cạnh kỳ vọng Nghị quyết về xử lý nợ xấu sớm đi vào thực tế, nhiều lãnh đạo ngân hàng nhìn nhận, lãi suất trong ngắn hạn sẽ vẫn ổn định, thậm chí có cơ hội giảm.. >> Chi tiết

Giải mã sự thành công không đối thủ của WeChat

Wechat trở thành biểu tượng thành công của startup châu Á, là sự khát khao, niềm hy vọng của những nhà sáng lập trẻ. Connie Chan và các đồng nghiệp miêu tả về WeChat: “Một ứng dụng thống trị tất cả”. >> Chi tiết

Jack Ma có thể rót tiền vào Grab

Ông chủ Alibaba có thể tham gia vòng huy động vốn 1,5 tỷ USD sắp tới của Grab, theo một nguồn tin thân cận được Bloomberg trích dẫn.

Hồi tháng 3, Grab đã công bố chuẩn bị cho vòng huy động vốn trị giá 1,5 tỷ USD, do SoftBank dẫn đầu. Việc này nhằm giúp họ có thêm tiền trong cuộc chiến với Uber Technologies ở Đông Nam Á.. >> Chi tiết

Trung Quốc không còn “ngại” Fed tăng lãi suất

Một số nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tiến hành đợt tăng lãi suất nào giai đoạn đầu năm 2016 cũng có một phần nguyên nhân từ Trung Quốc.

Nhà kinh tế Jeremy Stevens tại Standard Bank nhận định: “Năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nhận được sự hỗ trợ bất ngờ từ Fed”..>> Chi tiết

Tin bài liên quan