Thị trường tài chính 24h: Leo đỉnh thành công

Thị trường tài chính 24h: Leo đỉnh thành công

(ĐTCK) VN-Index bật mạnh lên trên 1.130 điểm; Ngân hàng thiếu nhân sự cấp cao nên đãi ngộ “như mơ”; HOSE công bố 23 cổ phiếu đáp ứng điều kiện là chứng khoán cơ sở của chứng quyền; Lãi suất thấp kỷ lục,vì sao trái phiếu vẫn đắt hàng?; Chứng khoán Mỹ điều chỉnh; Nếu không ký được thỏa thuận Brexit, doanh nghiệp Anh và EU sẽ bị thiệt hại 80 tỷ USD/năm...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index bật mạnh về cuối phiên

Dưới sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc cản 1.130 điểm. Nhưng cũng ngay sau đó, áp lực bán đã tăng mạnh, kéo VN-Index rơi trở lại mốc tham chiếu và rung lắc mạnh dưới ngưỡng này.

Những tưởng VN-Index sẽ khó thoát một phiên giảm điểm thì bất ngờ đã xảy ra. Ngay khi bước vào đợt ATC, dòng tiền được dồn mạnh vào nhóm midcap khiến nhóm này đồng loạt tăng điểm.

Bên cạnh đó là sự ổn định của các đầu kéo như CTG và VNM, VN-Index đã vượt qua ải 1.130 điểm và kết phiên ở mức cao nhất ngày

Một loạt cổ phiếu midcap như SBT, IDI, ASM, TLD, HAR, FMC, EMC... đồng loạt tăng trần. Trong đó, ASM và IDI đáng chú ý nhất khi khớp lệnh lần lượt 4,75 triệu và 10,85 triệu đơn vị

SBT cũng được khớp lệnh rất mạnh, đạt 11,08 triệu đơn vị và tăng lên 18.150 đồng (+6,8%)

CTG đang là ngôi sao sáng. Có thể nói, CTG chính là "suối nguồn" cảm hứng của thị trường. Ngay khi mở cửa, CTG đã tăng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số để dẫn dắt các mã ngân hàng khác.

Trong bối cảnh thị trường đỏ lửa, CTG vẫn thể hiện bộ mặt tích cực với sự vươn lên mạnh mẽ, tạo cảm hứng cho không chỉ nhóm ngân hàng, mà còn là nhiều mã vốn hóa lớn khác.

CTG đóng cửa tăng tới 6,7% lên 35.700 đồng, khớp lệnh hơn 14 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE.

Tương tự, VNM, VIC, SSI, STB, MBB, VPB, BID... đều tăng điểm, thanh khoản mạnh. VNM tăng 6,8% lên 210.000 đồng, khớp lệnh 1,265 triệu đơn vị. SSI tăng 2,9% lên 5,269 triệu đơn vị.

Các mã thị trường HAG, HNG, DXG, VOS, IG, SCR... tăng điểm khá tốt, trong khi FLC, HQC, AMD, HAI... giảm điểm, thanh khoản từ 1-7 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng xấp xỉ gần 2 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 184,18 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 44.149 đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 4,95 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 326.129 đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 4,43 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/3: VN-Index tăng 7,02 điểm (+0,62%), lên 1.133,31 điểm; HNX-Index tăng 0,6 điểm (+0,2%), lên 129,66 điểm; UpCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,09%), xuống 61,25 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 8.613 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau phiên khởi sắc cuối tuần trước nhờ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp khả quan, cùng nỗi lo lạm phát giảm bớt, phố Wall đã giao dịch trái chiều trong phiên thứ Hai.

Trong đó, Dow Jones và S&P quay đầu giảm do sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghiệp khi nhà đầu tư phản ứng với việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, Nasdaq lại duy trì đà tăng và thiết lập đỉnh lịch sử mới.

Tuy nhiên, đà tăng của Nasdaq cũng bị hãm bớt về cuối phiên sau thông tin chính quyền Mỹ không chấp nhận thông qua thương vụ M&A trị giá 117 tỷ USD giữ Broadcom Ltd và Qualcomm Inc.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 157,13 điểm (-0,62%), xuống 25.178,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,55 điểm (-0,13%), xuống 2.783,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,51 (+0,36%), lên 7.588,32 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi đồng yên yếu đã kích thích dòng tiền chảy vào thị trường các hợp đồng tương lai, bù đắp cho sự suy yếu của các nhà sản xuất thép và các nhà sản xuất ô tô, do vẫn bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về thuế của Mỹ đối với thép nhập khẩu và nhôm.

Chỉ số Nikkei tăng 0,7% lên 21.968,10 điểm, trong khi Topix tăng 0,6% lên 1.751,03 điểm.

Những người chiến thắng trong phiên hôm nay là các cổ phiếu phòng thủ, có tính bền vững cao như tiện ích, thực phẩm và các nhà sản xuất thuốc, với Tokyo Gas tăng 2,5%, Ajinomoto tăng 1,4% và Eisai tăng 2,1%.

Các nhà sản xuất thép đã giảm 0,3% trong khi các nhà sản xuất ô tô mất 0,04%

Chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,5% xuống 3.310,24 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,9% xuống 4.091,25 điểm.

Trung Quốc đang có ý định hợp nhất cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm vào làm một.

Sự sáp nhập này không quá quan trọng, nhưng nó là tiền thân cho việc thành lập một một Ủy ban Phát triển Tài chính bền vững (FSDC) nằm trong Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Jonas Short, nhà phân tích của Everbright Sun Hung Kai, viết trong lưu ý.

Ngành tài chính giảm 0,8%, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng cơ bản không thay đổi, trong khi hầu hết các công ty bảo hiểm lại suy giảm.

Nhóm cổ phiếu  tăng mạnh nhất hôm nay là Dr.Peng Telecom & Media Group Co Ltd, tăng 10,02%, Yangzhou Yaxing Motor Coach Co Ltd, tăng 10,02%, và Guizhou Guihang Automotive Components Co Ltd, tăng 9,98%.

Nhóm cổ phiếu mất điểm lớn nhất là Shanghai Fukong Interactive Entertainment Co, giảm 10,01%, Changshu Fengfan Power Equipment Co Ltd giảm 9,95% và Pci-Suntek Technology Co Ltd giảm 9,75%.

Chứng khoán Hồng Kông kết thúc ngày gần như không đổi, khi các nhà đầu tư cũng có những nhìn nhận thận trọng về vấn đề sáp nhập 2 cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm tại Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index chỉ tăng 0,02% lên 31.601,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,4% lên 12.746,78 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 1,1%, ngành CNTT tăng 0,44%, tài chính tăng 0,37%, và bất động sản giảm 0,25%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất phiên hôm nay là China Gas Co Ltd tăng 1,79%, trong khi giảm điểm nhiều nhất là WH Group Ltd, giảm 1,98%.

Nhóm cổ phiếu H tăng giá lớn nhất hôm nay là Agricultural Bank of China Ltd tăng 4,92%, Guangdong Investment Ltd tăng 1,97% và Bank of China Ltd tăng 1,61%.

Nhóm cổ phiếu H mất điểm nhiều nhất có New China Life Insurance Co Ltd giảm 2,03%, CNOOC Ltd giảm 1,9% và China Gas Holdings Ltd giảm 1,7%.

Kết thúc phiên 13/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,07 điểm (+0,66%), lên 21.968,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,12 điểm (+0,02%), lên 31.601,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,46 điểm (-0,49%), xuống 3.310,24 điểm.

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.790  đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,55 - 36,75 triệu đồng/lượng, giảm 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.450 đồng/USD, giảm 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 - 22.790 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng thiếu nhân sự cấp cao nên đãi ngộ “như mơ”

Nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng vẫn thừa những người thiếu năng lực và thiếu những người thừa năng lực. Đối với những nhân sự có năng lực và được đánh giá phù hợp với ngân hàng, chế độ đãi ngộ là “như mơ”..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp nhà nước không công bố thông tin sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Chính phủ đề nghị xử phạt các doanh nghiệp Nhà nước không công bố thông tin năm 2017.

Theo báo cáo, tính đến hết năm 2017, mới có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6% số doanh nghiệp) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… chưa gửi báo cáo đến Bộ để thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (một doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (hai doanh nghiệp), Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (năm doanh nghiệp), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (bốn doanh nghiệp) cũng chưa thực hiện công bố thông tin.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/12/2017, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin nêu trên. 

Lãi suất thấp kỷ lục,vì sao trái phiếu vẫn đắt hàng?

Lãi suất huy động trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp về mức 3% loại kỳ hạn 5 năm, thấp kỷ lục so với nhiều năm gần đây, những tưởng sẽ khiến nhà phát hành rơi vào tình cảnh ế hàng. Tuy nhiên, thực tế thị trường đang có diễn biến ngược lại. Vì sao có điều lạ này?..>> Chi tiết

HOSE công bố 23 cổ phiếu đáp ứng điều kiện là chứng khoán cơ sở của chứng quyền

Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa công bố danh sách các cổ phiếu đáp ứng điều kiện là chứng khoán cơ sở của chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) và hạn mức còn được phép chào bán quý I/2018..>> Chi tiết

MobiFone và AVG thống nhất huỷ thương vụ mua bán

AVG sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán và các bên cũng cố gắng để không chịu thiệt hại từ thương vụ này..>> Chi tiết

Nếu không ký được thỏa thuận Brexit, doanh nghiệp Anh và EU sẽ bị thiệt hại 80 tỷ USD/năm

Doanh nghiệp của Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mất thêm chi phí 59 tỷ bảng Anh (80 tỷ USD)/năm, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về Brexit..>> Chi tiết

Tin bài liên quan