Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Lao dốc

(ĐTCK) VN-Index mất hơn 41 điểm; Không phải lãi suất tăng, biến động tỷ giá mới là rủi ro mà các CFO lo sợ nhất; Thấy gì qua một phiên đại hội đồng cổ đông “lạ”?; MSCI nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 18,2%; Sàn niêm yết nhộn nhịp doanh nghiệp vào - ra; Chứng khoán thế giới vẫn đầy lo âu về chiến tranh thương mại; Đây là những tỷ phú thế giới giàu lên nhờ Bitcoin....là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index lao dốc

Tín hiệu tiêu cực đã sớm xuất hiện. Thị trường căng như dây đàn khi tâm lý nhà đầu tư tỏ rõ sự thận trọng cao độ khiến dòng tiền hết sức dè dặt, mặt khác áp lực bán lớn vẫn đang trực chờ.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm mạnh, sự căng thẳng này nhanh bung vỡ và VN-Index bắt đầu lao dốc kể từ hơn nửa sau phiên sáng.

Diễn biến tiêu cực tiếp tục diễn ra trong phiên chiều, áp lực xả lại ồ ạt xuất hiện và dìm VN-Index xuống sâu hơn. Đà giảm giá rất mạnh này dường như đã kích hoạt trạng thái "call margin" khiến hàng chục cổ phiếu nằm sàn.

Bảng điện tử rực lửa với số lượng mã giảm gấp gần 5 lần số mã tăng, trong khi sức mua hạn chế, VN-Index kết giảm hơn 41 điểm - mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua.

Nhóm ngân hàng chính là "quả ngư lôi" đánh chìm VN-Index phiên này khi có tới 5 mã giảm sàn là TCB, VPB, CTG, BID, STB về tương ứng 81.800 đồng (-6,9%), 25.800 đồng (-6,9%), 21.500 đồng (-6,7%), 23.100 đồng (-6,7%), 10.600 đồng (-6,8%).

Các mã MBB và HDB đều giảm hơn 5%. VCB dù được khối ngoại mua ròng hơn 1,1 triệu đơn vị, song vẫn giảm 3,6% về 56.000 đồng. EIB và TPB cũng hơn 3%.

Cũng là tác nhân không nhỏ trong việc dìm thị trường là VIC-VHM khi cặp đôi này cũng đều giảm sàn về 99.700 đồng (-7%) và 103.600 đồng (-6,9%).

Nhóm bất động sản - xây dựng, ngoài các mã đầu ngành như VIC và VHM, nhiều mã khác cũng giảm sàn như HBC, DXG, DIG, LDG, PDR...

Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như chứng khoán (SSI, HCM...), dầu khí (GAS, PVD, PXL...), vật liệu xây dựng (HSG, HPG...) cũng đều giảm mạnh.

Sắc đỏ cũng bao phủ các mã thị trường như FLC, HQC, SCR, HAG, HNG, ITA, KBC, HAI, FIT...

Tân binh YEG có phiêm giảm sàn thứ 2 liên tiếp về 276.000 đồng (-7%) song vẫn là mã có thị giá cao nhất thị trường.

Nhưng vẫn có những cái tên đi ngược thị trường như SBT tăng 1,7% lên 14.700 đồng, AAA tăng 0,3% lên 18.300 đồng..., thậm chí tăng trần như CVT.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 12,24 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 358,72 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 412.953 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng 8,72 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 1,42 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 11,6 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 3/7: VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%), xuống 906,01 điểm; HNX-Index giảm 3,97 điểm (-3,86%), xuống 98,8 điểm;  UPCoM-Index giảm 0,86 điểm (-1,69%), xuống 49,98 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.454 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Lo ngại về chiến tranh thương mại gia tăng trở lại khi thời gian áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc sắp đến, cùng với các cuộc trả đũa của các đối tác thương mại khác của Mỹ như Canada, EU khiến phố Wall chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần mới.

Tuy nhiên, về cuối phiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ được dẫn đầu bởi cổ phiếu Apple, giúp các chỉ số chứng khoán chính của phố Wall quay đầu đảo chiều và đóng cửa tiếp tục có phiên tăng điểm, trong đó Nasdaq tăng tốt nhất.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones tăng 35,77 điểm (+0,15%), lên 24.307,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,34 điểm (+0,31%), lên 2.726,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,38 điểm (+0,76%), lên 7.567,69 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản may mắn chỉ giảm nhẹ, nhưng tâm lý thị trường vẫn bị đè nặng bởi nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ vào cuối tuần này, khi 34 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc sẽ bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,12% xuống 21.785,54 điểm, đã có thời điểm chỉ số này xuống 21.574 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Tư.

Topix giảm 0,15% xuống 1.692,80 điểm với 1.541 mã giảm và chỉ 486 mã tăng.

Fujio Ando, cố vấn tại Chibagin Securities cho biết: “Nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu chiến tranh thương mại, trả đũa nhau thì nền kinh tế Nhật chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và lợi nhuận của công ty sẽ giảm, bởi các công ty sản xuất ô tô, thép và điện tử sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng.

Phiên hôm nay, các công ty kim loại màu và các vận tải, nhóm sẽ chịu ảnh hưởng lớn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó áp đặt thuế đối với các sản phẩm thép và aluminuim, lần lượt giảm 1,9% và 1,6%.

Các nhà sản xuất máy móc giảm 1,2%, với Citizen Watch giảm 3%.

"Thật khó khăn trong giai đoạn này để ước tính cụ thể tác động của việc tranh chấp thương mại toàn cầu, nhưng đối với một nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi, sự biến động của thị trường hiện tại cũng mang lại cơ hội mua tốt", Keita Kubota, nhà quản lý đầu tư cấp cao tại Aberdeen Standard Investments cho biết.

Một số cổ phiếu công nghệ có triển vọng lợi nhuận vững chắc nằm trong số ít những điểm sáng với Nintendo tăng 1,9%, Keyence tăng 1% và Murata Manufacturing tăng 1,2%.

Ngược lại, cổ phiếu của các nhà bán lẻ bị bán tháo với Aoki Holdings Inc giảm 7,4% và Aoyama Trading Co Ltd giảm 5,5% sau tin tức.

Chứng khoán Trung Quốc hồi phục trong phiên chiều, sau phiên sáng có thời điểm mất gần 2%, sau khi nhóm cổ phiếu dịch vụ, phần mềm, máy tính và dầu khí tăng trở lại.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,41% lên 2.786,89 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng không đáng kể lên 3.409,28 điểm.

Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ The Economic Daily cho biết việc bán tháo gần đây trên thị trường chứng khoán đại lục là một "phản ứng phi lý", và cho rằng các nhà đầu tư không phải lo sợ về căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

"Các mâu thuẫn thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng cao là một thử nghiệm mà nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn phải trải qua trong quá trình tăng trưởng. 

Chúng tôi đã dự đoán và chuẩn bị từ lâu về điều này ... Tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nằm trong tầm kiểm soát", tờ báo này nêy rõ.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất hôm nay là Phenix Optical Co Ltd tăng 10%, Hunan Copote Science Technology Co Ltd tăng 10,03% và Sichuan Chengfa Aero Science and Technology Co Ltd tăng 10,03%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là Jilin Forest  giảm 10,06%, Wuhan East Lake High Technology Group Co Ltd giảm 10,03%; Zhejiang Tiancheng Controls Co Ltd giảm 10,02%.

Chứng khoán Hồng Kông hãm đà giảm sâu về cuối phiên, nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại về việc áp thuế của Mỹ đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào cuối tuần.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,41% xuống 28.545,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm hơn 1,8% xuống 10.872,20 điểm.

Kết thúc phiên 3/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 26,39 điểm (-0,12%), xuống 21.785,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 409,54 điểm (-1,41%), xuống 28.545,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,33 điểm (+0,41%), lên 2.786,89 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.070 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm từ 30.000 đến 40.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,67 - 36,88 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.635 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.0050 - 23.070 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Không phải lãi suất tăng, biến động tỷ giá mới là rủi ro mà các CFO lo sợ nhất

Cuộc khảo sát do HSBC và FT Remark thực hiện cho thấy, hơn một nửa các CFO tin rằng, rủi ro biến động tỷ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp của họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất..>> Chi tiết

Hệ thống ngân hàng đối diện những thách thức không mới

Kết thúc 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận như mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, thúc đẩy xử lý nợ xấu... Tuy nhiên, trong thời gian tới, những thách thức cũ vẫn hiện hữu và không dễ để vượt qua..>> Chi tiết

Thấy gì qua một phiên đại hội đồng cổ đông “lạ”?

Với các công ty đại chúng, phiên họp ĐHCĐ thường niên hàng năm là một hoạt động quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn của doanh nghiệp. Hoạt động này trong nhiều trường hợp cũng là một trong những thước đo cho việc doanh nghiệp có minh bạch và thượng tôn pháp luật hay không?..>> Chi tiết

MSCI nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 18,2% và có khả năng tăng lên 23,3%

 Ngày 21/6/2018, MSCI công bố đợt tái cơ cấu danh mục rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 thường niên. Sau đợt tái cơ cấu này, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ danh mục trên tăng từ 14,7% lên 18,2% và có khả năng tăng lên 23,3% trong đợt tái cơ cấu sau..>> Chi tiết

Sàn niêm yết nhộn nhịp doanh nghiệp vào - ra

Thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), 6 tháng đầu năm 2018, có 17 cổ phiếu gia nhập sàn HOSE, trong đó 10 cổ phiếu niêm yết mới và 4 trường hợp hủy niêm yết. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đón 5 mã mới, nhưng có tới 12 mã phải hủy niêm yết vì chất lượng doanh nghiệp quá kém..>> Chi tiết

Đây là những tỷ phú thế giới giàu lên nhờ Bitcoin

Nhiều người cho rằng "bong bóng Bitcoin" đã vỡ, nhưng vẫn tồn tại nhóm người có tầm nhìn tốt và đang sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ tiền điện tử..>> Chi tiết

Tin bài liên quan