Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền lớn đang chảy vào đâu?

(ĐTCK) VN-Index điều chỉnh nhưng vẫn giữ được mốc 890 điểm; Gỡ cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém: Như thế nào?; Giao dịch chui cổ phiếu: Xử nhẹ sẽ nhờn; Bán vốn nhà nước, nhìn từ câu chuyện Vinamilk; Tiền lớn vào cổ phiếu doanh nghiệp lớn; Chứng khoán Mỹ phục hồi, thiết lập kỷ lục mới; Thất vọng vì IBM, Warren Buffett tiếp tục đặt cược vào Apple....là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index điều chỉnh

Sau chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp, lần lượt phá vỡ các đỉnh cao mới, áp lực bán đã gia tăng trong phiên sáng nay, đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu. 

Áp lực bán tiếp tục gia tăng và lan rộng hơn trong phiên chiều, khiến VN-Index tiếp tục nới rộng đà giảm và nhanh chóng thủng mốc 890 điểm.

Tuy nhiên, với việc VIC, VRE, ROS có được đà tăng tốt, và VNM và VJC giữ được mức giá ổn định ở tham chiếu, đà giảm của VN-Index đã được hãm lại và mốc 890 điểm vẫn được giữ vững.

Dù hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều chuyển đỏ, thì VJC với những thông tin cơ bản tốt vẫn giữ giá tham chiếu 120.500 đồng/CP cùng thanh khoản tích cực đạt 1,13 triệu đơn vị.

Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ ngày chào sàn của VJC (đã tính cả chia tách).

Một số mã lớn khác đã trở thành má phanh giúp thị trường không giảm quá sâu như VIC tăng 2,1%, ROS tăng 0,9%, BVH tăng 0,6%.

VRE đã hồi phục với mức tăng 1,4% khối lượng khớp lệnh 10,74 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu trong “họ FLC” cũng đi ngược xu hướng thị trường khi hầu hết đều đóng cửa trong sắc xanh như FLC, HAI, đặc biệt AMD tiếp tục có phiên tăng trần thứ 3 với mức tăng 7% khớp 1,88 triệu đơn vị.

Trái lại, hàng loạt mã lớn đã chịu áp lực bán và lui về dưới mốc tham chiếu như GAS, MSN, HPG, PLX, cùng giao dịch thiếu tích cực ở dòng bank khi hầu hết các mã như VCB, BID, CTG, STB cùng mất điểm.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, sau 2 phiên hạ nhiệt, giao dịch đã bùng nổ trở lại với 14.920 hợp đồng được thực hiện, giá trị hơn 1.346 tỷ đồng, tăng mạnh 83,72% về lượng và 86,97% về giá trị so với phiên 16/11.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 6,46 triệu đơn vị với tổng giá trị 228,83 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 362.705 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 2,82 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 304.997 đơn vị với tổng giá trị đạt 11,56 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/11: VN-Index giảm 2,11 điểm (-0,24%), xuống 890,69 điểm; HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 108,31 điểm; UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,17%), xuống 52,98 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6.389 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Động lực chính cuat thị trường là kế hoạch cải cách thuế của Mỹ có tiến triển và báo cáo vượt kỳ vọng của đại gia bán lẻ Walmart, giúp cổ phiếu của công ty này chạm mức cao nhất trong lịch sử. 

Phố Wall đã ăn mừng sự kiện Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế do phe Cộng hòa bảo trợ, theo đó các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm và lập những kỷ lục mới.

Trước đó cùng ngày, với 227 phiếu thuận và 205 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế, qua đó mở đường cho ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tiến thêm một bước quan trọng hướng tới mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống thuế của nước này.

Theo dự luật có tên "Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế," các nghị sỹ Cộng hòa đề xuất giảm các nhóm đối tượng đóng thuế từ bảy nhóm như hiện tại xuống còn bốn nhóm với các mức thuế lần lượt là 12%, 25%, 35% và 39,6%.

Kết thúc phiên 16/11chỉ số Dow Jones tăng 187,08 điểm (+0,80%), lên 23.458,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,02 điểm (+0,82%), lên 2.585,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,08 điểm (+1,30%), lên 6.793,29 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng mạnh trong phiên sáng nhưng đã đổ đèo, lao dốc trong phiên chiều và đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0,2%.

Chỉ số Nikkei kết thúc tăng 0,2% lên 22.396,80 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 10/11. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm 1,3% trong tuần này, nhưng vẫn là đạt mức cao nhất trong 9 tuần gần nhất.

Trong phiên, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Tokyo Electron tăng 1% và nhà sản xuất bán dẫn Sumco Corp tăng 4,9%.

Các nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng cũng có một phiên tăng điểm với Sony Corp tăng 0,7% và Panasonic Corp tăng 0,8%.

Ngược lại, một số nhóm điện tử lại không đi cùng xu hướng như Chubu Electric Power giảm 1,1%, Hokuriku Electric Power rớt 1,4%

Cùng với đó là ngành giấy và năng lượng cũng mất điểm như Nippon Paper Industries giảm 1,4%, Oji Holdings giảm 1,2% và Tokyo Gas giảm 1,7%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh do tâm lý thị trường bị ảnh hưởng xấu lo ngại về các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Các chủ nợ của Công ty Thép Trùng Khánh đã bỏ phiếu chấp nhận kế hoạch hoán đổi nợ trên vốn cổ phần nhằm tái cấu trúc khoản nợ gần 40 tỷ nhân dân tệ (6,04 tỷ USD) của công ty này, các nguồn tin của Reuters cho biết.

Giao dịch cổ phiếu của Trùng Khánh Steel đã bị đình chỉ kể từ ngày 1/8.

Năm ngoái, Trung Quốc đã công bố hướng dẫn để giảm nợ công đang gia tăng, bao gồm cả việc hoán đổi nợ vốn cổ phần.

Theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế, tổng nợ của các doanh nghiệp chiếm 166,3% GDP của Trung Quốc vào năm 2016.

Tính đến ngày 22/9, đã có 77 công ty ở Trung Quốc đã tiến hành hoán đổi nợ bằng vốn cổ phần đã lên tới hơn 1.300 tỷ NDT.

Theo một số nhà phân tích, khi Trung Quốc tiến hành chiến dịch nhằm giảm rủi ro tài chính, sẽ còn có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể bị buộc phải cơ cấu lại nợ.

Trùng Khánh Steel, một nhà sản xuất thép hàng đầu tại khu vực với các khoản đầu tư vào các mỏ quặng sắt ở nước ngoài, đã lỗ lớn vào năm 2015 và 2016, cho thấy sự suy thoái kinh tế, tình trạng dư thừa sản lượng quá mức, chi phí lao động gia tăng và giá thép thấp.

Nỗi lo nợ công phản ảnh vào lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua là 4,01%.

Các tổ chức đầu tư đang bán tháo các chứng khoán có tính thanh khoản cao để tăng vị thế tiền mặt của họ, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc đàn áp mạnh hơn về rủi ro tài chính của chính phủ.

Chứng khoán Hồng Kông tăng cao, với tâm lý được hỗ trợ bởi sự hưng phấn đến từ phố Wall đêm qua, sau khi Mỹ đạt được bước tiến mới về kế hoạch cải cách thuế.

Chỉ số Hang Seng tăng 0,6%, đạt 29.199,04 điểm, trong khi chỉ số Trung Quốc tăng 0,7% lên 11.608,73 điểm.

Trong tuần, Hang Seng tăng 0,7%, trong khi HSCE mất 112%.

Trong phiên, cổ phiếu nhóm H tăng giá nhiều nhất là Air China Ltd, tăng 4,73%, Anhui Conch Cement Co Ltd tăng 4,31% và China Merchants Bank Co Ltd tăng 3,96%.

Cổ phiếu nhóm H giảm mạnh nhất là Tập đoàn Điện lực Trung Quốc Longyuan giảm 2,86%, Zhuzhou CRRC Times Electric Co Ltd mất 2,2% và CTCP Chứng khoán China Galaxy giảm 2%

Kết thúc phiên 17/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 45,68 điểm (+0,20%), lên 23.396,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 180,28 điểm (+0,62%), lên 29.199,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,34 điểm (-0,48%), xuống 3.382,91 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC tiếp tục giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.750 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 30.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,35 - 36,57 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.446 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 - 22.750 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Gỡ cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém: Như thế nào?

Những ngân hàng yếu kém và ngân hàng thuộc diện mua lại bắt buộc vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu khi Nhà nước sở hữu 100% vốn..>> Chi tiết

Giao dịch chui cổ phiếu: Xử nhẹ sẽ nhờn

Đã có án phạt lên tới nửa tỷ đồng cho hành vi vi phạm công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp được ban hành thời gian qua, nhưng tình trạng này vẫn liên tục tái diễn..>> Chi tiết

Bán vốn nhà nước, nhìn từ câu chuyện Vinamilk

Kinh nghiệm thành công của đợt bán vốn tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) vừa qua kỳ vọng tiếp tục được phát huy cho các đợt chào bán sắp tới của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)..>> Chi tiết

Tiền lớn vào cổ phiếu doanh nghiệp lớn

Xu hướng liên tục leo dốc của hàng loạt cổ phiếu lớn như MWG, VJC, FPT, CTD trong gần 2 năm qua, cộng với việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiển vào cổ phiếu của các công ty đầu ngành khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn đang bị định giá thấp bật tăng trở lại..>> Chi tiết

Chuyên gia WEF: Việt Nam 480 tỷ USD để cải thiện kết cấu hạ tầng đến năm 2030

Hội thảo hợp tác Việt Nam - Diễn đàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng do Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 16/11 tại Hà Nội để thảo luận về những giải pháp nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác công – tư (PPP) tại Việt Nam..>> Chi tiết

Thất vọng vì IBM, Warren Buffett tiếp tục đặt cược vào Apple

Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú đầu tư Warren Buffett đang tiếp tục “đặt cược” vào sự phát triển của gã khổng lồ công nghệ Apple, trong khi mất niềm tin vào tương lai của một doanh nghiệp lớn khác cùng ngành là IBM..>> Chi tiết

Tin bài liên quan