Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chao đảo

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chao đảo

(ĐTCK) VN-Index thủng mốc 770 điểm; Him Lam thoái vốn tại LienVietPostBank; chứng khoán Hồng Kông chao đảo; chứng khoán thế giới trái chiều; lời khuyên sự nghiệp từ những bộ óc kinh doanh hàng đầu... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index giảm

Sau phiên vượt đỉnh mới 770 điểm hôm qua 26/6, ngay từ khi mở cửa phiên 27/6, áp lực bán đã xuất hiện trên diện rộng khiến thị trường điều chỉnh trở lại.

Trong phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng mạnh và lan rộng dần về cuối phiên chiều khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu và mất luôn mốc 770 điểm.

Dù vậy, tín hiệu tích cực là dù áp lực bán khá lớn, song thị trường không có dấu hiệu hoảng loạn, thậm chí lực cung còn gia tăng cuối phiên. Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư hiện đang rất ổn định.

PLX là mã tạo gánh nặng nhất cho VN-Index với mức giảm 4,2% về 68.800 đồng/CP và khớp lệnh 1,547 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ STB, đều đồng loạt yếu đà. VCB, CTG, BID giảm điểm, EIB và MBB đứng giá tham chiếu. BID khớp 3,7 triệu đơn vị, CTG khớp 1,47 triệu đơn vị. STB tăng 1,1% lên 14.350 đồng/CP

Ngược lại, các mã GAS, ROS, VNM hay DPM, SBT, DHG, CRG… duy trì được sắc xanh, giúp hãm bớt đà giảm của VN-Index.

ROS tiếp đà hồi phục kể từ sau chuỗi giảm điểm mạnh trước đó với phiên tăng thứ 5 liên tục lên 87.000 đồng (+0,6%)

AMD cũng tăng 0,4% lên 12.350 đồng/CP

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng, áp lực chốt lời khiến nhóm này đa phần giữ sắc đỏ.

FLC giảm mạnh 5,3% về 7.270 đồng/CP, khớp lệnh 25,55 triệu đơn vị.

Các mã HQC, SCR, DXG, LCG, HBC, KBC, LDG, PDR… cũng đồng loạt giảm điểm. HQC khớp lệnh 11,83 triệu đơn vị.

Cặp đôi HAG-HNG cũng giảm điểm khá mạnh. HAG khớp 6,76 triệu đơn vị, HNG khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ITA tiếp tục tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 3.930 đồng/CP (+6,8%).

OGC vẫn “nóng bỏng tay” với phiên trần thứ 4 liên tục, dư mua trần tới 6,33 triệu đơn vị.

Tương tự là các tân binh HII hay LEC, trong đó HII dư mua trần 1,2 triệu đơn vị.

Một số mã khác cũng có sắc tím trong phiên hôm nay như VOS, CCL, JVC, TIC, BMC...

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 2,79 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 112,37 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 659.919 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 8,73 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 10.016 đơn vị, tổng giá trị tương ứng 2,05 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/6: VN-Index giảm 5,01 điểm (-0,65%), xuống 767,51 điểm; HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,62%), xuống 98,11 điểm; UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,36%), xuống 56,75 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.886 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Nhóm cổ phiếu công nghệ, yếu tố hỗ trợ cho Nasdaq duy trì chuỗi tăng điểm tốt trong tuần qua đã quay đầu giảm trong phiên đầu tuần mới với đà sụt giảm tại các đại gia như Microsoft, Amazon và Alphabet.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã kéo Nasdaq đảo chiều giảm theo, trong khi Dow Jones và S&P 500 nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, tiện ích nên có được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones tăng 14,79 điểm (+0,07%), lên 21.409,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,77 điểm (+0,03%), lên 2.439,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,10 điểm (-0,29%), xuống 6.247,15 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản tăng phiên thứ 3 liên tiếp do đồng Yen yếu và ngành thép tăng điểm.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một báo cáo rằng giá thép Đông Á rõ ràng đang tăng lên sau khi rơi xuống đáy vào đầu tháng Sáu. Qua đó, giúp các cổ phiếu JFE Holdings tăng 2,5% và Nippon Steel và Sumitomo Metal Corp tăng 2,7%.

Đồng USD cũng đã tăng lên so với đồng Yen, 112,07 Yen/USD, cao nhất kể từ ngày 24/5, do các nhà đầu tư chờ đợi xem Chủ tịch Fec, bà Janet Yellen có phát biểu về triển vọng kinh tế tích cực của Mỹ hay không, khi báo cáo về số liệu kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Tuy thị trường tăng điểm, nhưng Hikaru Sato, nhà phân tích kỹ thuật tại Daiwa Securities, cho biết: "Tâm lý thị trường không phải là xấu, nhưng thật khó cho các nhà đầu tư tìm ra hướng đi vào một ngày mà không có chất xúc tác chính nào khác ngoài một đồng yên yếu".

Trong phiên, cổ phiếu Toyota Motor Corp tăng 0,7%, Panasonic Corp tăng 1,3% và Canon Inc tăng 0,8%.

Các cổ phiếu ngân hàng và các công ty bảo hiểm tăng 0,6% và 0,4%. 

Chỉ số blue-chip của Trung Quốc tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư bắt đầu trở nên thận trọng trước việc chỉ số Bluechips đang tăng quá nóng sau quyết định của MSCI bổ sung 222 cổ phiếu hạng A của Trung Quốc vào chỉ số Emerging Markets Index.

Với việc chỉ số blue-chip giao dịch ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2016, một số nhà đầu tư không chắc liệu chỉ số này có thể tăng hơn nữa trong bối cảnh các dấu hiệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ thanh khoản tương đối chặt chẽ.

Ngân hàng trung ương không muốn thị trường hình thành kỳ vọng về nới lỏng thanh khoản ", Wang Gang, nhà chiến lược của Huajin Securities, cho biết.

"Trong tương lai, nếu như thanh khoản tăng cao cùng với chính sách dần dần nới lỏng tín dụng,... thì có cơ hội lớn cho các cổ phiếu blue-chips tăng cao hơn nữa".

Ngoaì ra, thông tin lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5 vừa qua, cũng đã giúp thị trường đóng cửa trong sắc xanh nhạt.

Trong phiên, thị trường được dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngân hàng, trong khi các cổ phiếu bất động sản trượt dốc sau khi tăng vọt gần 9% trong hai phiên giao dịch trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, chỉ số S&P/HKEX GEM (Growth Enterprise Market) sụt giảm gần 10%, mức giảm lớn nhất trong gần hai năm, đã làm cho thị trường chung xấu đi nhanh chóng.

GEM bao gồm các công ty mới lên sàn, vốn hóa nhỏ tại thị trường chứng khoán Hông Kồng.

Trên một chục cổ phiếu nhỏ đã mất hơn 50%, giữa lúc thị trường chứng khoán suy đoán rằng chứng khoán Hồng Kông sẽ hủy bỏ các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhỏ.

China Jicheng Holdings mất 94%, trong khi Greaterchina Professional Services sụt giảm 93%.

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm chất xúc tác mới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Hồng Kông từ ngày 29/6 đến 1/7 để kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc.

Kết thúc phiên 27/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 71,74 điểm (+0,36%), lên 20.255,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,90 điểm (-0,12%), xuống 25.839,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,75 điểm (+0,18%), lên 3.191,20 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC tăng nhẹ trở lại. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.775 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa không đổi so với chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,18 - 36,40 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.436 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua .Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.705  - 22.775 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Him Lam thoái toàn bộ vốn tại LienVietPostBank

Công ty cổ phần Him Lam vừa thông báo đã không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), thông qua việc chuyển nhượng gần 97 triệu cổ phiếu, tương đương 14,98% vốn điều lệ ngân hàng trong ngày 23/6. 

Việc chuyển nhượng của Him Lam được thực hiện trong bối cảnh nhiều nhân sự cấp cao của ngân hàng và người có liên quan cũng liên tục giao dịch cổ phiếu.

Bên cạnh một số nhân sự thực hiện thoái vốn, nhiều lãnh đạo cấp cao của LienVietPostBank đã đăng ký và mua vào hàng triệu cổ phiếu. Chỉ tính riêng giao dịch đăng ký từ ngày 22/6, tổng số cổ phần lãnh đạo ngân hàng này muốn mua đã đạt vài chục triệu đơn vị.

Sau khi mua 5 triệu cổ phiếu đầu tháng 6, ông Phạm Doãn Sơn - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã tiếp tục đăng ký mua thêm 6,5 triệu cổ phiếu của ngân hàng. Phó tổng giám đốc - Bùi Thái Hà cũng đăng ký mua 5,2 triệu cổ phiếu thông qua giao dịch trực tiếp. (Theo Vnexpress).

Xuất nhập khẩu tăng mạnh, 6 tháng đạt gần 200 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đã lên tới gần 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn.. >> Chi tiết

Dòng vốn FDI lặng lẽ… đổ bộ vào Hà Nội

Không dồn dập những dự án khủng, nhưng bù lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội lại ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Là một đầu tàu kinh tế, Hà Nội đã thực hiện tốt quyền lựa chọn dự án của mình, song vẫn giữ vững vị trí top 5 địa phương thu hút nhiều FDI nhất cả nước.. >> Chi tiết

Doanh nghiệp vẫn “sợ lớn”, vì đâu?

Vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Khuyến nghị không mới này một lần nữa lại được các doanh nghiệp và chuyên gia tập trung nhấn mạnh.. >> Chi tiết

- Châu Á 20 năm sau khủng hoảng tài chính 1997

7 chưa bao giờ là số may mắn với thị trường tài chính: Thứ Hai đen tối năm 1987, cú sốc tại châu Á 1997 hay khủng hoảng toàn cầu 2007.. >>  Chi tiết 

- Lời khuyên sự nghiệp từ những bộ óc kinh doanh hàng đầu

Điểm tương đồng giữa Chủ tịch Wang Jianlin của Dalian Wanda và Chủ tịch Ronnie Chan của Hang Lung Properties là gì?. >> Chi tiết

Tin bài liên quan