Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bùng nổ

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bùng nổ

(ĐTCK) Vn-Index tăng ngày đầu tuần; Nguyên thống đốc đặt câu hỏi “tiền đâu” khi xử lý nợ xấu; Điểm mặt những thách thức khi xử lý 12 đại dự án thua lỗ; Chứng khoán toàn cầu bùng nổ; Giới tỷ phú Trung Quốc “sốt vó” với chính sách giảm nợ xấu; Bài học từ sai lầm lớn nhất của CEO Uber..., là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng

Chứng khoán bùng nổ đang tạo sức hút thực sự với dòng tiền. Những tín hiệu tốt về thanh khoản là sự đảm bảo cho chu kỳ tăng của chứng khoán còn tiếp diễn. Diễn biến giao dịch từ sự thận trọng chuyển sang sự hưng phấn khá cao của các nhà đầu tư. 

Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng nay, sự thận trọng của nhà đầu tư khi VN-Index tiếp cận ngưỡng cản mới, cũng như ROS tiếp tục giảm sàn khiến VN-Index gặp chút khó khăn.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục được duy trì ở mức tốt, giúp cả 2 chỉ số chính nới rộng đà tăng.

Không giống như phiên sáng, sự chắc chắn của nhóm cổ phiếu tài, dầu khí và có sự tham gia thêm của nhóm bất động sản (ngoại trừ ROS), cũng như các mã lớn như VNM, MSN, giúp VN-Index không gặp bất kỳ một trở ngại nào trên con đường chinh phục ngưỡng 765 điểm như phiên sáng.

Với việc giảm sàn liên tiếp, ROS đã chính thức rời khỏi top 10 mã có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE, do đó mức ảnh hưởng của cổ phiếu này tới VN-Index không còn lớn như trước.

Dòng tiền chảy mạnh từ các mã cơ bản, lan sang cả các mã vừa và nhỏ khác, kéo hàng chục mã tăng trần.

Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, lực cầu vẫn được duy trì ở mức cao, giúp cả 2 chỉ số nhảy vọt, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Sắc xanh phủ khắp các mã ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Trong đó, STB +1,8%, với 6,72 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm bất động sản, các mã lớn cũng đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, một số mã nhỏ lại giảm nhẹ, như SCR giảm 1,3%; HQC giảm 0,97%..

Các mã lớn khác cũng tăng tốt như VNM tăng 0,92%, MSN tăng 3,07%, PLX tăng 2,24%..

Ở chiều ngược lại, VJC, HPG, DCM giảm nhẹ, ROS vẫn yên vị ở mức sàn 90.300 đồng khi không có thêm lực cầu trong phiên chiều.

Trong khi đó, ngoài AMD, sắc tím còn xuất hiện ở nhiều mã khác khi chốt phiên hôm nay như QCG, KSA, MCG, KSH,  ATG, CCL, LCM, VOS, ELC, DTA, LEC…

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 228.100 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 111,02 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 771.417 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 17,17 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 272.300 đơn vị, giá trị tương ứng 11,19 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/6: VN-Index tăng 5,59 điểm (+0,73%), lên 766,83 điểm: HNX-Index tăng 1,1 điểm (+1,12%), lên 99,41 điểm; UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,24%), xuống 56,61 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.197 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Bất chấp ngày càng có nhiều nhà bán lẻ truyền thống phải đóng cửa do sự cạnh tranh từ chính Amazon, hãng bán lẻ trực tuyến này vẫn quyết chi 13,7 tỷ USD để mua lại Whole Foods - chuỗi cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ của Mỹ.

Thương vụ này giúp cổ phiếu Amazon tăng 2,4%, trong khi Whole Foods tăng 29,1%, nhưng lại khiến cho cổ phiếu của hàng loạt nhà bán lẻ khác lao dốc như Wal-mart giảm 4,7%, Kroger giảm 9,2% và Costco Wholesale giảm 7,2%.

Chỉ số S&P tiêu dùng chốt phiên cuối tuần mất 1%, cùng với dữ liệu kinh tế khém khả quan ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Cụ thể, ngành xây dựng nhà ở của Mỹ trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng do hoạt động xây dựng giảm mạnh, niềm tin người tiêu dùng Mỹ đầu tháng 6 cũng bất ngờ giảm.

Tuy nhiên, nhờ sự tăng mạnh trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô hồi phục, giúp S&P lấy lại sắc xanh và Dow Jones cũng có mức tăng điểm khi chốt phiên.

Trong khi đó, đà giảm sụt của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến Nasdaq tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Dow Jones tăng 24,38 điểm (+0,11%), lên 21.384,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,69 điểm (+0,03%), lên 2.433,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,74 điểm (-0,22%), xuống 6.151,76 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản một lần nữa vượt lên trên 20.000 điểm, chạm mức cao trong hai tuần qua do đồng USD mạnh lên so với đồng Yen Nhật.

Tuy nhiên, hôm nay thanh khoản thị trường khá thấp, trong phiên chỉ có 1,48 tỷ cổ phiếu được trao tay, thấp nhất kể từ ngày 30/5, tương đương tổng giá trị giao dịch cũng thấp nhất kể từ thời điểm đó.

Chỉ số Nikkei vẫn đang trên đường chinh phục ngưỡng cản 20.000 quan trọng về mặt tâm lý, khi thị trường có phản ứng tích cực sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách lãi suất vào cuối tuần trước.

Takuya Takahashi, một nhà chiến lược tại Daiwa Securities, cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng mức 20.000 sẽ trở thành mức hỗ trợ của Nikkei sớm và điều đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu kinh tế Mỹ trong dài hạn có tăng hay không”.

Trong phiên này, cổ phiếu công ty xây dựng Taisei Corp tăng 2,4% và Kajima Corp tăng 2,5%.

Ngược lại, Tập đoàn Bất động sản Nomura đã giảm 14% sau khi một báo cáo cuối tuần qua được công bố cho thấy Nhật Bản Post Holdings có thể sẽ bỏ đàm phán để mua lại cổ phần của Nomura, vì cả 2 bên đang đau đầu vì chưa thống nhất được về các điều khoản hợp đồng.

Trước đó, một bản hợp đồng này thông báo lần đầu tiên vào giữa tháng 5 vừa qua đã đẩy cổ phiếu của Nomura tăng tới 20%.

Cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn tăng giảm trái chiều, Toyota Motor Corp giảm 0,1%, Nissan Motor Co giảm 0,9%,trong khi Hitachi Ltd tăng 0,3%.

Chứng khoán Trung Quốc cộng điểm với tâm lý được cải thiện bởi thanh khoản tăng. 

Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 410 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường trong tuần qua thông qua hoạt động thị trường mở. Đây là mức bơm ròng tiền hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 1.

Các nhà chức trách dường như đã tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ của họ trong những tuần gần đây, có thể là do lo ngại về tính thanh khoản hoặc có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang suy tính các bước đi tiếp theo, để đánh giá chính xác xem những quyết định tới có thực sự làm chậm lại sự tăng trưởng nền kinh tế hay không.

"Các điều kiện thanh khoản đã được nới lỏng khi chính phủ gần đây đã giảm tập trung vào việc thắt chặt các quy định tài chính", UBS Securities cho biết.

Những kỳ vọng niêm yết mới cũng hỗ trợ chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt là các cổ phiếu nhỏ.

Cơ quan quản lý chứng khoán đã chấp thuận 6 đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày thứ 6, đây là tuần thứ tư liên tiếp mà tốc độ IPO đã chậm lại từ mức trung bình khoảng 10 đợt IPO/tuần trong những tháng vừa qua.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang chờ đợi quyết định của MSCI của Mỹ vào ngày 20/6 tới liệu có đưa cổ phiếu nhóm A của Trung Quốc vào chỉ số của mình hay không.

Trong phiên hôm nay, hầu hết các ngành đều tăng điểm, dẫn đầu bởi các cổ phiếu tài chính và tiêu dùng.

Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản cũng đã tăng 0,7%, sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng vào tháng 5 của Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong tháng 5.

Chứng khoán Hồng Kông đã có ngày tốt đẹp nhất trong gần sáu tuần, dẫn đầu cổ phiếu  IT và tài chính.

Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã công bố một đề xuất từ lâu về việc thành lập một ủy ban niêm yết cổ phiếu mới vào thứ 6 tuần vừa qua.

Theo đó, ủy ban này sẽ đưa ra có quyền biểu quyết đặc biệt và bỏ qua các các yêu cầu về lợi nhuận. Các nhà đầu tư hi vọng ủy ban này sẽ mang lại lợi ích cho các ngân hàng đầu tư và thúc đẩy ngành công nghệ .

Cổ phiếu công nghệ tăng mạnh vào thứ hai, với chỉ số theo dõi ngành này lên khoảng 2%. Trong đó, Tencent tăng 2,3%.

Ngành tài chính tăng 1,3%, cổ phiếu HKEX tăng gần 3%.

Kết thúc phiên 19/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 124,49 điểm (+0,62%), lên 20.067,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 298,06 điểm (+1,16%), lên 25.924,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,21 điểm (+0,68%), lên 3.144,37 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC quay đầu giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.750đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa tăng 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày cuối tuần trước. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,15 - 36,37 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.417 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680  - 22.750 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Xử lý 12 đại dự án thua lỗ: Điểm mặt những thách thức

Trong phần trả lời chất vấn Quốc hội của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, nội dung được chú ý nhiều nhất là quyết tâm xử lý những tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là 12 đại dự án thua lỗ.

Để thực hiện được điều này, sẽ có nhiều nút thắt cần được giải tỏa..>> Chi tiết

Nguyên thống đốc Lê Đức Thúy đặt câu hỏi “tiền đâu” khi xử lý nợ xấu

Tuyệt đại bộ phận, nếu không nói là tất cả, những ai quan tâm đến chuyện xử lý nợ xấu Ngân hàng dù còn có những khác biệt nhất định trong nhìn nhận, đánh giá và giải pháp, song đều “quay lại” vấn đề “đầu tiên” - nghĩa là “tiền đâu”.. >> Chi tiết

Giới tỷ phú Trung Quốc “sốt vó” với chính sách giảm nợ xấu

Với những vụ “bỗng dưng biến mất” thời gian gần đây, các tỷ phú Trung Quốc một lần nữa được nhắc lại bài học rằng, giàu có và quyền lực chưa đủ sức giúp họ thoát khỏi những rắc rối.. >> Chi tiết

Bài học từ sai lầm lớn nhất của CEO Uber

Uber vừa tuyên bố sa thải 20 lãnh đạo cấp cao. CEO kiêm nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick cũng vừa thông báo sẽ nghỉ phép vô thời hạn vì lý do “tai nạn nghiêm trọng của cha mẹ”, sau cuộc điều tra về hành vi quấy rối nhân viên và nhiều hành vi không phù hợp khác của công ty cung cấp dịch vụ gọi xe này.. >> Chi tiết

Tin bài liên quan