Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bùng nổ

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bùng nổ

(ĐTCK) Vn-Index tăng cao kỷ lục trong 10 năm; Hướng dẫn tăng lượng cơ sở từ 1/7;  Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương; Giá vàng tăng nhẹ; Chứng khoán thế giới phục hồi; Hệ thống thuế thất thu 100 tỷ USD mỗi năm; So tài 2 CEO quyền lực nhất ngành ô tô...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng

Sau chút ngập ngừng thận trọng đầu phiên, dòng tiền đã trở lại nhịp sôi động, giúp nhiều lớn hồi phục và VN-Index đã bật tăng mạnh về cuối phiên, vượt qua ngưỡng 730 điểm để bước vào vùng đỉnh cũ (giữa tháng 4/2017).

Bước sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục ồ ạt đổ vào thị trường giúp sắc xanh lan tỏa. Bên cạnh các mã Bluechip đua nhau tăng, đã lan tỏa sang nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ khác giúp thị trường tiếp tục được kéo lên cao.

VN-Index vượt qua vùng đỉnh cũ và thiết lập mốc cao nhất trong khoảng 10 năm qua, hướng tới ngưỡng kháng cực mới 735 điểm.

Các mã lớn đua nhau tăng mạnh như VNM tăng 1,3%, GAS tăng 2,19%, VCB tăng 1,1%, BID tăng 2,38%, CTG tăng gần 1,4%... Ngoài ra, các mã khác trong nhóm ngân hàng, dầu khí cũng tăng khá tốt.

Đáng kể trong nhóm cổ phiếu bluechip là cặp đôi GMD và REE.

Cụ thể, GMD lấy lại sắc tím với mức tăng 7% cùng thanh khoản đạt hơn 1,78 triệu đơn vị.

REE cũng tăng hết biên độ 7%, lên mức cao nhất trong hơn 3 năm qua, kết phiên đứng tại mức giá 32.950 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 3,62 triệu đơn vị.

Sau cú tăng vọt về cuối phiên sáng, PLX đã bật mạnh lên mức giá trần và kết phiên tại mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết 56.700 đồng/CP, với mức tăng 7%, với khối lượng khớp lệnh đạt 4,37 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,86 triệu đơn vị.

Bên cạnh các cổ phiếu lớn, sắc tím vẫn tiếp diễn ở nhiều mã vừa và nhỏ quen thuộc như QCG, NVT, SGT, HQC… 

Trong phiên này, trên sàn HOSE  khối ngoại mua ròng 2,72 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 173,94 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 121.886 đơn vị, tăng 47% so với phiên trước. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 14,75 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 464.400 đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng 14,5 đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/5: VN-Index tăng 6,83 điểm (+0,94%), lên 733,82 điểm; HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,78%), lên 92,18 điểm; UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%), lên 58,03 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6.235 tỷ đồng.

Chứng khoán Mỹ 

Sau phiên giảm tồi tệ nhất trong 8 tháng ở phiên thứ Tư, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh của các tập đoàn vừa công bố, giúp đẩy lùi lo ngại về khủng hoảng chính trị.

Cụ thể, theo kết quả vừa công bố, dù doanh thu đạt 117,5 tỷ USD, thấp hơn chút ít so với mức dự đoán 117,8 tỷ USD, nhưng lợi nhuận của Walmart tăng lên mức 1 USD/cổ phiếu so với mức 98 cent của năm ngoái và cao hơn nhiều con số dự báo là 96 cent/cổ phiếu.

Kết quả này giúp cổ phiếu của nhà bán lẻ này tăng 5% và kéo theo các cổ phiếu tiêu dùng khác như Amazon, Priceline, Target… tăng.

Ngoài nhóm cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng, nhóm cổ phiếu y tế cũng tăng mạnh sau kết quả khả quan của cuộc thử nghiệm thuốc chữa ung thư phổi.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Dow Jones tăng 56,09 điểm (+0,27%), lên 20.663,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,69 điểm (+0,37%), lên 2.365,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 43,89 điểm (+0,73%), lên 6.055,13 điểm.

Trên thị trường châu Á

Cổ phiếu ngành tài chính khởi sắc giúp Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhưng đóng cửa tuần này ghi nhận mức giảm lớn nhất (1,5%) trong 5 tuần qua.

Chỉ số Nikkei của Nhật đã tăng trở lại sau khi giới đầu cơ bán ròng mạnh vào phiên hôm trước. Tuy nhiên tổng giá trị giao dịch không quá lớn, do tâm lý không chắc chắn về bê bối chính trị tại Hoa Kỳ đã khiến phần lớn chùn tay, giao dịch trong thận trọng.

Đáng chú ý, trong phiên này, cổ phiếu của Tập đoàn Takata đã tăng tới 20% sau khi bốn nhà sản xuất xe hơi trong đó có Toyota Motor Corp đồng ý chi 553 triệu USD để giải quyết các yêu cầu bồi thường của gần 16 triệu chiếc xe bị thu hồi với lỗi túi khí do Takata sản xuất.

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm vào cuối tuần, dòng tiền của Trung Quốc tiếp tục chảy vào thị trường, trong khi cổ phiếu của Tencent đóng cửa cao nhất mọi thời đại.

Hôm thứ sáu, các nhà đầu tư ở đại lục đã sử dụng 25% hạn ngạch hàng ngày theo hợp đồng chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông để mua cổ phiếu Hồng Kông.

Tâm lý cũng được hỗ trợ bởi sự hồi phục qua đêm trên phố Wall.

Hầu hết các ngành đều tăng, với cổ phiếu IT và cổ phiếu bất động sản (chỉ số theo dõi các nhà phát triển bất động sản tăng trở lại hơn 3%).

Tâm điểm chú ý của phiên này là cổ phiếu của Tencent đã lên cao nhất lịch sử, khi bắt đầu cuộc chiến pháp lý về việc Apple đòi “ăn chia” 30% từ tính năng “Tipping” trên ứng dụng WeChat được sở hữu bởi Tencent trên nền tảng ios của Apple.

(Tipping là tính tăng cho phép người dùng có thể gửi tặng một vài Nhân dân tệ từ tài khoản WeChat cho bạn bè, khi họ cảm thấy thích một bài đăng hay một bức ảnh nào đó).

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giao dịch cuối cùng trong tuần khá ảm đạm.

Theo nhận xét của giới phân tích, việc bơm ròng 170 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường hôm thứ 3 vừa qua của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phần nào xoa dịu một thị trường đang đầy hoài nghi về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và sự lo lắng thường trực về việc thắt chặt tín dụng nhằm tránh đầu cơ rủi ro của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái trên, theo kết quả một cuộc khảo sát chính thức được công bố trong tuần này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp .

Trong tuần, nhóm cổ phiếu tiêu dùng được ưa chuộng nhất, với chỉ số theo dõi nhóm này tăng 4,7%, tuần tăng mạnh nhất trong 10 tháng qua. Trong khi cổ phiếu tài chính, ngân hàng có thanh khoản cao nhất.

Kết thúc phiên 19/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 36,90 điểm (+0,19%), lên 19.590,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 38,35 điểm (+0,15%), lên 25.174,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải  tăng 0,49 điểm (+0,02%), lên 3.090,63 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Giá vàng SJC hồi nhẹ về chiều. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.735 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa giảm 80.000 đồng/lượng đầu giờ sáng nay so với cuối ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,42 - 36,64 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.377 đồng/USD, tăng 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.655  - 22.735 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng từ 1/7/2017

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 02/2017/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và hội.. >> Chi tiết

Thủ tướng Chính phủ vừa giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 (đợt 2)

Theo tin từ VGP, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 (đợt 2) và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2017 (đợt 2) bao gồm số vốn thu hồi các khoản vốn ứng trước kế hoạch.

Trong đó, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2017 (đợt 2) cho Bộ, ngành trung ương 2.980,337 tỷ đồng, các địa phương 11.024,396 tỷ đồng.

Cân tài 2 CEO quyền lực nhất ngành ô tô

Vào ngày 10/4/2017, giá trị vốn hóa thị trường của Tesla đã vượt lên so với GM (50,84 tỷ USD so với 50,79 tỷ USD).

Làm thế nào mà hãng xe chưa có lợi nhuận của tỷ phú Elon Musk lại có thể giá trị ngang ngửa gã khổng lồ ngành ô tô của Mỹ? Tầm ảnh hưởng của người lãnh đạo liệu có liên quan đến giá cổ phiếu?.. >> Chi tiết

- Các tập đoàn trốn thuế khiến hệ thống thuế thất thu 100 tỷ USD mỗi năm

Theo báo cáo nghiên cứu của Oxfam, 90% công ty lớn nhất trên thế giới đang mở các chi nhánh tại ít nhất 1 thiên đường thuế.

Bằng cách này, mức thuế suất của 50 công ty tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hoa Kỳ phải đóng chỉ là 25,9%, thấp hơn gần 10% so mới mức thuế quy định trong luật của nước này. Đó là bất bình đẳng về thuế giữa các loại hình doanh nghiệp..>> Chi tiết

Tin bài liên quan