Thị trường tài chính 2016: Nhận diện cơ hội và rủi ro

Thị trường tài chính 2016: Nhận diện cơ hội và rủi ro

(ĐTCK) Lựa chọn đầu tư vào các DN thuộc ngành nghề cơ bản và có lợi thế trong quá trình hội nhập, được coi là có triển vọng trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Bội chi ngân sách tăng cao, nợ công sắp chạm trần cùng với nợ xấu chưa giải quyết được triệt để trong khi nền kinh tế phát triển thiếu tính bền vững do còn phụ thuộc quá nhiều vào FDI…

Đây là những rủi ro có thể bùng phát, tác động trực tiếp và tạo ra hệ lụy lớn đối với nền kinh tế, thị trường tài chính trong năm 2016. Nội dung này đã được nêu ra trong “Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo” vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) công bố.

Cân đối ngân sách căng như dây đàn

Phân tích các số liệu thống kê từ Báo cáo, Tiến sĩ Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, năm 2015, việc cân đối thu chi ngân sách đã trở nên căng thẳng và ngày càng khó khăn hơn trước.

“Cân đối thu chi ngân sách đã khó khăn từ nhiều năm nay, song những năm trước vẫn có không gian trong điều kiện trần nợ công còn rộng. Năm nay, trần nợ công gần như chạm ngưỡng 65%, bội chi ngân sách là 5,7%; thậm chí còn có con số khác cao hơn tới 6,1%. Đây là những rủi ro tiềm ẩn cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phước cho biết.

Theo đó, hai con số trên tuy chênh lệch song đều thể hiện rõ ràng tình trạng bội chi ngân sách đã căng như dây đàn. Ông Phước dự báo trong bối cảnh trần nợ công xấp xỉ ngưỡng cảnh báo, dư địa điều chỉnh chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế thì đây sẽ là thách thức lớn mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2016, đồng thời là rủi ro tiềm ẩn đối với ổn định tăng trưởng kinh tế.

Thị trường tài chính 2016: Nhận diện cơ hội và rủi ro ảnh 1

Hiện nay, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cách giải thích khác nhau trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vốn ODA, do đó cách thức giải ngân thế nào đối với nguồn vốn lớn này cũng sẽ có nhiều tác động tới nền kinh tế.

Về tình trạng bội chi ngân sách, GS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tỏ rõ sự lo ngại.

Theo ông Thiên, năm 2015, ngân sách đã rất căng thẳng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo sang năm 2016 với mức độ gia tăng lớn mà không có giải pháp thì sẽ tác động mạnh tới tài chính của quốc gia, từ đó tạo ra nhiều hệ lụy bất ổn đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững

Một thách thức lớn khác mà Báo cáo của NFSC đưa ra, đó là nền kinh tế dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 song thực chất vẫn tăng trưởng thiếu tính bền vững do phụ thuộc vào khu vực FDI, đặc biệt là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào các DN FDI.

Phân tích tác động và hệ lụy từ sự phụ thuộc này, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC cho rằng, mặc dù đầu tư trong khu vực tư nhân, đầu tư tín dụng cho DN sản xuất và bất động sản năm 2015 tăng cao, song không bền vững.

Năm 2015, nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4%, giảm so với mức 5,3% trong năm trước đó. Tỷ lệ nợ xấu năm 2015 là 2,9%, tương đương 119.660 tỷ đồng, giảm so với mức 3,7% năm 2014.     

Tại khu vực tư nhân, con số DN phải giải thể, đóng cửa do khó khăn tăng cao so với năm trước cho thấy, thực chất khu vực này vẫn rất ốm yếu. Trong khi đó, một nền kinh tế chủ yếu dựa vào DN FDI sẽ rất dễ gặp các rủi ro liên tiếp. 

Đồng tình với nhận định này, TS Trần Đình Thiên cho biết: “Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam có độ vững chắc chưa cao, xu hướng tăng không thực sự tươi sáng do những nền tảng cơ bản như phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu, hội nhập mới chỉ ở phần nổi.

Trong năm 2015, chúng ta đã hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ này, như kinh tế có tăng trưởng, tái cơ cấu tiến triển, nhiệm vụ đàm phán hội nhập thực hiện tốt. Song, để thấy tăng trưởng thực chất, cần nhìn rõ phần đóng góp của khu vực nội địa và FDI”.

Nếu sự chênh lệch này tiếp tục tăng với khoảng cách ngày càng rộng thì sẽ mang lại nguy cơ lớn hơn nữa, bởi sức ép tăng trưởng mạnh kéo theo việc phải dựa nhiều hơn vào FDI, có thể dẫn tới thu hút FDI một cách thiếu chọn lọc, gây tác động ngược đối với nền kinh tế.

Về vấn đề hoạt động của DN tư nhân, ông Thiên tỏ ra nghi ngại: “Con số DN giải thể chính thức là 9.400, trong khi có tới 94.000 DN đăng ký mới trong năm 2015. Tuy nhiên, số phải đóng cửa là không hoạt động nữa, nhưng số đang mở cửa chỉ là đăng ký thôi, chưa chắc đã hoạt động”.

Đánh giá một cách tổng thể, việc kinh tế Việt Nam đang đi ngược lại so với xu hướng chung của thế giới cần phải xem lại. “Tình hình kinh tế Việt Nam tốt lên khi thế giới kém đi là hơi lạ, liệu có phải kinh tế Việt Nam thực sự mạnh hơn hay do nguyên nhân nào khác? Trong điều kiện hiện nay, việc đi ngược so với xu thế tăng trưởng chung của thế giới không hẳn đã tốt, ngược lại có thể sinh ra nhiều áp lực, do đó cần hết sức lưu ý hiện tượng này”, ông Thiên cảnh báo.

Mức tăng trưởng kinh tế 2016 đạt 6,7-6,8%, CPI từ 3-3,5%. Lựa chọn đầu tư vào các DN thuộc ngành nghề cơ bản và có lợi thế trong quá trình hội nhập

Bên cạnh đó, sự chậm trễ và chưa thực chất trong tiến trình tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN cũng là một vấn đề lớn mà Báo cáo của NFSC chỉ ra, bởi đây là một yếu tố khiến nền kinh tế khó có thể phát triển lành mạnh. Theo Báo cáo, tái cơ cấu DNNN tuy đã có chuyển biến song vẫn chậm do một số nguyên nhân, trong đó có sự suy giảm của TTCK và đặc biệt là những tồn tại trong thực tiễn triển khai cổ phần hóa DNNN.

Theo ông Phước, chừng nào những tồn tại về vấn đề tỷ lệ nắm giữ của tư nhân đối với DNNN trong cổ phần hóa, quan điểm liều lượng cổ phần hóa bao nhiêu để không bị tác động chi phối từ bên ngoài còn là câu chuyện lớn thì tiến trình này khó có thể đẩy nhanh một cách thực chất và hiệu quả như mong đợi. 

Nợ xấu tái phát, rủi ro thanh khoản

Theo đánh giá của NFSC, năm 2015 chất lượng tín dụng đã có sự cải thiện đáng kể. Số liệu thống kê từ Báo cáo cho thấy, trong năm 2015, nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4%, giảm so với mức 5,3% trong năm trước đó. Tỷ lệ nợ xấu năm 2015 là 2,9%, tương đương 119.660 tỷ đồng, giảm so với mức 3,7% năm 2014.

Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm 2015 lại tăng mạnh lên mức 243.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 133.000 tỷ đồng năm 2014 và gấp đôi số nợ xấu hạch toán trên sổ sách của các ngân hàng.

Cũng theo Báo cáo, số dự phòng rủi ro tín dụng năm 2015 là 78.629 tỷ đồng, tăng so với đầu năm, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu báo cáo lên tới 65,7%, tăng mạnh trong giai đoạn 2011-2015, chỉ sau mức 74,8% năm 2011. Nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thì tỷ lệ dự phòng rủi ro/nợ xấu là 26%.

Phân tích các dữ liệu này, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, tuy nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm tăng thêm gánh nặng tài chính.

Mặt khác, lợi nhuận của khu vực ngân hàng năm 2015 thực chất vẫn thấp do mức trích lập rủi ro dự phòng tăng lên, cộng với chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra thu hẹp và các khoản chi phí khác. Ông Ngoạn cảnh báo, đây sẽ là mối nguy cơ lớn đối với hệ thống ngân hàng nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết một cách triệt để trong năm nay.

Cùng với đó, ông Trương Văn Phước bày tỏ sự lo ngại trước xu hướng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp. Đây có thể coi là hệ quả của sự dịch chuyển từ gia tăng cho vay ngắn hạn sang cho vay trung hạn và dài hạn, dẫn tới tăng sức ép lên lãi suất. Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dành cho vay trung, dài hạn tăng lên 31,8% năm 2015 so với mức 20,2% năm 2014 sẽ dẫn tới tăng áp lực và các rủi ro trong thanh khoản thời gian tới, mà hệ lụy lớn nhất là lãi suất có thể tăng từ 1-2%, từ đó tác động tiêu cực tới hoạt động vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của DN.

Nhận định về thách thức đối với thị trường tài chính năm 2016, NFSC cho rằng, cần quan tâm giải quyết các vấn đề lớn để hạn chế nguy cơ cho nền kinh tế như tình trạng tín dụng trung, dài hạn và bất động sản tăng cao, dẫn đến các rủi ro về thanh khoản và khả năng tăng lãi suất. Đồng thời, NFSC cũng đề xuất đẩy nhanh xử lý nợ xấu VAMC đã mua và có chính sách xử lý phù hợp đối với các loại hình ngân hàng thương mại.

Về cơ hội đầu tư, Ủy ban dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể được cải thiện do các hiệp định thương mại Việt Nam được ký kết, ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi được duy trì.

Ủy ban dự báo, mức tăng trưởng kinh tế 2016 đạt 6,7-6,8%, CPI từ 3-3,5%. Lựa chọn đầu tư vào các DN thuộc ngành nghề cơ bản và có lợi thế trong quá trình hội nhập, được coi là có triển vọng trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Tin bài liên quan