Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng, thị trường ở thế khó chơi hơn và dòng tiền nên ưu tiên cho các mã lớn.
Thanh khoản trên TTCK tuần cuối tháng 3 sụt giảm, khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên. Có ý kiến cho rằng, thông tin từ mùa đại hội đồng cổ đông chưa thật sự có tác động mạnh trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và các cổ phiếu bluechip có P/E đã tăng mạnh. Tình trạng chốt lời đang diễn ra... Quan điểm của ông như thế nào?
Không phải thông tin từ mùa đại hội 2018 chưa có tác động mạnh lên thị trường, mà là những thông tin đó bị “lấn át” bởi nỗi lo chứng khoán điều chỉnh, thậm chí suy giảm khi có tin xấu từ những diễn biến kinh tế thế giới, nhất là về “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung.
Cuối tháng 3, theo số liệu tôi có thì P/E bình quân nhóm vốn hóa tỷ USD, tức nhóm có 25 - 26 mã có vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên, đang ở mức rất cao, bình quân gần 35 lần. Nhiều mã trong nhóm này đang có dấu hiệu điều chỉnh, tức đã tăng một thời gian dài trước đó và nay đang đi ngang hay giảm nhẹ như BID, CTG, HPG, FPT, PLX, SSI…
Bên cạnh đó, vẫn có những mã khác đang tăng và kéo chỉ số lên như VIC, BVH, VJC, MSN, GAS… Nói chung, xu hướng điều chỉnh đang diễn ra và dự báo sẽ còn diễn ra với các mã vốn hóa lớn nhất.
Chỉ số chứng khoán sẽ điều chỉnh theo nhóm này, nhưng vì luôn có mã tăng, mã giảm, mã tích lũy, mã chốt lời đan xen, nên sẽ dẫn tới điều mà nhiều người hay gọi là đổi trụ, hơn là khả năng chỉ số giảm sâu trong tháng 4.
Vậy rủi ro cần chú ý nhất là gì và mức độ tác động có thể có lên TTCK Việt Nam ra sao?
Rủi ro lớn nhất hiện nay là các yếu tố đến từ bên ngoài. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, rủi ro suy giảm các chỉ số lớn trên TTCK Mỹ là 2 yếu tố mà chúng tôi đang theo dõi. Tác động có thể trực tiếp, ví dụ như từ TTCK Mỹ, hoặc gián tiếp, đó là qua các diễn biến kinh tế chung.
Chúng tôi chưa rõ mức độ tác động như thế nào, chỉ có thể dự báo là khi tin xấu ra vào đúng những nhịp điều chỉnh của VN-Index, nó sẽ khiến chỉ số này đỏ đậm hơn và lâu hơn.
Đâu là các yếu tố để kỳ vọng trong tháng 4 và cả trong quý II cho chứng khoán Việt, theo ông?
Ông Hoàng Thạch Lân
Trong tháng 4, có 2 yếu tố: kết quả kinh doanh quý I từ các doanh nghiệp niêm yết và chiến dịch xúc tiến đầu tư, nâng hạng thị trường của nhà quản lý.
Tháng 4 là đầu mùa công bố thông tin quý. Có khá nhiều công ty lớn đưa ra con số ităng trưởng doanh thu và lợi nhuận ước tính tích cực. Với thông lệ “công ty tốt công bố trước”, VN-Index sẽ được hỗ trợ khi bước vào mùa.
Về chiến dịch nâng hạng TTCK, đúng ra là khả năng thị trường Việt Nam được MSCI đưa vào nhóm “thử thách”, chờ nâng hạng, TTCK đã hội tụ khá nhiều điều kiện để được đưa vào danh sách chờ này. Nếu được vào danh sách chờ, chứng khoán sẽ hút thêm rất nhiều vốn ngoại.
Cụ thể hơn, theo ông, nhóm ngành cổ phiếu nào sẽ hút dòng tiền?
Tôi nghĩ, đó là 4 nhóm ngành gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản dân dụng và dầu khí. Ngân hàng, chứng khoán thì nhiều phân tích đã đề cập đến. Bất động sản thì liên quan đến điểm rơi, có khá nhiều doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận các khoản doanh thu và lợi nhuận lớn trong thời gian tới.
Dầu khí là nhóm có tin tốt xấu đan xen, nhưng tôi nghĩ tin xấu chỉ liên quan đến số ít công ty cụ thể, còn tin tốt, tức là mức tăng của giá dầu thế giới hiện nay, sẽ dẫn tới kết quả tốt quý I năm nay là cho số đông doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang đảm nhiệm các dịch vụ liên quan như vận tải, phân phối… trong ngành.
Với những nhận định như trên, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư?
Lúc này thị trường khó chơi, đó là cách nói chung cho các giao dịch ngắn hạn. Thống kê của chúng tôi cho thấy, trong tháng 3 chỉ có khoảng 25% số cổ phiếu trên 3 sàn tăng giá mạnh hơn mức tăng của VN-Index, nếu lọc thêm tiêu chí thanh khoản, tức loại các mã giao dịch mỗi ngày chỉ vài ngàn cổ phiếu, thì tỷ lệ mã tăng cao hơn chỉ số còn ít hơn nhiều.
Thị trường không thiếu các mã cơ bản tốt, dự báo năm nay tăng trưởng cao hơn năm trước, nhưng mua rồi thì phải chờ, điều này có thể khiến nhà đầu tư không thích. VN-Index tăng, nhưng luôn dựa vào số ít mã lớn có P/E cao, không phải ai cũng dám chơi theo sóng tăng này.
Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ nhà đầu tư nên ưu tiên cho các mã lớn, kể cả lướt sóng hay dài hạn. Chỉ là chọn mã cụ thể thế nào, cái này tùy vào cách chơi của nhà đầu tư. Đánh ngắn, thậm chí T+3 thì theo biểu đồ, muốn an toàn hơn chút thì tìm các mã thuộc các nhóm ngành nói trên và P/E càng thấp càng tốt.