Ông Lê Công Thiện, Phó  tổng giám đốc HSC làm việc với các nhà đầu tư Thái lan

Ông Lê Công Thiện, Phó tổng giám đốc HSC làm việc với các nhà đầu tư Thái lan

Thị trường M&A Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn “cầm cờ”

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trước thềm diễn ra diễn đàn “M&A trong không gian kinh tế mở” ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tài chính doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng, các doanh nghiệp FDI muốn huy động vốn trên thị trường chứng khoán là xu hướng mới xuất hiện tại thị trường M&A Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam trong năm qua?

Từ năm 2014 đến nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục dần, hoạt động M&A cũng sôi động trở lại. Điểm mới trong giai đoạn này là các thương vụ có liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài khá nhiều. Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thị trường nội địa của họ khó tăng trưởng cao như trước, bởi các thị trường này đã phát triển, chẳng hạn Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn mong muốn doanh nghiệp họ tiếp tục tăng trưởng để đảm bảo danh mục sinh lợi tốt và thị trường trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, là một trong những thị trường để họ tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

 Ông Phạm Ngọc Bích

Năm 2015, thị trường cũng ghi nhận một số doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại trong các cuộc M&A, thậm chí doanh nghiệp nội còn mua lại doanh nghiệp ngoại, liệu đây có là xu hướng M&A mới, theo ông?

Trong các thương vụ M&A điển hình gần đây, việc tham gia của một số doanh nghiệp trong nước với vai trò cạnh tranh và mua lại các doanh nghiệp ngoại chỉ là đơn lẻ, khó hình thành xu hướng, bởi các thương vụ này diễn ra ít và nhu cầu bán doanh nghiệp ngoại chủ yếu xuất phát từ một số biến động ở các thị trường nước ngoài. Đây là các yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam không kiểm soát được.

Mặc dù vậy, tôi nhận thấy có một xu hướng khá mới, đó là các doanh nghiệp FDI hoạt động lâu năm tại Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu, có mức độ tăng trưởng khá tốt và họ cần thêm vốn để phát triển hơn, nhưng lại không muốn phụ thuộc vào nguồn vốn của công ty mẹ ở nước ngoài, nên muốn huy động vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện đang có một vài doanh nghiệp như vậy và HSC đang tư vấn cho một doanh nghiệp FDI khá lớn. Điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán và thị trường vốn vay Việt Nam sôi động hơn trong thời gian tới.

Theo ông, những bất lợi của doanh nghiệp nội so với doanh nghiệp ngoại trong các thương vụ M&A cạnh tranh là gì?

Lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam là quen thuộc, hiểu rõ đặc tính thị trường, nên chấp nhận nhiều rào cản hơn. Còn với các doanh nghiệp nước ngoài, họ buộc phải thuê tìm đối tác tại Việt Nam để hiểu các vấn đề trên, để tiếp xúc được với các cơ quan chức năng, hoặc thuê một nhà tư vấn tốt. Do đó, khi gặp các vấn đề phát sinh trên, các doanh nghiệp này thường khó chấp nhận, trừ khi tiềm lực tài chính của họ rất mạnh.

Ngược lại, bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam là nguồn vốn không dồi dào. Ngoài ra, một số nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp gia đình, không qua các cơ chế, quy trình xin phép ý kiến cổ đông, cơ quan quản lý nên quyết vấn đề rất nhanh. Đơn cử, doanh nghiệp Việt Nam cần thanh toán bằng ngoại tệ hay cần đầu tư ra nước ngoài thì phải xin phép Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi với các nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện được ngay. Đáng tiếc, quy trình thực hiện nhanh những điểm trên vẫn chưa được hoàn thiện, nên hạn chế phần nào khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt.

Chẳng hạn, trong thương vụ mua lại hệ thống Big C, Central Group (tập đoàn đã mua thành công hệ thống Big C vừa qua) vốn có tiềm lực tài chính mạnh, lại là doanh nghiệp gia đình, nên khi phát sinh khoản thuế chuyển nhượng ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, họ đã quyết định chấp nhận rất nhanh. Các đối thủ khác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông và Việt Nam tham gia trong thương vụ này đều không “nhanh chân” bằng Central Group.

Thông qua hoạt động tư vấn M&A, khi tiếp xúc với bên mua, bên bán tiềm năng, ông nhận thấy những lĩnh vực nào được quan tâm?

Lĩnh vực nhận được quan tâm là bán lẻ, bất động sản, dệt may, tiêu dùng, giáo dục và dược phẩm. Trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư quan tâm cả dự án và đầu tư cổ phần, vì đây là lĩnh vực cần rất nhiều vốn. Còn trong lĩnh vực dệt may, có thể thấy rõ xu hướng các nhà đầu tư châu Á đầu tư vào Việt Nam khá lớn nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, cơ hội tốt lại khó kiếm, tức là nhà đầu tư trong nước chưa sẵn sàng bán, việc sẵn sàng huy động vốn một cách chuyên nghiệp chưa nhiều, bởi còn nhiều doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp gia đình. Để họ có thể “mở cửa” cho “người ngoài” vào thì cần phải có thời gian (có thể là vài năm) để tìm hiểu và chuẩn bị.

Tuy nhiên, một số trường hợp cung - cầu gặp được nhau, song thương vụ vẫn không đi đến thành công. Vậy nguyên nhân do dâu, theo ông?

Giá cả vẫn là vấn đề lớn nhất. Hai bên chưa gặp nhau cũng bởi không có những tiêu chí giống nhau. Khi định giá doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam (thường là bên bán) thuê các công ty chứng khoán hoặc kiểm toán trong nước, còn nhà đầu tư nước ngoài (thường là bên mua) lại thuê tư vấn quốc tế để định giá.

Một phương pháp rất cơ bản để định giá là chiết khấu dòng tiền, trong đó tỷ suất chiết khấu là yếu tố rất quan trọng. Với các doanh nghiệp Việt Nam, tỷ suất này căn cứ trên những chi phí, lãi suất vay ngân hàng (hiện dao động từ 10 - 12%/năm). Trong khi đó, do thị trường Việt Nam được xếp vào nhóm cận biên, nên nhà đầu tư ngoại đánh giá có mức độ rủi ro cao. Chỉ riêng lý do này đã khiến họ tính toán tỷ suất chiết khấu cao hơn ít nhất 5%/năm so với các thị trường khác, tức là họ sẽ dùng tỷ suất 15 - 17%/năm, từ đó kết quả định giá sẽ hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, chất lượng nhân sự tư vấn cũng là một yếu tố quan trọng để kết nối thành công bên mua và bên bán.

Ông có nhận định như thế nào về thị trường M&A Việt Nam trong vòng một năm tới?

Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ sôi động hơn. Thứ nhất, dựa trên số lượng công việc, những thương vụ mà HSC đang tiếp nhận từ khách hàng hiện đang khá nhiều. Thứ hai, có một số quỹ đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2006 - 2007 sẽ đóng quỹ trong năm nay hoặc năm sau. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.

Tuy nhiên, sự thoái vốn này cũng sẽ gây áp lực cho nhiều cổ phiếu trên sàn. Đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản chưa cao, nên giá cổ phiếu chưa phản ánh hết giá trị của của doanh nghiệp. Chỉ cần cổ phiếu nhiều người bán, nhưng không ai mua thì sẽ giảm giá mạnh. Với nhà đầu tư mới, họ cần thời gan khoảng 3 - 6 tháng để nghiên cứu cổ phiếu một công ty, nhưng trước khi ra quyết định mua thì có thể giá cổ phiếu đã tăng cao.

Đối với hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã có tiến bộ nào đáng kể để thu hút thêm khối ngoại tham gia nhiều hơn, thưa ông?

Việc nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán kinh doanh thành công đã tạo động lực cho các doanh nghiệp nhà nước khác quan tâm hơn tới những hoạt động này. Chỉ trong 3 năm, đã có sự thay đổi rõ ràng tại những doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), chẳng hạn thái độ cởi mở hơn, quan tâm nhiều hơn tới minh bạch thông tin…

Tuy vậy, chất lượng công bố thông tin vẫn chưa cao, đơn cử là nhiều bản cáo bạch của doanh nghiệp chỉ đáp ứng đúng với các quy định tối thiểu của cơ quan quản lý, chưa có thêm các thông tin sâu cho nhà đầu tư tham khảo. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa thường thực hiện từng phần, nên tỷ lệ bán ra trong đợt IPO thường nhỏ, không thu hút được nhà đầu tư lớn, song cách làm này cũng có lợi thế riêng, vì giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để cải thiện, thay đổi nội bộ theo hướng tốt hơn.

Một điểm hạn chế khác là hoạt động IPO chưa gắn liền với niêm yết, tức là các nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua cổ phần chưa thể giao dịch được ngay, đồng thời họ cũng không có cơ sở để định giá danh mục định kỳ. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua thị trường Việt Nam, lựa chọn thị trường phát triển hơn trong khu vực như Philippines và Indonesia. Các cơ quan quản lý đang nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khắc phục những hạn chế này, nhằm thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hóa.

Tin bài liên quan