Các CTCK bắt đầu thận trọng khi cấp tín dụng cho các mã cổ phiếu nóng

Các CTCK bắt đầu thận trọng khi cấp tín dụng cho các mã cổ phiếu nóng

Thị trường giảm điểm sốc và câu chuyện "siết margin"

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 20/2 khép lại trong sự ngỡ ngàng của công chúng đầu tư. Đã từ lâu, thị trường mới có phiên giảm điểm mạnh và giá trị giao dịch “khủng” lên tới gần 5.500 tỷ đồng. Có nhiều lời lý giải về diễn biến sốc này, trong đó có cả câu chuyện "ép margin".

Nhiều ý kiến cho rằng, điều chỉnh giảm là bình thường, nhưng giao dịch ký quỹ (margin) thì… thận trọng.

Từ nới margin

Trong giai đoạn trước, khi thị trường có thanh khoản hạn chế, xu hướng tăng điểm chưa rõ ràng, khiến nhiều mã chứng khoán, vốn đủ điều kiện được margin trong danh sách hai Sở GDCK công bố, nhưng vẫn bị CTCK từ chối cấp tín dụng vì lý do… thanh khoản kém hoặc đôi khi đến từ khẩu vị rủi ro của CTCK.

Thế nhưng, trong vài tháng gần đây, khi thị trường có dấu hiệu cải thiện, nhiều mã chứng khoán bắt đầu được thêm vào danh mục margin. Một số mã, vốn được CTCK thận trọng khi yêu cầu tỷ lệ ký quỹ lớn, nay cũng được nới lỏng đáng kể. Ngoài việc báo cáo tài chính quý IV/2013 của các DN niêm yết đã được công bố, lý do chính để các CTCK có động thái “nới lỏng” nêu trên có lẽ đến từ chính diễn biến giao dịch của cổ phiếu.

Trong thông báo phát đi ngày 19/2, FPTS cho biết, Công ty bổ sung 5 mã chứng khoán là DCS, HLD, KKC, L10, TNG vào danh sách cổ phiếu được margin, với tỷ lệ cho vay dao động từ 20 - 40% giá trị giao dịch. Ngoài ra, 13 mã chứng khoán khác được nới tỷ lệ cho vay, từ mức 30 - 40% giá trị giao dịch lên 40 - 50% giá trị giao dịch, như PAC, ITA, TLH, BTP, IMP…

Tương tự, từ ngày 13/1, tại VCBS, dù không công khai danh sách tỷ lệ margin cụ thể cho từng mã chứng khoán, nhưng công ty này đã bổ sung nhiều mã chứng khoán vào danh mục được phép ký quỹ.

Nới margin là xu hướng chung đã và đang được nhiều CTCK thực hiện, trong bối cảnh thị trường tăng thanh khoản, tâm lý tích cực bao trùm. Đây chính là động lực quan trọng giúp dòng tiền vào chứng khoán gia tăng, cải thiện thanh khoản thị trường, bên cạnh việc dòng tiền mới bắt đầu sốt ruột chờ đợi cơ hội tham gia.

… đến siết chặt

Sau một đợt tăng giá ấn tượng lên gấp hơn 2 lần, cổ phiếu FLC từ chỗ được phép giao dịch ký quỹ tỷ lệ 50% giá trị giao dịch đã được TVSI hạn chế về mức 20% và hiện tại bị loại ra khỏi danh mục cổ phiếu được phép margin.

Trong khi đó, cũng với mã FLC, FPTS cho phép bổ sung vào danh mục ký quỹ từ giữa năm 2013, sau khi cổ phiếu này có thanh khoản tăng mạnh. Từ chỗ được phép ký quỹ tỷ lệ 20% giá trị giao dịch giai đoạn đầu, đến nay, tỷ lệ được phép vay ký quỹ mua FLC của NĐT tại FPTS đã lên mức 30%, cho thấy đánh giá tích cực của FPTS về cổ phiếu này.

Đây là 2 động thái trái ngược trong việc cấp tín dụng cho cổ phiếu đã tăng giá nhanh của khối CTCK. Tất nhiên, vẫn còn nhiều CTCK đang cho phép vay mua FLC với tỷ lệ 50 - 50, nhưng không ít CTCK tỏ ra thận trọng, giảm tỷ lệ cho phép giao dịch ký quỹ với những cổ phiếu đã tăng nóng trong một thời gian.

Diễn biến phiên giao dịch ngày 20/2 cho thấy, các cổ phiếu nóng, nếu phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng thị trường, mà không có thông tin cơ bản hỗ trợ đủ lớn, sẽ là những cổ phiếu có nguy cơ “nằm sàn” sớm nhất. Chỉ cần 3 phiên giảm sàn đối với cổ phiếu niêm yết trên HNX và 4 phiên giảm sàn trên HOSE là chạm đến ngưỡng báo động cho cả NĐT và CTCK, dẫn tới yêu cầu bổ sung tiền hoặc tài sản thế chấp cho tài khoản margin.

Thận trọng với thanh khoản “khủng”

Ngay khi TTCK có dấu hiệu sụt giảm mạnh, ĐTCK đã khảo sát một số chuyên gia chứng khoán là lãnh đạo cấp cao CTCK và công ty quản lý quỹ. Trả lời về nguyên nhân sụt giảm mạnh của thị trường, tất cả các ý kiến đều cho rằng, việc thị trường tăng điểm mạnh thời gian qua, với nhiều mã chứng khoán có tỷ lệ sinh lời lớn, dẫn đến động thái chốt lời của NĐT, gây giảm điểm là bình thường.

“Tuy nhiên, với thanh khoản lớn như phiên hôm nay (ngày 20/2), nếu tình trạng này còn lặp lại trong một vài phiên, có thể không liên tục mà đứt quãng gần, thì NĐT nên thận trọng, vì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy dòng tiền lớn đã ra khỏi thị trường”, tổng giám đốc một CTCK nói và cho rằng, tiếp tục cung cấp và sử dụng margin có thể sẽ là con dao hai lưỡi cho cả NĐT và CTCK.        

Tin bài liên quan