Thị trường cuối năm có “cửa sáng”?

Thị trường cuối năm có “cửa sáng”?

(ĐTCK) Sau khi thông tin ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton không bị truy tố hình sự liên quan tới vụ bê bối email được công bố, thị trường chứng khoán châu Á, trong đó có Việt Nam đã đồng loạt khởi sắc.

 Chỉ số VN-Index đã tăng 2 phiên liên tiếp, trong đó có phiên tăng mạnh 1,11% trong ngày 7/11 vừa qua.

Trước đó một tuần (từ 31/10 - 4/11), vụ bê bối này khiến uy tín của bà Clinton bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhờ đó cơ hội dành cho ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tăng lên đúng trong giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua giành vị trí Tổng thống Mỹ.

Diễn biến này đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường cổ phiếu toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế. Chỉ số VN-Index đã giảm 2,27% so với tuần trước đó (từ 24 - 28/10), về mốc 666,73 điểm.

Không chỉ là điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian này, khi cả nhà đầu tư nội và ngoại đều hết sức thận trọng trong giao dịch. Chẳng hạn, đóng cửa phiên 4/11, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Trong đó, giá trị giao dịch của khối ngoại (mua ròng) chỉ là hơn 33 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.

Thực tế cho thấy, các yếu tố nền tảng của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá tích cực, khi GDP quý III tăng trưởng cao hơn các quý trước, kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp niêm yết chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực… Tuy nhiên, trong thời gian gần đây (tháng 9 và 10), thị trường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố bên ngoài, như khả năng tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cho đến diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện tại.

Nếu kết thúc tháng 9, chỉ số VN-Index tăng 2,48% (lên 685,79 điểm), thì đến hết tháng 10, chỉ số đã giảm 1,46% (xuống 675,8 điểm).

Điểm đáng lưu ý là trong 5 năm gần đây, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, chỉ số VN-Index giảm nhiều hơn tăng tính trong 2 tháng cuối cùng của năm.

Cụ thể, năm 2011, giảm 15,04% (về 351,55 điểm), năm 2012 và 2013 tăng lần lượt 6,64% và 1,52% (lên tương ứng 413,73 điểm và 504,63 điểm), nhưng năm 2014 và 2015 đều giảm khá mạnh, lần lượt 9,53% và 3,94% (xuống tương ứng 545,63 điểm và 579,03 điểm).

Trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với các diễn biến khó lường hiện nay, CTCK dường như thận trọng hơn trong các dự báo. Tại báo cáo mới nhất, CTCK VNDirect đưa ra nhận định rằng, chỉ số VN-Index đã bước vào giai đoạn đầu của xu hướng giảm tính từ giữa tháng 10/2016 và bước giảm này có sự tham gia của hầu hết những cổ phiếu quan trọng như VCB, BVH, CTD, SSI, HPG, PVD... Một số mã trụ khác như VNM, VIC, MWG dù được lực cầu hỗ trợ, song ảnh hưởng lên chỉ số khá hạn chế.

CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá, việc cả 2 dòng cổ phiếu blue-chips và đầu cơ đưa ra tín hiệu suy yếu và quay đầu giảm điểm khi chạm các vùng kháng cự mạnh trong tuần vừa qua nhiều khả năng cũng sẽ tạo ra áp lực điều chỉnh đáng kể cho thị trường trong thời gian tới. Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ xu thế giảm giá trong ngắn hạn, cùng với việc nhóm vốn hóa lớn điều chỉnh khi tăng mạnh trong thời gian qua và không còn ở vùng giá hấp dẫn.

Dù nhiều đánh giá kém lạc quan được tung ra  thị trường, nhưng dự báo cũng chỉ là dự báo. Phần thưởng luôn đến với những ai dám tham lam khi thị trường sợ hãi và vững tay chọn cổ phiếu có căn bản tốt trong hàng nghìn mã “nhấp nháy” trên sàn giao dịch hiện nay.

Tin bài liên quan