Thị trường chứng khoán thiếu đi khoảng “không gian” cần thiết để “lớn"

Thị trường chứng khoán thiếu đi khoảng “không gian” cần thiết để “lớn"

(ĐTCK) “Thông tư 36 chính là nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế như mong muốn của Chính phủ”, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) trao đổi với ĐTCK. 

Thông điệp mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu lên mức 70% GDP vào năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Đây là một mục tiêu rất quan trọng, bởi từ nay cho tới năm 2020, như Phó Thủ tướng đã chia sẻ, nền kinh tế nước ta cần một lượng vốn rất lớn để duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách ep hẹp, thì nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại và TTCK trở nên rất quan trọng.

Do đó, rất cần thiết phải làm cho TTCK bật lên, trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, song song với kênh dẫn vốn ngắn hạn là hệ thống ngân hàng.

Thực tế, Chiến lược phát triển TTCK đã có từ năm 2012 với nhiều mục tiêu cụ thể. Dù rốt ráo thực hiện, nhưng qua gần một nửa chặng đường, nhìn chung vẫn còn nhiều nội dung chưa thực hiện được. So với năm 2011, chỉ số chứng khoán đã tăng khoảng 65%, trong khi quy mô và cấu trúc thị trường cũng đa dạng hơn với khoảng 1.000 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch trên HOSE, HNX và sàn UPCoM.

Thị trường chứng khoán thiếu đi khoảng “không gian” cần thiết để “lớn" ảnh 3

 Ông Phan Quốc Huỳnh

Tuy nhiên, lượng vốn huy động trực tiếp trên sàn chứng khoán còn tương đối nhỏ, ước tính trung bình khoảng 50 tỷ đồng/DN trong năm 2015. Con số này chỉ tương đương với một khoản giải ngân của hệ thống ngân hàng dành cho một doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, chứ chưa nói đến có những DN niêm yết lớn, đang lại phải vay hàng nghìn tỷ từ ngân hàng để triển khai các dự án trong năm.

Ngoài ra, quy mô TTCK được cải thiện, nhưng thanh khoản còn khá thấp. Với khoảng 2.500 tỷ đồng được giao dịch/phiên, sức hấp dẫn của TTCK đối với NĐT mới, đặc biệt là những NĐT, công ty quản lý quỹ nước ngoài với vốn đầu tư hàng tỷ USD rất thấp. Thực tế này cho thấy, bên cạnh giải pháp tăng quy mô, rất cần các giải pháp thúc đẩy thanh khoản để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn lớn. 

Theo ông, vì sao thanh khoản trên TTCK còn hạn chế?

Có nhiều lý do khiến thanh khoản khá thấp, tuy nhiên, có thể chỉ ra vấn đề nằm ở việc thị trường thiếu đi khoảng “không gian” cần thiết để có thể “lớn” như mong muốn.

TTCK và ngân hàng có mối quan hệ rất mật thiết và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các chính sách của Nhà nước như chính sách lãi suất, tiền tệ với mục đích phát triển thị trường tiền tệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến phạm vi hoạt động của thị trường vốn.

Trong quá khứ, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ vừa là nguồn cảm hứng nhưng cũng vừa là nguyên nhân dẫn đến TTCK lên, xuống không ổn định. Đặc biệt, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động của khối các ngân hàng thương mại, đã gây “tắc nghẽn” cục bộ dòng tiền vào TTCK trong hơn 1 năm qua, gây sức ép lên thanh khoản và làm chệch hướng “dòng tiền thông minh” vào những nơi cần thiết.

Cùng với đề xuất sửa Thông tư 36, theo tôi, quy định pháp lý về dòng chảy vốn trên TTCK, thị trường tài chính nói chung nên theo hướng thúc đẩy sự tự do chọn lựa của các chủ thể tham gia thị trường.

Thực tế, quy định pháp lý có chặt đến đâu đi nữa, nhưng khi xảy ra rủi ro thì vẫn các chủ thể trực tiếp kinh doanh phải chịu hậu quả. Vì thế, các chủ thể trực tiếp kinh doanh luôn phải lo cho sự an nguy của túi tiền trước cả nhà quản lý. 

Thanh khoản thấp liệu có ảnh hưởng đến việc ra đời của các sản phẩm mới trên TTCK trong thời gian tới hay không, theo ông?

Tôi khẳng định là sẽ có ảnh hưởng. Chúng ta đều biết, cơ quan quản lý ra mắt các sản phẩm mới với hy vọng thúc đẩy thanh khoản, tăng quy mô thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển TTCK. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, cần xác định rõ đối tượng sẽ sử dụng những sản phẩm mới trên TTCK.

Nếu hướng tới NĐT nước ngoài, thì quanh đi quẩn lại, sẽ lại vướng vào câu hỏi về “room”. Nếu hướng đến các NĐT nội, thì với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm chưa nhiều, dù muốn nhưng họ sẽ chỉ tham gia một cách rất khiêm tốn. Theo tôi, trước hết phải giải được bài toán về dòng tiền, bài toán về thanh khoản, rồi hãy tính việc cho ra sản phẩm mới. 

Thị trường cần những giải pháp gì để sôi động hơn, theo ông?

Chỉ có 2 việc: thứ nhất là dòng tiền, thứ hai là sản phẩm. Tôi cho rằng, Thông tư 36 chính là nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn. VASB cùng các thành viên thị trường sẽ tiếp thu ý kiến, tổng hợp và gửi kiến nghị tới các cơ quan quản lý trong thời gian sắp tới về vấn đề này.

Về sản phẩm, cần có các sản phẩm hợp khẩu vị của NĐT, cùng với đó cần nâng cao tính minh bạch của các DN trên TTCK. Việc sáp nhập 2 Sở giao dịch cũng cần sớm được thực hiện để giảm chi phí tham gia TTCK cho nhiều chủ thể trên thị trường.

Ngoài ra, tư duy quản lý mới cần giảm đi các mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó, các cơ quan quản lý chú trọng vào công tác kiểm soát chất lượng, giám sát hoạt động rủi ro từ xa và xây dựng các mô hình dự báo, hỗ trợ CTCK và NĐT ra quyết định.

Tin bài liên quan