Thị trường chứng khoán sẽ lành mạnh hơn

Thị trường chứng khoán sẽ lành mạnh hơn

(ĐTCK) Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trở thành tâm điểm của giới đầu tư trên TTCK cuối tuần qua.

Sở dĩ có việc này bởi từ đầu năm đến nay, đòn bẩy và các dịch vụ tài chính cung cấp cho nhà đầu tư trở thành cây gậy với nhiều CTCK để thu hút nhà đầu tư, tăng thị phần. Mới đây, câu chuyện về margin cũng ồn ào trên thị trường khi UBCK công bố đến đầu tháng 11 dư nợ margin vào khoảng 17.000 tỷ đồng.

Thông tư 36 có tác động mạnh đến thị trường hay không? Câu trả lời là có. Nếu chỉ tính toán cơ học rằng, quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam hiện vào khoảng 450 nghìn tỷ đồng, hạn mức 5% cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng tương đương với 22.500 tỷ đồng, thì chưa toàn diện.

Cần bóc tách rằng, phần lớn các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chưa cho vay chứng khoán, các ngân hàng có vốn điều lệ lớn như VCB, Vietinbank, BIDV… cũng kém mặn mà rót vốn vào chứng khoán mà chủ yếu đổ vào trái phiếu. Điều này đồng nghĩa rằng, nhiều ngân hàng TMCP thời gian qua đã sử dụng room 20% vốn điều lệ để cho vay chứng khoán, nay họ sẽ phải cân đối và thu hẹp lại.

Đáng ngại hơn nữa là quy định tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% thì không được cho vay chứng khoán. Chưa có một thống kê đầy đủ về số ngân hàng vượt qua giới hạn này, song báo cáo bán niên của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng tư thương lớn, đang tài trợ, hợp tác cho các CTCK thực hiện các hợp đồng hợp tác ba bên, đã vượt 3%. Những ngân hàng này sẽ phải dừng cho vay.

Tương tự là quy định các ngân hàng không được cấp tín dụng, ủy thác vốn cho các công ty chứng khoán trực thuộc để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Tự doanh và nguồn vốn margin của những CTCK thuộc nhóm này sẽ bị ảnh hưởng.

Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng, Thông tư 36 sẽ có tác động mạnh đến TTCK. Nguồn vốn từ ngân hàng chảy vào thị trường có thể sẽ thu hẹp lại. Song nhìn ở khía cạnh khác, những ảnh hưởng này có nhiều điểm tích cực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Lâu nay vì được cấp hạn mức dễ dãi ở nhiều ngân hàng, không ít CTCK cho nhà đầu tư vay hoặc làm cầu nối cho nhà đầu tư vay với tỷ lệ 3:7 hoặc 2:8 (có 3 đồng được vay 7 đồng) để mua bán cổ phiếu, trong khi theo quy định về margin của UBCK, tỷ lệ cho vay an toàn là 5:5. Thực tế này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các CTCK, thứ hạng thị phần của CTCK do đó cũng không phản ánh chính xác hoạt động của các CTCK trên thị trường. Nay khi việc tìm kiếm các nguồn vốn khó khăn hơn, CTCK và ngân hàng sẽ phải thận trọng. Tình trạng “tay không bắt giặc” của nhiều nhà đầu tư trên thị trường cũng sẽ được giảm thiểu, từ đó hạn chế phần nào việc thao túng, làm giá chứng khoán…

Ngược lại, với các quy định chặt chẽ hơn về nguồn vốn ngân hàng đổ vào chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ phần nào lành mạnh hơn.

Thông tư 36 có hiệu lực vào ngày 1/2/2015. Từ nay đến đó, CTCK có nhiều thời gian để cân đối lại các nguồn vốn hỗ trợ nhà đầu tư. Trong ngắn hạn, thị trường có thể chịu đau ở góc độ nào đó, nhưng về lâu dài, thị trường sẽ vận động lành mạnh hơn để từ đó có thể tăng trưởng một cách bền vững, nhất là khi hiện nay, điều kiện kinh tế vĩ mô nói chung và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã được cải thiện hơn rất nhiều so với 1 - 2 năm trước.

Tin bài liên quan