Thị trường chứng khoán phái sinh: “mắt xích” thành viên còn mỏng

Thị trường chứng khoán phái sinh: “mắt xích” thành viên còn mỏng

(ĐTCK) Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, các vấn đề về pháp lý liên quan đến TTCK phái sinh đang được gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn tất trong 1-2 tuần tới.

Cụ thể, đó là việc sửa đổi một số điểm trong Thông tư 11/2016/TT-BTC, liên quan đến quy định ký quỹ và xem xét chấp thuận các quy trình, quy chế vận hành của TTCK phái sinh do Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam xây dựng.

Theo kế hoạch của UBCK, việc chuẩn bị cho TTCK phái sinh khai mở sẽ hoàn tất trước tháng 5/2017. Bên cạnh vấn đề pháp lý và hạ tầng thị trường, để TTCK phái sinh khai mở, không thể thiếu sự vào cuộc của các thành viên. Đây dường như vẫn còn là mắt xích yếu, khi các CTCK Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện căn bản để tham gia thị trường này.

Trong số gần 80 CTCK hiện nay, chỉ có khoảng 10% công ty có mức vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng, trong khi để gia nhập làm thành viên trên TTCK phái sinh, CTCK phải có đủ các nghiệp vụ kinh doanh theo quy định của Luật Chứng khoán và có mức vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, 800 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.

Theo thống kê, trên TTCK có 38 công ty chứng khoán thực hiện cả 4 nghiệp vụ kinh doanh, 34 công ty chứng khoán được thực hiện 3 nghiệp vụ kinh doanh, 31 công ty chứng khoán được thực hiện 2 nghiệp vụ kinh doanh và 2 công ty chứng khoán chỉ thực hiện 1 nghiệp vụ tư vấn đầu tư.

Trên thị trường cơ sở, sản phẩm của các công ty chứng khoán còn khá đơn giản, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm như ứng trước tiền bán chứng khoán, ứng trước tiền mua chứng khoán, đặt cọc môi giới chứng khoán…

Việc thiếu đa dạng trong cơ cấu dịch vụ và sản phẩm dẫn đến tình trạng các công ty chứng khoán phải cạnh tranh khốc liệt. Nhiều công ty phải giảm giá sản phẩm và dịch vụ, đánh đổi chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng kiểm soát rủi ro nhằm tìm kiếm khách hàng.

Dự kiến, 3 sản phẩm đầu tiên trên TTCK phái sinh gồm hợp đồng tương lai chỉ số VN30, HNX30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, để các sản phẩm này được đón nhận, nhà quản lý rất cần những giải pháp đốc thúc các “mắt xích” là thành viên tương lai vào cuộc, khai mở khái niệm và cơ hội về TTCK phái sinh đến nhà đầu tư.

UBCK cho biết, đã xây dựng đề xuất về một số giải pháp ưu đãi thuế, phí cho TTCK phái sinh. Thị trường chờ đợi Bộ Tài chính, Chính phủ sớm xem xét ban hành, để thúc đẩy sự quan tâm của các chủ thể đến thị trường mới sắp khai mở.

Tin bài liên quan