Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, TTCK Việt Nam đã trở thành bệ phóng thành công cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, TTCK Việt Nam đã trở thành bệ phóng thành công cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân

Thị trường chứng khoán năm Mậu Tuất: Kỳ vọng “bệ phóng” của doanh nghiệp vững bước hơn

(ĐTCK) Sau tiếng cồng khai trương thị trường chứng khoán (TTCK) Xuân Mậu Tuất tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, TTCK Việt Nam đã trở thành bệ phóng thành công cho nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là khối DN tư nhân. 

Năm mới, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm trên nền tảng pháp lý mới là Luật Chứng khoán sửa đổi, kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN tham gia thị trường.

Nhiệm vụ trọng tâm

Ông Dũng đánh giá, sau gần 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã dần khẳng định vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa, xử lý nợ xấu, tăng cường tính công khai minh bạch của các công ty.

Năm 2017, trong bối cảnh kinh tế - xã hội tích cực của đất nước, TTCK đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như sự ra đời của chứng khoán phái sinh, giá trị vốn hóa toàn thị trường vào khoảng trên 70% GDP, đạt chỉ tiêu đề ra đến năm 2020.

Thị trường đã có sự thay đổi, phục hồi mạnh về mặt chỉ số, đạt trên 1.000 điểm, tăng 48% so với năm 2016; đóng góp tích cực cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; công tác tái cấu trúc thị trường đã được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, 2018 - 2020 là giai đoạn rất quan trọng khi hàng loạt chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước sẽ đi vào thực tiễn. Trong năm 2018, Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế tư nhân, quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Những chủ trương, giải pháp này sẽ tạo cơ hội lớn cho TTCK phát triển, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, vai trò của thị trường, đóng góp trở lại cho phát triển nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và huy động vốn cho nền kinh tế của nước nhà.

Theo đó, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán (UBCK) phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, bền vững, tập trung vào một số nội dung trọng tâm.

Thị trường chứng khoán năm Mậu Tuất: Kỳ vọng “bệ phóng” của doanh nghiệp vững bước hơn ảnh 1

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp tại Lễ đánh cồng đầu Xuân Mậu Tuất tại HOSE. Ảnh: Lê Toàn

Cụ thể, thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTCK, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán theo hướng đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm tạo môi trường tốt nhất, minh bạch nhất cho doanh nghiệp và việc huy động, sử dụng vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng và sự bền vững của thị trường thông qua việc tăng cường tính công khai minh bạch, cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp theo quy tắc và thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa niêm yết, tiếp tục chuẩn hóa chất lượng kế toán kiểm toán, trong đó có việc áp dụng các báo cáo chuẩn mực quốc tế. Tăng cường quản trị rủi ro và tiêu chuẩn an toàn tài chính.

Thứ ba, thúc đẩy việc thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước phục vụ đầu tư phát triển, hỗ trợ cho kênh dẫn vốn ngân hàng, đóng góp tích cực cho công tác cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Kiên quyết xử lý doanh nghiệp không tuân thủ việc lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên TTCK, hỗ trợ DN có quy mô lớn, chất lượng quản trị ngang tầm khu vực và quốc tế.

Thứ tư, triển khai sản phẩm mới theo thông lệ quốc tế, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an toàn, thông suốt trong giao dịch và thanh toán, chủ động ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động thị trường.

Thứ năm, tăng cường năng lực hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành thị trường, kịp thời ứng phó, xử lý các vấn đề phát sinh, các biến động bất lợi từ nền kinh tế vĩ mô. Tăng cường công tác thanh tra giám sát xử lý vi phạm, tăng cường thẩm quyền cho UBCK trong công tác thanh tra để có thể kịp thời xử lý những hành vi gian lận, thao túng, nội gián, đảm bảo cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, tạo lòng tin cho công chúng đầu tư. 

Nội lực tăng lên, thị trường kỳ vọng vững tiến

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng Quản trị HOSE cho biết, tiếp nối sức bật năm 2017, những ngày đầu năm 2018, thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan, mang tới nhiều kỳ vọng tích cực.

Theo đó, thanh khoản tiếp tục gia tăng với giá trị giao dịch bình quân hơn 8.000 tỷ đồng/phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 12.600 tỷ đồng, gần bằng 48% của cả năm 2017.

Mặc dù có một vài phiên giảm điểm sâu do tác động từ thị trường thế giới nhưng các chuyên gia, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước đánh giá, Việt Nam có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Thị trường chứng khoán năm Mậu Tuất: Kỳ vọng “bệ phóng” của doanh nghiệp vững bước hơn ảnh 2

 Ảnh: Dũng Minh

Năm 2018, với nền tảng vững chắc và quyết tâm xây dựng của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, ông Trà cho rằng, TTCK Việt Nam có cơ sở để tiếp tục phát triển bền vững. Riêng với HOSE, Sở đặt ra nhiều mục tiêu hoạt động trọng tâm của năm 2018 để phát huy những kết quả đạt được.

Theo đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và thành viên thị trường thực hiện tham gia xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội thông qua vào năm 2019; tập trung triển khai sản phẩm mới, hỗ trợ cho việc gia tăng quy mô thanh khoản thị trường, nâng cao giám sát tuân thủ, đẩy mạnh áp dụng các thông lệ quốc tế tiên tiến; chú trọng nghiên cứu, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh triển khai dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tạo nền tảng vững chắc và điều hành linh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản trị điều hành để đáp ứng những yêu cầu và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo lãnh đạo HOSE, 18 năm về trước TTCK Việt Nam ra đời với 2 DN niêm yết ban đầu. Đến nay thị trường đã có 737 DN niêm yết, 739 DN đăng ký giao dịch. Từ một thị trường cổ phiếu quy mô nhỏ thì nay Việt Nam có cấu trúc TTCK hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế với thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Năm 2017, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bình quân của DN niêm yết lần lượt là 19% và 28%. Thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng đáng kể, bình quân đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với năm 2016. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong vòng 10 năm qua, trở thành một trong các thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Thị trường trái phiếu cũng có sự phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác huy động vốn và đầu tư phát triển. Nếu như trước đây chủ yếu huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn 3 - 5 năm thì hiện tại đã huy động được trái phiếu có kỳ hạn 30 năm, kỳ hạn 20 - 30 năm chiếm trên 23% tổng mức huy động, góp phần nâng đáng kể kỳ hạn và cải thiện chất lượng nợ công.

Cùng có chung niềm tin, ông Võ Hữu Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, so với các năm trước, tổng giá trị giao dịch gia tăng mạnh, nhà đầu tư tổ chức tham gia tích cực hơn, các DN nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng… Đây đều là những dấu hiệu cho thấy sự phát triển bền vững của thị trường trong thời gian tới.

Trong khi đó, điều quan trọng hơn cả là sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế đang trở thành trợ lực rất tốt cho TTCK. Điểm nhấn của thị trường năm 2018, theo ông Tuấn chính là cả chất lượng và số lượng hàng hóa trên thị trường sẽ tăng lên, loại hình nhà đầu tư  cũng có thay đổi lớn, với sự xuất hiện dày đặc hơn của nhiều loại quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm…

Dưới góc nhìn của công ty quản lý quỹ, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc của Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, với bước đà tốt đã được tạo ra từ những năm trước, năm 2018, TTCK Việt Nam vẫn sẽ duy trì xu hướng đi lên. Ông Tân cho biết thêm, thông qua việc huy động vốn của quỹ VF1,VF4 do VFM quản lý trong năm 2017, có thể nhận thấy “nội lực” của dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước tăng lên rõ rệt.

Đồng thời, dòng vốn ngoại vẫn nắm vai trò nhất định, khi chủ yếu chảy vào qua quỹ ETF. Để thu hút thêm nguồn tiền từ nhà đầu tư nước ngoài, điều cần làm năm 2018 vẫn là tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, khẳng định cam kết cải cách đổi mới của Chính phủ.

Tin bài liên quan