Thị trường chứng khoán cần động lực tăng trưởng mới

Thị trường chứng khoán cần động lực tăng trưởng mới

(ĐTCK) Tiền trên thị trường hiện chỉ dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, mà không có tiền mới, nên tốc độ tăng trưởng chưa thực sự thuyết phục.

Là người tâm huyết với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) kỳ vọng rằng cùng với việc Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Quốc hội thông qua mới đây, trong đó đề cao vai trò của thị trường vốn, thị trường chứng khoán sẽ có những chính sách đột phá, khơi thông được nguồn vốn ngoại và kích thích các dòng vốn đang ngủ yên trong dân tham gia vào sản xuất - kinh doanh. 

Kinh tế tư nhân trong thời gian gần đây đã được nhìn nhận với một vai trò mới, động lực cho nền kinh tế. Để khu vực này hoạt động hiệu quả hơn, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của thị trường chứng khoán với chức năng một kênh dẫn vốn?

Thị trường chứng khoán luôn vận động trước những diễn biến của nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang từng bước được tháo gỡ khỏi khó khăn, trong vòng vài năm trở lại đây, chúng ta có thể chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực của thị trường. Chẳng hạn, quy mô vốn hóa của thị trường hiện đã đạt xấp xỉ 40% GDP, tương đương với trên 75 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đã được tiếp sức bởi các dòng vốn từ dân cư, từ nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng quy mô, mở rộng đầu tư và trở thành các doanh nghiệp đại diện của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đang được định vị với vai trò quan trọng hơn, phát triển một cách bền vững hơn.

Thị trường chứng khoán cần động lực tăng trưởng mới ảnh 1

Ông Vũ Đức Tiến 

Với triển vọng của nền kinh tế và những chính sách được ban hành gần đây, gắn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với thị trường, tôi tin tưởng mục tiêu vốn hóa cổ phiếu bằng 70% GDP là đạt được.

Hiện nhận thức về thị trường chứng khoán và vai trò của sự minh bạch, quản trị doanh nghiệp tốt đang dần được cải thiện khi chúng ta bắt đầu một hệ thống cổ phần hóa, các doanh nghiệp lớn thoái vốn và việc bắt buộc niêm yết trên sàn với các quy định như Nghị định 60/2015/CP-NĐ, chế tài xử phạt cũng đã có… 

Khá nhiều thương vụ M&A với giá trị lớn có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài đã được thực hiện trên thị trường trong thời gian qua. Ông có đánh giá gì về chuyển biến này?

Thực sự, điểm sáng trên thị trường là nhiều thương vụ M&A đã diễn ra ở Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan tham gia, tạo ra nguồn lực mới cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước. M&A tạo ra tư duy mới cho các doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp nhận thức được rất rõ ràng rằng, không thay đổi thì không thể tồn tại.

M&A cũng giúp cho cơ cấu ngành nghề một số lĩnh vực kinh tế, sản xuất - kinh doanh thay đổi. Tôi cho rằng, đó là những chuyển biến rất tốt, tuy mới chỉ dừng lại ở nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp ngoài sàn niêm yết.

Nếu quy mô thị trường chứng khoán cải thiện, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, các đối tác thực hiện M&A có nhiều nhà đầu tư tài chính tốt, cơ hội sẽ tốt hơn rất nhiều cho thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nhắc đến quy mô và triển vọng của thị trường, không thể không đề cập đến sức cầu. Thực sự, đây có phải là điểm đáng lưu ý trong bức tranh chung về thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nói đến sức cầu, tôi muốn phân tích trên hai khía cạnh. Trước hết là dòng vốn nước ngoài, rất nhiều thông tin cho thấy, các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng còn nhiều nút thắt cần giải quyết để từ quan tâm họ biến thành hành động rót vốn thực sự.

Là một thành viên thị trường, chúng tôi mong thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng.  Khi quy mô thị trường đủ lớn và đủ chất lượng, sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán cần động lực tăng trưởng mới ảnh 2

 Là một thành viên thị trường, SHS đang rất mong mỏi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi

Sau đến, dòng vốn nước ngoài vừa tạo ra sự kích thích nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vừa giúp các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước bán được giá cao hơn, Nhà nước hưởng lợi. Quan trọng hơn, họ là các nhà đầu tư lớn, am hiểu về pháp luật, quản trị sẽ tạo sức ép để doanh nghiệp Việt thay đổi và hướng tới các chuẩn mực quốc tế, góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Còn dòng vốn đầu tư trong nước, khi chưa có một sự thay đổi đáng kể, sẽ rất khó kích hoạt được niềm tin và hành động của nhà đầu tư. Dù rằng, thời gian qua, thị trường vẫn chứng kiến dòng vốn thông minh dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, chẳng hạn tổng lượng tiền cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán hiện tăng 18-20% so với đầu năm, tuy nhiên dòng vốn này thiếu ổn định và vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhà đầu tư. 

E ngại về việc mất cân đối giữa hàng hóa và năng lực hấp thụ của thị trường là có cơ sở bởi gần đây, có không ít đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước, cơ bản tốt nhưng thị trường không hấp thụ hết vì hết nguồn. Tiền trên thị trường hiện chỉ dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, mà không có tiền mới, nên tốc độ tăng trưởng chưa thực sự thuyết phục. 

Lượng hàng hóa trên thị trường rõ ràng là sẽ cải thiện đáng kể, nhưng còn chất lượng thì sao, ông có nhận xét gì về mặt chất lượng?

Mặt chất là điều vô cùng quan trọng trên thị trường chứng khoán và có ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhà đầu tư. Với khá nhiều hiện tượng gần đây trên thị trường, liên quan đến một số câu chuyện ồn ào của các doanh nghiệp niêm yết, có thể khiến nhà đầu tư lúng túng vì nó đi ngược với những quy tắc, quy luật phân tích thông thường. Những vấn đề quản trị công ty, minh bạch công bố thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, xử lý vi phạm, thanh tra… theo tôi là rất quan trọng và cần được cải thiện, nâng cao hơn nữa.

Thực tế từ đầu năm đến nay cho thấy, nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị, bỏ vốn vào những doanh nghiệp chất lượng, hoạt động hiệu quả, quản trị tốt đã gặt hái được nhiều thành công, những mã chứng khoán đó cho lợi tức 30 - 35%, thậm chí là trên 40%. 

Tất nhiên, nhà đầu tư phải có trách nhiệm với đồng vốn của mình và được khuyên là hãy lựa chọn thông minh. Nhưng có không ít hiện tượng bóp méo trên thị trường đang xảy ra và như ông nói đang khiến nhà đầu tư lúng túng. Phải có cách nào đó để hạn chế những trường hợp như vậy chứ?

Cá nhân tôi cho rằng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán thời gian qua đã rất nỗ lực thực hiện mục tiêu minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nghiêm khắc hơn với doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán, tạo lập cho thị trường các cơ sở tiền đề cho hàng hóa chất lượng hơn.

Nhưng những thành viên tham gia thị trường đang tỏ ra ngày một khôn ngoan hơn và cũng có rất nhiều yếu tố khó kiểm soát rủi ro, đôi khi còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Với những trường hợp như vậy, chúng ta đang thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thiếu các công cụ để có thể làm rõ những bức xúc ghi nhận từ thị trường.

Hơn nữa, như đã đề cập, doanh nghiệp Việt Nam đang ở vùng trũng về quản trị, bản thân họ không chịu những sức ép để buộc phải thay đổi, làm tốt hơn. Bên cạnh những công cụ hành chính như tăng chuẩn niêm yết, kiểm tra, xử phạt nghiêm, tôi cho rằng những giải pháp thị trường cũng rất cần thiết.

Khi có nhiều nhà đầu tư có trình độ tham gia thị trường, khi những câu chuyện về thua lỗ do lòng tham được lan truyền, doanh nghiệp có vấn đề trong hoạt động, sẽ khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, sớm hay muộn cũng thất bại.

Muốn làm được như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam phải trở thành cuộc chơi tổng thể với khu vực và thế giới, chứ không phải chỉ có các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước với nhau. 

Trong một bức tranh tổng thể như vậy, có thể nói gì về công ty chứng khoán và cuộc chơi của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Công ty chứng khoán chỉ phát huy và phát triển được khi thị trường tốt, còn hiện tại, chúng tôi chưa có nhiều cơ hội và cũng rất vất vả trong cuộc đua cạnh tranh rất quyết liệt trên thị trường.

Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, tôi mong thị trường được tái cấu trúc cả về lượng và chất, thị trường càng có nhiều nhà đầu tư, hay nói rộng hơn là các thành viên tuân thủ các chuẩn mực, quy định, thì càng duy trì được sức bền và cơ hội tăng trưởng dài hạn, góp phần tạo lập kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan