Thị trường chứng khoán 2017: Triển vọng lạc quan

Thị trường chứng khoán 2017: Triển vọng lạc quan

(ĐTCK) Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều thành viên thị trường nhận định, dù vẫn chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tích cực, cơ hội đầu tư là hiện hữu khi thị trường đón nhận thêm nhiều cổ phiếu tiềm năng, chất lượng...

“2017, Việt Nam còn chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, song vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư

Thị trường chứng khoán 2017: Triển vọng lạc quan ảnh 1

Ông Vũ Quang Đông, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) 

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư bắt nguồn từ xu hướng nới lỏng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh là nền kinh tế tiếp tục ổn định, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh, trọng tâm là hệ thống ngân hàng và hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá được nâng cao.

Tuy nhiên, bối cảnh thế giới đang tiềm ẩn những rủi ro khó lường đối với mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, yếu tố đáng chú ý là chính sách của tân Tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng bất lợi đến thương mại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Hiệp định TPP; biến động của các ngoại tệ mạnh theo sát với thời điểm và lộ trình Fed nâng lãi suất cũng như các biến động chính trị như Brexit...

Bên cạnh đó, các vấn đề xung quanh việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm nợ xấu, bong bóng bất động sản, thương mại suy giảm kéo theo khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá và dẫn tới tác động tiêu cực tới thị trường trong nước.

Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian đủ dài và nếu Ngân hàng Nhà nước không định hướng đúng việc cấp vốn hiệu quả cho động lực kinh tế dài hạn có thể gây ra các tác động về giá cả trong nước. Những yếu tố này có sức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong năm 2017, VCBS sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng đầu tư như dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tư vấn đầu tư, dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, bao gồm bảo lãnh, M&A, tái cấu trúc và dịch vụ nguồn vốn.

Chúng tôi đề cao công tác bảo mật, quản trị rủi ro và hướng tới sự cải tiến hơn nữa về công nghệ, cho dù công nghệ của VCBS hiện đã trong nhóm đầu của các công ty chứng khoán. Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là đạt doanh thu 407 tỷ đồng, lợi nhuận 115 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2016.

“Các công ty niêm yết, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng tiếp tục khả quan”

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime (MSI)  

Tôi tin tưởng thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cả về quy mô, chất lượng và điểm số trong năm 2017. Quy mô và chất lượng thị trường sẽ tăng lên khi nhiều công ty có vốn hóa lớn lên niêm yết.

Các công ty niêm yết, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017. Thị trường UPCoM sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn và tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.  

Nền kinh tế trong nước dự báo tiếp tục tăng trưởng trên 6% trong năm 2017. Định giá chung toàn thị trường đã tăng lên mức cao nhất theo thống kê từ năm 2007 đến nay, khi P/E vượt mức trên 16 lần. Tuy nhiên, so với các thị trường có quy mô tương đồng trong khu vực, mức định giá này vẫn còn thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp lớn dự kiến niêm yết trong 2017 sẽ thu hút thêm dòng vốn mới, từ đó gia tăng quy mô, chất lượng thị trường.

Giá dầu thô dự báo sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến sau chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, cũng như việc cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và Iraq. Điều này có thể cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm dầu khí.

Bối cảnh thị trường chung khá tích cực với các công ty chứng khoán. Năm qua, MSI giữ vững vị trí Top 10 môi giới chứng khoán niêm yết tại HNX và tiếp tục được vinh danh là Nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2016. Trong năm 2017, MSI vẫn tập trung vào hai mảng dịch vụ lõi, đó là dịch vụ chứng khoán và dịch vụ tư vấn ngân hàng đầu tư.

Chúng tôi đang trong quá trình làm việc với một số đối tác chiến lược để rót vốn vào MSI nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, cũng như các nguồn lực khác của MSI trong thời gian tới.

“Cơ hội đầu tư năm 2017 là hiện hữu”

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)  

Trong năm 2017, cục diện TTCK Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. Trước hết là sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu mới trên sàn, đặc biệt là những cổ phiếu lớn như VEAM, Petrolimex… và nhiều công ty lớn IPO như MobiFone, VinaPhone, Lọc dầu Dung Quất, PVOil…

Từ cuối quý IV/2016, 15 công ty mới sẽ mang lại chừng 15 tỷ USD vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu mới sẽ chiếm 30% trong Top 10; 60% trong Top 20; 40% trong Top 15. Động thái như vậy sẽ góp phần nâng hình ảnh cho TTCK Việt Nam và tạo ra nhiều lựa chọn, thực đơn phong phú hơn cho giới đầu tư, có rất nhiều cổ phiếu mới được đánh giá hấp dẫn để bỏ vốn.

Nhìn rộng hơn, kinh tế năm 2017 theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ sẽ đạt tăng trưởng 6,5 - 6,7%; lạm phát được kiểm soát  4 - 5%, mức lãi suất thấp được duy trì, hỗ trợ TTCK.  Kinh tế Việt Nam đang ổn định, hồi phục, tăng trưởng, TTCK thông thường sẽ chuyển động trước những chuyển động của kinh tế vĩ mô. Do vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, cơ hội đầu tư năm 2017 là hiện hữu.

Là một thành viên trên thị trường, chúng tôi kỳ vọng SHS sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững. Khi thị trường được tái cấu trúc cả về lượng và chất, có thêm nhiều nhà đầu tư mới, các công ty chứng khoán sẽ có thêm dư địa tăng trưởng.

“Triển vọng dài hạn với ngành chứng khoán Việt Nam rất tích cực”

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán MB (MBS)  

Tôi cho rằng, triển vọng dài hạn với ngành chứng khoán Việt Nam là rất tích cực. Nhận định này dựa trên các động lực chính sau đây:

Thứ nhất, nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế và đã được 59 quốc gia trên thế giới công nhận có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã thông qua nhiều hiệp định FTA quan trọng cũng như tham gia hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC).

Trong bối cảnh đó, triển vọng thị trường vốn tích cực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty chứng khoán, vốn là một định chế trung gian quan trọng của thị trường này.

Thứ hai, quy mô, thanh khoản và sự đa dạng về hàng hóa, sản phẩm của thị trường sẽ ngày càng tăng lên nhờ chính sách hỗ trợ.

Thứ ba, triển vọng nâng hạng thị trường lên nhóm thị trường mới nổi (MSCI) là một động lực dài hạn quan trọng. Chúng tôi đánh giá việc gia nhập MSCI sẽ là nhân tố chính thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong 4 năm tới.

Thứ tư, tổ chức thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch với vai trò ngày một lớn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Thực tế, kinh doanh ở ngành nào cũng rất khắc nghiệt, chứ không riêng gì ngành dịch vụ chứng khoán. Trong quá trình cạnh tranh, các công ty chứng khoán yếu kém có thể chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, xem thường quản trị rủi ro... dẫn tới phá sản, gây mất niềm tin với khách hàng.

Quá trình đào thải trong ngành sẽ còn tiếp tục và chỉ những công ty thực sự chuyên nghiệp, tập trung vào các nghiệp vụ kinh doanh cốt lõi mới có thể tồn tại.

Về phần mình, năm 2017 và các năm tiếp theo, MBS sẽ tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân; đồng thời, chú trọng hoạt động tư vấn - vốn là thế mạnh của MBS. Chúng tôi đang dần phát huy được lợi thế của mình trong các hoạt động bán chéo với các thành viên MB Group cũng như ngân hàng mẹ MB.

Bên cạnh đó, MBS sẽ cũng chú trọng việc phát huy vai trò cũng như trách nhiệm là thành viên của thị trường chứng khoán Việt Nam, điển hình như trong thời gian vừa qua và sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung thúc đẩy sự hình thành các và cung cấp các sản phẩm phái sinh ra thị trường.

Ngoài ra, MBS cũng vẫn thực hiện bảo lãnh phát hành và phát triển tự doanh trên cơ sở bảo đảm sự hài hòa giữa lợi nhuận – rủi ro, bảo đảm sự phát triển bền vững của MBS.

“BSH cam kết đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng”

Ông Lưu Thanh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)  

Năm 2016, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song với quyết tâm và nỗ lực của cán bộ nhân viên, BSH đạt mức tăng trưởng cao. Doanh thu cả năm đạt 570 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2015.

Trong năm nay, BSH đặt mục tiêu tăng trưởng 42%, tương đương với mức doanh thu 810 tỷ đồng và hướng tới chinh phục cột mốc “Doanh thu nghìn tỷ” chào mừng 10 năm thành lập Tổng công ty vào năm 2018.

Cùng với nỗ lực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, BSH cũng cam kết tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, an sinh xã hội.

Tin bài liên quan