HĐQT Eximbank vừa ra nghị quyết về việc tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2016 vào ngày 2/8/2016

HĐQT Eximbank vừa ra nghị quyết về việc tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2016 vào ngày 2/8/2016

Thị trường chờ đại hội Eximbank và Sacombank

(ĐTCK) Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng đã đi qua từ tháng 5, nhưng đến nay vẫn còn 2 nhà băng chưa tiến hành ĐHCĐ thường niên 2016. 

Eximbank đã 2 lần ĐHCĐ thất bại và dự kiến tiến hành ĐHCĐ bất thường vào ngày 2/8 tới, trong khi Sacombank dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 6 này.

HĐQT Eximbank vừa ra nghị quyết về việc tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2016 vào ngày 2/8/2016. Theo đó, tại Đại hội, Eximbank sẽ bầu thêm tối đa 3 thành viên HĐQT, thay vì bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT như tờ trình tại ĐHCĐ bất thường lần 2 vào ngày 24/5 vừa qua. Ngày chốt danh sách để cổ đông thực hiện các quyền đề cử, ứng cử vào HĐQT và quyền tham dự ĐHCĐ bất thường năm 2016 là ngày 9/6. Thời gian nhận hồ sơ ứng cử, đề cử từ ngày 17/6 đến hết ngày 30/6. Eximbank sẽ báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét chấp thuận nhân sự bầu bổ sung vào HĐQT, trước khi tiến hành bầu tại ĐHCĐ bất thường.

Sau khi thông báo về ngày tổ chức ĐHCĐ bất thường, một số kênh truyền thông cho biết, các cổ đông lớn của Eximbank sẽ gửi văn bản yêu cầu NHNN can thiệp vì cho rằng, sau 2 lần đại hội bất thành, Eximbank phải tổ chức lại đại hội lần 3, mà theo quy định là tối đa không quá 20 ngày kể từ Đại hội lần 2, tức là phải tổ chức ngay trong tháng 6. Tuy nhiên, Eximbank phải kéo dài thời gian tổ chức đến ngày 2/8, trong khi vẫn tổ chức ĐHCĐ bất thường là không đúng quy định.

Tuy nhiên, xét theo quy định tại Điều 94, Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015,  Eximbank cần công bố thông tin chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp trước 10 ngày. Trong khi Điều 31-2, Điều lệ của Eximbank quy định, ĐHCĐ chỉ được phép tiến hành ĐHCĐ ít nhất là 30 ngày, sau ngày chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp.

Theo một chuyên gia tài chính, Eximbank là ngân hàng đại chúng, niêm yết nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán. Eximbank chỉ có thể triệu tập ĐHCĐ sau 40 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Cụ thể, trong trường hợp HĐQT nhận được yêu cầu của nhóm cổ đông vào cuối ngày 3/6/2016, thời gian sớm nhất để HĐQT họp và quyết định triệu tập ĐHCĐ là ngày 6/6/2016. Theo trình tự quyết định này, thời gian sớm nhất để triệu tập ĐHCĐ sẽ là ngày 18/7/2016.

Trong khi đó, sau phiên họp ĐHCĐ ngày 24/5/2016, HĐQT đã quyết định triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường vào ngày 2/8/2016 và đã thực hiện việc công bố thông tin. Như vậy, trong trường hợp Eximbank có nghĩa vụ phải triệu tập họp theo yêu cầu của nhóm cổ đông nói trên, Eximbank sẽ phải tổ chức cả 2 cuộc họp ĐHCĐ vào ngày 18/7/2016 và chỉ 14 ngày sau đó là phiên họp ĐHCĐ bất thường (ngày 2/8/2016) theo Nghị quyết HĐQT. Trong khi, bên cạnh việc phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc triệu tập họp ĐHCĐ, HĐQT Eximbank cũng phải hành động vì lợi ích cao nhất của tất cả các cổ đông.

HĐQT Eximbank nhận thấy, việc triệu tập 2 cuộc họp ĐHCĐ cách nhau 14 ngày là chưa hề có trong lịch sử ngành ngân hàng. Chưa kể, Đại hội sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông của Eximbank và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Ngân hàng, bởi sự tốn kém, lãng phí về tài chính và nhân lực.

Sacombank cũng vừa công bố về việc đề cử, ứng cử nhân sự làm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2020 trong kỳ ĐHCĐ diễn ra tháng này. Cụ thể, số lượng thành viên HĐQT dự kiến là 9 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên Ban kiểm soát dự kiến là 3 thành viên, tất cả thành viên đều là thành viên chuyên trách.

Trước đó, Sacombank dự định xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020, dự kiến ban đầu là 5-7 thành viên. Tuy nhiên, sau đó, Sacombank lại xin hủy việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2020.

Sau khi xin được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, HĐQT Sacombank thống nhất báo cáo và xin phép các cơ quan quản lý cho phép Sacombank được tổ chức ĐHCĐ dự kiến trong tháng 6/2016, thay vì trong tháng 4/2016 theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, với lý do trong năm 2015, Sacombank đã thực hiện nhận sáp nhập SouthernBank và hiện tại Sacombank đang chờ hướng dẫn và phê duyệt Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của NHNN.

Eximbank và Sacombank đều là những ngân hàng có quy mô và đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì thế, ĐHCĐ của 2 nhà băng này đều được các cổ đông, các nhà đầu tư cũng như thị trường chờ đợi. Tuy nhiên, với những biến động nhân sự tại Eximbank trong thời gian qua, khả năng sẽ chưa hết căng thẳng trong kỳ Đại hội tới.        

Tin bài liên quan