Thị trường cần ngoại lực

Thị trường cần ngoại lực

(ĐTCK) Giới phân tích, tư vấn chứng khoán đang hết sức tập trung vào diễn biến của VN-Index mỗi ngày nhằm phỏng đoán khả năng chỉ số này có thể vượt ngưỡng 580 điểm hay không. Đây là mức kháng cự mà VN-Index đã nhiều lần không thể chinh phục được.

Trao đổi với ĐTCK, giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ, nếu thị trường chỉ quanh đi quẩn lại như hiện nay thì rất khó tăng điểm mạnh. Thị trường cần một ngoại lực tác động như việc niêm yết các doanh nghiệp lớn, các cơ chế giao dịch thông thoáng hơn để có động lực bứt lên. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này vẫn chưa có gì mới cụ thể trong vòng 6 tháng tới.

Chính xác là chưa thấy DNNN lớn nào lên niêm yết có thể thu hút được vốn ngoại, còn cơ chế giao dịch chứng khoán trên đường về hay mua bán cùng phiên còn phải chờ đợi khá lâu nữa mới có thể chính thức áp dụng.

Dòng vốn nội vẫn chạy qua chạy lại giữa các dòng cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Khi cổ phiếu dầu khí tăng thì cổ phiếu bất động sản đứng giá. Khi giá cổ phiếu dầu khí giảm thì cổ phiếu nguyên liệu cơ bản tăng giá và ngược lại. Không khó để thấy luồng tiền chạy quanh các cổ phiếu nhóm ngành và nhiều cổ phiếu cơ bản cứ dập dình tăng giảm giá theo biên độ hẹp.

Những cổ phiếu cơ bản, có P/E thấp, tiềm năng lợi nhuận tăng trưởng tốt như HSG, HPG cũng chỉ nhúc nhích nhẹ và tích lũy ở mặt bẳng giá hiện nay chứ khó bật tăng. Ngay các cổ phiếu dòng nhiệt điện đang được đánh giá cao vào thời điểm hạn hán cũng khó đạt được mức giá kỳ vọng của giới phân tích.

Sự phục hồi của giá nguyên vật liệu cơ bản được kỳ vọng sẽ là động lực tăng giá cho nhóm cổ phiếu ngành sản xuất. Tuy nhiên, trong chu kỳ giá lên, mới chỉ có nhóm doanh nghiệp đầu ngành được hưởng lợi, còn các doanh nghiệp thứ hạng dưới khó có tỷ suất lợi nhuận cao như thời điểm giá nguyên liệu bật tăng lại từ đáy, vì bán giá cao cũng phải mua nguyên liệu vào giá cao. Trong khi việc tích trữ nguyên liệu với những doanh nghiệp không làm chủ được thị trường rất mạo hiểm, bởi giá nguyên vật liệu cơ bản rất khó dự đoán.

Nền tảng kinh tế vĩ mô hiện nay là điểm tựa, tuy nhiên nhà đầu tư chưa nhìn thấy được sẽ có dòng tiền mới đổ vào thị trường. Chỉ hy vọng các cổ phiếu nới room, các DNNN lớn niêm yết sẽ kéo dòng vốn ngoại đổ vào, từ đó tạo niềm tin, kích thích nhà đầu tư nội bỏ tiền vào thị trường chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết cho biết, nhận được lời đề nghị từ các nhà đầu tư ngoại về việc đầu tư nâng sở hữu ở doanh nghiệp nếu room được nới thêm. Rõ ràng, thị trường tự thân khó có thể tạo động lực tăng trưởng mà cần thêm các ngoại lực bên ngoài.

Tin bài liên quan