Thị phần môi giới quý I, Top 3 vững tiến

Thị phần môi giới quý I, Top 3 vững tiến

(ĐTCK) Danh sách các CTCK trong Top 10 thị phần môi giới quý I/2016 trên HOSE đã được công bố, không thay đổi so với kết quả quý IV/2015.

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì Top 3 thị phần môi giới có sự tăng trưởng đáng kể, ở các Top dưới có sự thay đổi nhẹ về vị trí. Ngoại trừ một số CTCK có số lượng khách hàng tổ chức lớn thì đa phần các CTCK đều đang chạy đua mở rộng thị phần với công cụ cạnh tranh chính vẫn là lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin).

Nhìn vào thị phần môi giới trên HOSE có thể chia thành 3 khối: 3 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất liên tục trụ vững vị trí qua các quý, Top các CTCK có thị phần từ 4% trở lên và dưới 4%. SSI tăng thêm 1,04% thị phần, HSC tăng 1,22% thị phần và VCSC cũng gia tăng thêm 0,27%  thị phần so với quý liền kề. Đi cùng với sự gia tăng thị phần của các CTCK lớn là sự sụt giảm thị phần của các CTCK còn lại trong Top 10, mức giảm mạnh nhất thuộc về SHS, giảm 1,01%.

Đánh giá về mức độ cạnh tranh về nghiệp vụ môi giới, khi thị phần ngày càng tập trung vào một số CTCK lớn, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HOSE cho biết, số lượng CTCK đang giảm và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Những CTCK có vị trí xếp hạng thấp phải tự tái cấu trúc hoặc M&A với nhau. Có rất nhiều CTCK thành viên giao dịch rất ít, trong khi những CTCK lớn vẫn tiếp tục củng cố được vị thế thì việc gia tăng được thị phần là bình thường, không có gì đột biến.

Theo đánh giá của một chuyên gia, dịch vụ margin với lãi suất hấp dẫn giúp CTCK đạt giá trị giao dịch cao và đây cũng là công cụ cạnh tranh chính của các CTCK. Cần chú ý, thông thường, với những CTCK hàng đầu sẽ không cạnh tranh bằng lãi suất, mà câu chuyện chính ở những CTCK này lại là lượng khách hàng tổ chức lớn hơn hẳn so với các CTCK còn lại. Đối với khách hàng tổ chức, họ quan tâm nhiều tới vấn đề bảo mật, hệ thống khuyến nghị báo cáo, tư vấn khách hàng… nên những CTCK hàng đầu thường có được giá trị giao dịch lớn và rất ổn định, mặc dù nếu so với lãi suất và phí giao dịch vẫn chưa thuộc hàng hấp dẫn trên thị trường.

Thị phần môi giới quý I, Top 3 vững tiến ảnh 1

Thông qua một số môi giới và công bố biểu phí của CTCK, có thể thấy, tại SSI, lãi suất margin 14,2%/năm, phí giao dịch chung là 0,35%. Trong trường hợp có các giao dịch lớn thì lãi suất margin có thể 9,8-10%/năm, còn với phí giao dịch phải từ 5 tỷ đồng/tháng có thể được áp dụng mức phí 0,25%. Với HSC, lãi suất margin khoảng 0,04%/ngày, phí giao dịch tính theo giá trị giao dịch trong ngày, dao động từ 0,15 - 0,35%, tương ứng với mức giao dịch trên 1 tỷ đồng – dưới 100 triệu đồng. Tại VCSC, với hợp đồng margin, repo, lãi suất được áp dụng là 0,037%/ngày.

Vị này cũng nhận định, những CTCK từ Top 4 trở xuống thường cạnh tranh bằng margin nhiều hơn. Nhìn vào biểu phí giao dịch, đa phần các CTCK áp dụng chung từ 0,15 - 0,35%, tuy nhiên, lãi suất margin đã bắt đầu có sự phân cấp. Tương đối hấp dẫn trên thị trường (dựa trên công bố mức lãi suất chung, không áp dụng trường hợp khách hàng VIP, thương vụ lớn) thuộc về KIS Việt Nam với mức lãi suất 9,9%/năm. Sau khi tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng, KIS đã có sức bật đáng kể khi ghi tên trên bảng thị phần từ quý IV/2015 và tiếp tục tăng một bậc lên vị trí thứ 7 trong quý I vừa qua. Đối với MBS, lãi suất margin áp dụng chung là 13%/năm, tuy nhiên, theo nguồn tin của ĐTCK, với khách hàng lớn có thể áp dụng lãi suất 11,5-11,7%/năm, riêng với các deal lớn thì có thể xoay quanh 10%/năm. Tại ACBS, lãi suất chung là 14%/năm, đối với khách VIP có thể là 11%/năm.

Rõ ràng, với việc có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thị phần cho thấy giá trị giao dịch thông qua CTCK cao, tương ứng với đó là nguồn tiền cho vay tài chính cũng phải tương xứng. Giám đốc môi giới CTCK cho biết, khi hai chỉ tiêu này cao thì đi đôi với lợi nhuận của CTCK sẽ gia tăng. Trong trường hợp, một số CTCK không có sự gia tăng doanh thu môi giới tương ứng với doanh thu margin có thể được lý giải do CTCK đó cạnh tranh bằng cách phá giá phí môi giới. Vị này cho biết, mức phí giao dịch thấp nhất (không áp dụng cho tất cả khách hàng) hiện là 0,15%, nhưng cũng có CTCK sẵn sàng đưa ra mức phí 0,12% để thu hút khách hàng. Đương nhiên, hệ lụy của việc này là thị phần có thể nhích lên nhưng doanh thu môi giới lại không tăng bao nhiêu. Ngoài ra, cũng có trường hợp CTCK ngoài cạnh tranh bằng lãi suất margin, phí môi giới, còn đưa ra tỷ lệ ký quỹ cao.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chuyên gia, việc có mặt trong bảng xếp hạng thị phần là lợi thế của CTCK, ngoài việc giúp gia tăng doanh thu môi giới, doanh thu từ margin… thì thuận lợi hơn trong việc tiếp tục thu hút khách hàng, đặc biệt như khách hàng lớn bởi những NĐT chuyên nghiệp, những khách hàng lớn khi lựa chọn CTCK để sử dụng dịch vụ luôn để ý đến yếu tố thị phần. Có lẽ cũng vì đó, cuộc đua về thị phần môi giới vẫn luôn sôi động.          

Tin bài liên quan