Khách hàng cá nhân đang là phân khúc giúp một số công ty chứng khoán hàng đầu giữ thứ hạng thị phần

Khách hàng cá nhân đang là phân khúc giúp một số công ty chứng khoán hàng đầu giữ thứ hạng thị phần

Thị phần môi giới: Đua trong phân khúc khách hàng cá nhân

(ĐTCK) Quý I/2017, Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn, đến 69,89% trên sàn HOSE. Dẫn đầu về thị phần vẫn là SSI, HSC và VCSC, nhưng từ vị trí thứ 4 trở xuống có sự thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện của gương mặt mới - Chứng khoán Artex.

Nhìn lại vài năm trước, thị phần giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chứng khoán lớn như Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)… khá lớn, góp phần vào việc nâng cao thứ hạng thị phần của các công ty này.

Điều này không quá khó hiểu khi giao dịch nhà đầu tư nước ngoài thường chiếm 13 - 15% giao dịch toàn thị trường hàng năm. Tuy nhiên, đóng góp chính vào sự gia tăng thị phần tại một số công ty chứng khoán hiện đã có sự dịch chuyển sang nhà đầu tư cá nhân.

Thị phần của SSI trên HOSE quý vừa qua đạt 14,12%, tăng 1,78% so với quý trước. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT cho biết, sự tăng trưởng thị phần quý I/2017 của SSI là nhờ phân khúc nhà đầu tư cá nhân. Trước đây, SSI từng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài là quan trọng nhất nhưng từ sau khi tái cấu trúc (năm 2009), Công ty bắt đầu chú trọng đến đối tượng khách hàng này và đến nay, SSI dựa vào môi giới cá nhân để giữ thị phần.

Tính đến cuối năm 2016, SSI có hơn 100.000 tài khoản khách hàng, chiếm 5,9% số lượng tài khoản nhà đầu tư trên toàn thị trường, tăng 25% so với năm 2015. Kết thúc quý I/2017, SSI đạt doanh thu công ty mẹ 534 tỷ đồng, trong đó doanh thu môi giới đạt 115 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Đi kèm với sự tăng trưởng về môi giới là sự tăng trưởng về dư nợ cho vay ký quỹ, đạt hơn 3.841 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu đạt hơn 112,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 263 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị phần môi giới của HSC trong quý này có sự sụt giảm nhẹ, đạt 10,59%. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC cho biết, Công ty không cấp margin cho một số mã chứng khoán không có những yếu tố cơ bản tốt đã mang thị phần cao cho một số công ty chứng khoán khác. Do vậy, nếu tính chính xác và phản ánh đúng thị phần của HSC thì cần loại trừ những giao dịch bất thường, khoảng 15 - 20% giá trị giao dịch thị trường. “Với HSC, Công ty không chạy theo thị phần bằng mọi giá”, ông Johan nói.

Năm 2017, giả định thị trường giao dịch bình quân là 3.600 tỷ đồng/ngày, HSC đặt kế hoạch doanh thu 1.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 361 tỷ đồng. Mảng đóng góp lớn nhất là môi giới và cho vay margin, lần lượt chiếm 45% và 41% tổng doanh thu.

Xét cơ cấu theo từng phòng kinh doanh thì phòng môi giới khách hàng cá nhân đóng góp đến 66% tổng doanh thu, trong khi phòng môi giới khách hàng tổ chức đóng góp 21%. Về mục tiêu thị phần, HCM đặt mục tiêu 12,3% tăng 1,1% so với năm 2016, trong đó thị phần khách hàng cá nhân/toàn thị trường là 7,9% (năm 2016 là 7,1%); khách hàng tổ chức/toàn thị trường là 4,3% (năm 2016 là 3,9%).

Kết thúc quý I, Công ty đạt gần 218 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu môi giới 94,5 tỷ đồng, Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng 25%, đạt 91,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Cuối quý I, HSC cho vay ký quỹ và cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán với tổng giá trị 3.029 tỷ đồng.

Đối với VCSC, tập trung vào năng lực lõi và cũng là thế mạnh là hoạt động tư vấn khách hàng tổ chức, theo đó, thị phần môi giới của Công ty cũng được đóng góp nhiều bởi khách hàng tổ chức. Thị phần VCSC trong quý I tăng nhẹ lên 7,68%. Năm 2016, lợi nhuận Công ty tăng khá mạnh là nhờ một số thương vụ tư vấn cho các công ty như Novaland, Vietjet, BigC, F&N…

Mảng dịch vụ đầu tư của VCSC đã tăng trưởng 168% trong năm 2016. Trong năm 2017, VCSC định hướng sẽ tiếp tục phát triển mảng khách hàng tổ chức, đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết và hỗ trợ về chiến lược, nguồn vốn...

Có sự bứt phá trong quý I là BVSC, với thị phần 7%, tăng mạnh 4,25% so với quý trước, giúp Công ty nhảy từ vị trí thứ 7 lên thứ 4 trong quý này. Theo BVSC, tính đến cuối năm 2016, BVSC có 45.000 tài khoản cá nhân. Nhà đầu tư cá nhân cũng là nhân tố góp phần giúp Công ty lọt Top 10 thị phần môi giới các quý. Tuy nhiên, Công ty cũng đang đẩy mạnh khách hàng tổ chức.

Trong năm 2016, BVSC đã mở mới 27 tài khoản tổ chức nước ngoài và 12 tài khoản tổ chức trong nước. Doanh thu từ nhóm này đạt hơn 25 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2015, thị phần chiếm 15% trong tổng thị phần chung của Công ty. Kết thúc quý I, BVSC đạt 83,7 tỷ đồng doanh thu hoạt động, trong đó doanh thu môi giới hơn 46 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 26 tỷ đồng.

Trong Top 10 thị phần HOSE quý I có sự xuất hiện gương mặt mới, Chứng khoán Artex với thị phần 3,52%. Điều này góp phần đẩy doanh thu môi giới của Artex đạt 19,3 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số vỏn vẹn hơn 451 triệu đồng cùng kỳ. Lãi sau thuế quý I của Công ty đạt hơn 17 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực so với số lỗ 2,76 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.     

Tin bài liên quan