Ngày 15/12, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM

Ngày 15/12, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM

Thêm nhiều hàng mới, mở rộng cơ hội chọn lựa

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, có nhiều hồ sơ đăng ký niêm yết mới đang được xử lý tại Sở. 

Xu hướng niêm yết dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2018, đặc biệt là các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, khi quy định pháp lý đã gắn hoạt động đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán đồng thời với việc đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp và thời gian làm thủ tục được rút ngắn.

Điểm danh hàng mới

Trên sàn HOSE, tính đến ngày 13/12, có 20 công ty nộp hồ sơ niêm yết mới (3 công ty muốn niêm yết trái phiếu, còn lại là niêm yết cổ phiếu), có 2 công ty chờ bổ sung hồ sơ và 1 công ty vừa được chấp thuận chính thức. Doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong danh sách trên là Ngân hàng HDbank với khối lượng đăng ký niêm yết gần 883 triệu cổ phiếu.

Cùng với đó, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam dự kiến sẽ chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE với khối lượng 266,8 triệu cổ phiếu. Tiếp đến là Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức với dự kiến đưa lên sàn 100 triệu cổ phiếu.

Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn muốn niêm yết 40,4 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco dự kiến niêm yết 36 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ dự kiến niêm yết 42,6 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) nộp hồ sơ niêm yết 52,4 triệu cổ phiếu.

Trên HNX, sàn UPCoM vừa chào đón cổ phiếu TVW của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Trà Vinh, cổ phiếu HNI của May Hữu Nghị (giá tham chiếu 43.100 đồng/CP) và cổ phiếu NPS của May Phú Thịnh Nhà Bè lên giao dịch. Dự kiến, ngày 15/12, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, sau hơn 1 năm IPO, sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, với mã chứng khoán MIE, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.100 đồng/cổ phiếu.

Năm 2018: Cơ hội chọn lựa rộng mở

TTCK Việt Nam năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục sôi động khi quy mô thị trường ngày càng lớn, nhờ nhiều doanh nghiệp lên sàn và hoạt động thoái vốn nhà nước tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ và cụ thể trong các văn bản pháp lý. 

Nếu như trước đây, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định các doanh nghiệp sau đấu giá phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày (kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) thì nay quy trình đơn giản hơn nhiều.

Thông tư số 115/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, các doanh nghiệp nhà nước đăng ký đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ phải đồng thời đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Theo đó, trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, cổ phiếu của doanh nghiệp có thể hiện diện trên sàn UPCoM để thêm sự lựa chọn cho các dòng vốn.

Bên cạnh các doanh nghiệp khủng lên sàn UPCoM vừa qua như Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Thương mai Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, thì quý I/2018, dự kiến cả 3 doanh nghiệp “bự” thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ chào bán cổ phần và lên sàn, gồm Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, một trong ba doanh nghiệp họ dầu khí đang muốn niêm yết thẳng cổ phiếu trên HOSE, nhưng doanh nghiệp có được bỏ qua giai đoạn "tập sự" trên UPCoM hay không vẫn còn chưa rõ ràng.

Quý I/2018 cũng sẽ chứng kiến hàng loạt các đợt bán vốn nhà nước tại Tập đoàn Cao su (VRG), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (vốn điều lệ hơn 13.000 tỷ đồng), Tổng công ty Phát điện 3 - Genco3 (vốn điều lệ gần 8.700 tỷ đồng)… Khi những doanh nghiệp khủng này hoàn tất bán vốn, việc lên sàn là bước đi đã được luật định, nên TTCK năm tới chắc chắn sẽ có nhiều hàng.

Vấn đề với nhà đầu tư là nên chọn mua hàng gì trong hàng nghìn mã cổ phiếu để dễ có lãi? Nhiều công ty chứng khoán như MBS, VNDS… đã phát triển dịch vụ tư vấn theo hướng "may đo" hợp với khẩu vị của người có tiền, nên nhà đầu tư sẽ không phải “tự bơi” trong biển cổ phiếu.

Trên bình diện chung toàn thị trường, điểm tích cực là khi hàng lớn xuất hiện thì tăng sức hút với các dòng tiền lớn, với hy vọng “cuộc chơi” chứng khoán sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp hơn, người chơi trưởng thành hơn.             

Tin bài liên quan