Sàn UPCoM khó có thể hỗ trợ SAGS thực hiện mục tiêu tăng thêm vốn để mở rộng đầu tư sau khi niêm yết

Sàn UPCoM khó có thể hỗ trợ SAGS thực hiện mục tiêu tăng thêm vốn để mở rộng đầu tư sau khi niêm yết

Thêm một doanh nghiệp muốn niêm yết thẳng

(ĐTCK) CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) đang lên kế hoạch niêm yết thẳng trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), bỏ qua sàn UPCoM. Thành công của Đạm Cà Mau đang trở thành kinh nghiệm tham khảo cho nhiều DN khác, nhất là các DNNN sau cổ phần hóa có quy mô vốn lớn.

SAGS có vốn điều lệ 140,5 tỷ đồng, tổ chức IPO vào đầu tháng 12/2014 với mức giá trúng bình quân rất cao, đạt gần 45.000 đồng/cổ phiếu. Trong cơ cấu cổ đông của DN hiện nay, ngoài Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sở hữu 55,51% cổ phần, còn có nhiều tổ chức chuyên nghiệp như SSI, Vietjet, Hoàn Lộc Việt… Theo quy định, SAGS phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 3/2015. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, DN muốn niêm yết thẳng và đang triển khai các thủ tục để niêm yết trên sàn HOSE.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, họ ủng hộ SAGS bởi trên thực tế, DN niêm yết trên HOSE sẽ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt của DN niêm yết, với những yêu cầu khắt khe hơn về quản trị DN và minh bạch thông tin. Nếu DN đã muốn ra “chợ” lớn và bản thân họ đáp ứng đủ các điều kiện, không có lý do gì ngăn cản họ.

“Việc này cũng giống như một cậu bé đến tuổi học lớp 3 nhưng có khả năng học thẳng lên lớp 5. Chẳng lẽ cứ cứng nhắc bắt cậu phải khổ sở trong 2 năm nữa”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bình luận.

Nếu đi theo cách tương tự như Đạm Cà Mau, SAGS sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đại diện cơ quan quản lý ngành cho hay, họ sẵn sàng thể hiện quan điểm và đề xuất trường hợp của DN lên Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm này, các thủ tục bàn giao vốn tại DN đã hoàn tất. Các cổ đông đều đồng thuận đưa DN niêm yết thẳng thay vì phải đi vòng qua sàn UPCoM.

Câu chuyện của Đạm Cà Mau và SAGS cho thấy, việc bắt buộc DN chọn sàn sau IPO dường như không khả thi. Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói rằng, DN muốn ra chợ lớn là bởi thực sự mong muốn thu hút được thêm các nguồn lực đại chúng, có thêm nhiều con mắt giám sát để bản thân mình tốt hơn. Ngay trong phương án cổ phần hóa của Đạm Cà Mau, đã đặt ra mục tiêu niêm yết trên HOSE một cách rõ ràng. Với trường hợp của SAGS, sau khi niêm yết, DN có kế hoạch huy động thêm vốn để mở rộng đầu tư. Sàn UPCoM khó có thể hỗ trợ cho DN thực hiện mục tiêu này.

Không phải đến giờ chuyện niêm yết thẳng mới là chủ đề được các DN quan tâm. Trong các cuộc họp về đổi mới DN gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp rằng, sẽ giảm vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ xuống mức thấp nhất. Trên thực tế, phương án cổ phần hóa các DNNN gần đây đã có những bước tiến dài trong quan điểm về cơ cấu sở hữu sau cổ phần hóa. Tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại nhiều DN đã giảm xuống dao động 36 - 40%, thậm chí là thoái hết cổ phần. Với nhiều DN sau cổ phần hóa, tính đại chúng rất rõ ràng khi trong cơ cấu cổ đông có hàng trăm nhà đầu tư cá nhân và có nhiều tổ chức. Tổng giám đốc một CTCK lớn cho rằng, khi cổ đông đa dạng, đặc biệt có các nhà đầu tư bên ngoài tham gia bỏ vốn, DN rất khó để có thể không tôn trọng cổ đông, thiếu minh bạch thông tin và áp dụng các thông lệ quản trị công ty lạc hậu. Hơn nữa, khi DN đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, theo đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp, ĐHCĐ mới có quyền lực cao nhất, quyết định mọi vấn đề quan trọng của DN, trong đó có việc chọn sàn niêm yết cổ phiếu.

“Sau khi DN lên niêm yết, càng có thêm nhiều con mắt giám sát việc DN có tôn trọng cổ đông, tôn trọng các thành viên thị trường và minh bạch trong hoạt động. Nhu cầu từ thực tiễn cho thấy, Bộ Tài chính, UBCK nên sớm có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ để DN được tự chọn sàn”, vị tổng giám đốc CTCK bày tỏ quan điểm.  

Tin bài liên quan