Thêm cơ hội với cổ phiếu điện trên UPCoM

Thêm cơ hội với cổ phiếu điện trên UPCoM

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu điện trên sàn UPCoM vừa đón nhận hai tân binh là VPD (CTCP Phát triển điện lực Việt Nam) và KIP (CTCP Khí cụ điện 1). Nhà đầu tư có thêm lựa chọn khi ngành điện được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới.

Ngày 12/4 vừa qua, cổ phiếu VPD chào sàn UPCoM với mức giá khởi điểm là 11.000 đồng/CP.

VPD là đơn vị thành viên liên kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Công ty hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông tập trung. Ba cổ đông có vốn góp lớn nhất tại VPD gồm Tổng công ty Phát điện 1 (36,64%), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (10,61%) và CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (12,36%). Hoạt động chính của VPD là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Doanh thu bán điện thành phẩm của VPD đến từ 3 nhà máy thủy điện mà Công ty đang quản lý vận hành là Nậm Má, Bắc Bình và Khe Bố.

Thêm cơ hội với cổ phiếu điện trên UPCoM ảnh 1 

Năm 2015, VPD đạt doanh thu 440,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 43,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,1% và 3,3% so với năm 2014. Theo VPD, việc doanh thu và lợi nhuận năm 2015 sụt giảm là do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu Elnino, lượng nước tích trữ của các hồ thủy điện thấp, sản lượng điện giảm mạnh so với các năm trước.

Cùng lên UPCoM một ngày với VPD là cổ phiếu KIP. Giá tham chiếu của cổ phiếu này trong ngày chào sàn là 19.500 đồng/CP. KIP là công ty con của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). KIP hiện có vốn điều lệ 45,6 tỷ đồng sau đợt tăng vốn gần nhất vào đầu năm nay, trong đó Gelex nắm 49,24% cổ phần. KIP hiện đang cung ứng các dòng sản phẩm chính là dây và cáp điện, sản phẩm hàng dân dụng và sản phẩm hàng công nghiệp.

Dù sản lượng tiêu thụ khá ổn định, nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh của KIP cũng có những đặc thù. Theo KIP, do giá nguyên vật liệu đầu vào biến động theo giá xăng dầu trên thế giới, trong khi chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng trên 70% giá thành sản phẩm, nên đầu ra của Công ty cũng liên tục biến động. Với việc chủ yếu bán hàng qua hệ thống và nhà phân phối nên chi phí marketing và chi phí hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của KIP tương đối thấp. Năm 2015, chi phí bán hàng chỉ chiếm 2% doanh thu của KIP. 

Quy mô vốn nhỏ, nhưng hiệu quả kinh doanh của KIP ổn định ở mức khá tốt. Trong 2 năm 2014 và 2015, doanh thu thuần của KIP đạt lần lượt 265,3 tỷ đồng và 285,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 12,1 và 12,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 3 năm liền (2013, 2014, 2015), Công ty đều trả cổ tức 20%. Năm nay, KIP đặt kế hoạch doanh thu 297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,6 tỷ đồng và cổ tức dự kiến vẫn là 20%.

Như vậy, với việc đón thêm hai tân binh, nhóm cổ phiếu điện trên sàn UPCoM đã có 12 thành viên; trong đó, có 9 cổ phiếu trong lĩnh vực cung cấp điện là DTV, GHC, GSM, HPD, ISH, ND2, PIC, QPH, VPD; 3 cổ phiếu thuộc mảng cung ứng linh kiện, thiết bị điện, là TBD, GEX, KIP.

Không kể tới “ngôi sao” UPCoM một thời là NT2, thì nhóm cổ phiếu điện khá hấp dẫn nhà đầu tư. Lên giao dịch từ tháng 10/2015, cổ phiếu GEX từng gây “choáng” với thị trường khi có màn khớp lệnh kỷ lục hơn 122 triệu cổ phiếu (giao dịch thoái vốn của Bộ Công thương) trong phiên sáng ngày 25/12/2015. Năm 2015, GEX đạt doanh thu thuần xấp xỉ 1.350,1 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2014; lợi nhuận sau thuế đạt 249,65 tỷ đồng, hoàn thành vượt 6,23% kế hoạch năm. Năm 2016, GEX đặt kế hoạch 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, chia cổ tức 10%. Thanh khoản của GEX luôn thuộc top đầu thị trường, từ vài trăm nghìn đến trên 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Còn với GHC, năm 2016, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 141,36 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 81,83 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,87% và 33% so với kết quả thực hiện năm 2015. Công ty cũng dự kiến chi cổ tức 30%.

TBD cũng có mức tăng giá mạnh từ đầu 2016 đến nay, từ mức 37.100 đồng/CP lên 55.300/CP khi kết thúc phiên giao dịch 14/4.

Nhóm cổ phiếu ngành điện trên UPCoM được đánh giá sẽ hưởng lợi trong thời gian tới. Theo phân tích của CTCK MB (MBS), tốc độ tốc độ tăng trưởng điện phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. So sánh tương quan giữa tăng trưởng tiêu thụ điện năng và tăng trưởng GDP giai đoạn trước, MBS dự báo, tăng trưởng tiêu thụ điện năng trong năm 2016 sẽ cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (6,7-7%).

Đặc biệt, trong giai đoạn này, GDP tăng trưởng chủ yếu nhờ vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, trong khi lĩnh vực này chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức tiêu thụ điện năng của cả nước. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện hộ gia đình (chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, trên 40%) cũng sẽ gia tăng, một mặt nhờ đà phục hồi của nền kinh tế, mặt khác là mạng lưới truyền tải điện được nâng cấp và mở rộng. Tuy nhiên, DN ngành điện có đặc thù về giá mua - bán với EVN, nên “độ sáng” của hàng hóa này còn phụ thuộc rất lớn vào giá mà EVN chấp thuận giao dịch.      

Tin bài liên quan