Thế khó của các CEO

Thế khó của các CEO

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang đứng trước một bài toán khó, đó là hài hòa quyền lợi của các nhóm cổ đông.
 

Cổ đông nước ngoài đến hạn thoái vốn, muốn quy tất cả “của để dành” từ trước tới nay để chia, đồng thời muốn lãnh đạo doanh nghiệp bằng nhiều cách đẩy giá cổ phiếu lên cao. Cổ đông nhà nước, vì thành tích, trước bàn dân thiên hạ, trước cơ quan quản lý cấp trên, cũng muốn doanh nghiệp chia cổ tức, chia cổ phiếu thưởng thật cao.

Ðối với người lao động trong doanh nghiệp, là tác nhân tác động trực tiếp đến hiệu quả doanh nghiệp, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chiến lược phát triển dài hạn của Công ty, nếu không chú ý đến quyền lợi của họ, khả năng tiến thêm những bước dài, chinh phục những đỉnh cao mới cũng khó như “hái sao trên trời”.

Nếu lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu nhiều cổ phiếu nhất, có thể “cầm cân nẩy mực” mọi vấn đề, sẽ chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu lãnh đạo doanh nghiệp đơn thuần là người đại diện vốn của cổ đông nhà nước, họ sẽ ở thế vô cùng khó khăn. Hành động sao để hài hòa quyền lợi của các nhóm cổ đông, người lao động, đồng thời vì sự phát triển dài hạn, bền vững của doanh nghiệp, không hề đơn giản.

Không ít CEO (tổng giám đốc) các doanh nghiệp thành công trên thương trường đã chia sẻ triết lý rằng, yếu tố để thành công chính là nhân viên. Nếu nhân viên không được đáp ứng đủ điều kiện để họ có tình yêu và đủ cống hiến với công ty, thì doanh nghiệp không thể phát triển bền vững.

“Không thực, khó vực được đạo”, bởi vậy, nếu quá “chiều” các cổ đông lớn mà không đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp khó có thể thành công. Ðây chính là điểm dễ gây ra mâu thuẫn nhất nếu CEO của doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nước không khéo dung hòa.

Câu chuyện trên cũng đặt ra vấn đề lớn ở không ít doanh nghiệp Việt hiện nay là tầm nhìn của cổ đông nhà nước. Có những quy tắc chung nào để ứng xử trong những trường hợp này, những căn cứ nào đủ thuyết phục để cổ đông nhà nước bỏ phiếu vì lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp? Thật khó để phân định, thậm chí đôi khi lá phiếu lại phụ thuộc vào ý chí và cảm tính của một vài nhân vật chủ chốt.

Những mâu thuẫn nảy lửa từ một vài cá nhân, dẫn đến những hành xử trái với thông lệ quản trị hiện đại ở cổ đông nhà nước, hoặc cổ đông tổ chức nước ngoài ở một số cuộc họp đại hội đồng cổ đông trước đây đã cho thấy điều đó.

Trên thực tế, chính sách ESOP của một vài công ty niêm trên HOSE cũng đã gây nhiều tranh cãi cho cổ đông khi một lượng lớn cổ phần được phát hành qua kênh này, gây pha loãng cổ phiếu. Song thực tế cũng cho thấy, những doanh nghiệp đó đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và xây dựng được văn hóa doanh nghiệp đặc sắc. Ðây là “động lực mạnh mẽ” để đội ngũ nhân viên thêm gắn bó với công ty và chiến đấu chinh phục những đỉnh cao mới. 

“Ðường dài mới biết ngựa hay”. Không chỉ CEO của doanh nghiệp thấm thía câu nói này, mà những cổ đông xác định giữ vốn dài hạn ở doanh nghiệp, những người cần sự thành công bền vững của doanh nghiệp, cần nhìn nhận khách quan để dung hòa các mối lợi ích, kết hợp hiệu quả các nguồn lực và mở rộng khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan