Việc thoái vốn của Samco khỏi HAX khiên cổ phiếu công ty này liên tục tăng trần

Việc thoái vốn của Samco khỏi HAX khiên cổ phiếu công ty này liên tục tăng trần

Thấy gì trước sự “hút-xả” cổ phần mùa đại hội đồng cổ đông?

(ĐTCK) Thay đổi tỷ lệ cổ phần tại các doanh nghiệp niêm yết là điều bình thường, song việc “hút-xả” cổ phần sẽ bị “soi” kỹ hơn khi mà thời điểm đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sắp diễn ra.

Từ việc thu gom…

Cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA) đang gây chú ý trên thị trường khi gần đây, lãnh đạo Công ty đã đồng loạt đăng ký mua vào cổ phần.

Đơn cử, ông Nguyễn Lê Trung, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AAA tiếp tục đăng ký mua 100.000 cổ phiếu AAA nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,5% lên 9,7%, tương đương hơn 4,8 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 11/3 đến 8/4.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT AAA, ông Phạm Ánh Dương cũng liên tục đăng ký mua cổ phiếu của Công ty. Tính đến 4/3, ông Dương đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 14,46%, tương đương 7,2 triệu cổ phiếu.

Đây đều là các cổ đông nội bộ nắm những thông tin trọng yếu của doanh nghiệp niêm yết. Do đó, việc tích cực thu gom cổ phần của những cổ đông này thường tạo ra sự ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp, cũng như gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Hơn nữa, các lãnh đạo đều tích cực mua cổ phiếu tại thời điểm trước khi ĐHCĐ diễn ra (ngày 19/3) và kế hoạch kinh doanh năm 2016 đã được lãnh đạo Công thông qua với mức lãi ròng 100 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với mức thực hiện trong  năm 2015 và cổ tức dự kiến từ 10-15%, cao hơn mức 7% của năm 2015. 

CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGP) dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào ngày 26/3 tới và tại thời điểm ngày 3/3, một cá nhân là Nguyễn Vũ Lê đã hoàn tất việc mua cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 5,25%. Với tỷ lệ đó, nhà đầu tư này đã trở thành cổ đông lớn của VGS và có quyền được giới thiệu vào HĐQT.

Tuy nhiên, với những thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần giữa cổ đông lớn là công ty mẹ và công ty con thì dường như không tác động nhiều đến thị trường, bởi đó thường là hoạt động tái cơ cấu tại các công ty con.

Ví dụ, trong khoảng thời gian từ 8/3  đến ngày 6/4, Tập đoàn Vingroup - CTCP (VIC) đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu của CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội (NHN) nhằm mục đích tái cơ cấu sở hữu trong công ty con. Trước giao dịch, VIC đang sở hữu 187,8 triệu cổ phần NHN, tương đương tỷ lệ sở hữu 93,9%.

CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cũng vừa đăng ký chuyển nhượng hơn 27 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư cầu đường CII - CII B&R (LGC) từ 14/3 đến 14/4 để thực hiện quyền hoán đổi trái phiếu do CII phát hành cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC).

Theo đó, hình thức chuyển nhượng là thông qua hệ thống chuyển nhượng quyền của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Dự kiến sau giao dịch, CII chỉ còn sở hữu gần 130 triệu cổ phiếu LGC, tương ứng tỷ lệ 67,36% so với mức 81,5% trước giao dịch và MPTC sẽ sở hữu 57,3 triệu cổ phiếu LGC, ứng với tỷ lệ 26,7%. 

… đến đẩy bán

Dự kiến từ 10/3 đến 8/4, ba quỹ đầu tư thuộc VinaCapital sẽ bán ra 7 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH).

Cụ thể, VOF Investment Limited và Asia Value Investment Limited đã đăng ký thoái toàn bộ số cổ phần KDH đang nắm giữ, lần lượt là 3,83 triệu và 1,38 triệu cổ phần, trong khi Vietnam Investment Holdings Limited đăng ký bán ra 1.784.300 cổ phần.

Nếu giao dịch thành công, Vietnam Investment Holdings Limited sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,4% xuống 0,41%. Trước đó, nhiều cổ đông nội bộ KDH cũng đã thực hiện một loạt giao dịch bán ra, tổng cộng là 851.300 cổ phần.

Không chỉ các cổ đông tổ chức, mà ngay cả các cá nhân cũng tranh thủ điều kiện này để đẩy bán cổ phần. Theo đó, dự kiến từ 11/3 đến 7/4, ông Vũ Song Hà đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (ACM) mà ông đang sở hữu, tương ứng 3,92% vốn của ACM, bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Thông thường, phần lớn các thương vụ thoái vốn quy mô lớn được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận, bởi điều này ít gây áp lực trực tiếp lên thị trường. Tuy nhiên, đối với những giao dịch thông qua việc khớp lệnh lại có sức ảnh hưởng rất lớn.

Đơn cử như trường hợp tại CTCP Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (HAX). Trước đó, từ 1/2 đến 1/3, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) đã thực hiện bán ra toàn bộ 3,63 triệu cổ phiếu HAX mà tổ chức này nắm giữ, tương ứng 32,63% lượng cổ phiếu lưu hành qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Samco đã thu về khoảng 50 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn khỏi HAX. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau thời điểm Samco thoái hết vốn, cổ phiếu HAX đã có nhiều phiên liên tiếp tăng trần. 

Tin bài liên quan