Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự…
Bộ luật Hình sự 2015 có 4 điều quy định về các trường hợp xử lý hình sự trong vi phạm lĩnh vực chứng khoán, bao gồm các tội danh: Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211) và làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212), với mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, nếu cá nhân thực hiện hành vi thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên, mới thuộc phạm vi điều chỉnh.
Cụ thể, cá nhân thực hiện một trong các hành vi được định nghĩa trong nhóm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán và thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (trường hợp 1).
Trong trường hợp thực hiện hành vi thao túng giá có tổ chức, hoặc mức thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên, hay người tái phạm nguy hiểm..., thì mức phạt sẽ từ 2-4 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2-7 năm (trường hợp 2).
Ngoài các mức phạt trên, cá nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán còn có thể bị phạt tiền từ 50-250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Đối với pháp nhân có hành vi thao túng giá, nếu rơi vào quy định của trường hợp 1 thì bị phạt tiền từ 2-5 tỷ đồng; nếu rơi vào trường hợp 2 thì phạt từ 5-10 tỷ đồng. Trường hợp hành vi vi phạm Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 (như ảnh hưởng tới tính mạng nhiều người; an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả) thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Mức xử phạt bổ sung đối với pháp nhân là có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm, hoặc cấm huy động vốn trong thời gian từ 1-3 năm.
… nhưng không dễ phạt tù
Đối với lĩnh vực kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng, việc có nên xử lý hình sự hay không vẫn còn là một vấn đề phải bàn luận khi nhiều quan điểm cho rằng, không nên xử lý hình sự các vi phạm kinh tế.
Với quy định hiện hành, việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên cho các lỗi trong lĩnh vực chứng khoán (không chỉ là thao túng) cũng sẽ bị xử lý hình sự. Đây là con số không quá lớn trong quy mô giao dịch hiện nay, nhưng để xử lý hình sự lại không dễ.
Điều này trước hết ở việc thời gian để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn. Báo cáo định kỳ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ.
Tiếp đó là cách tính giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư. Việc đưa ra công thức tính về khoản thu nhập bất chính mới được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại Quyết định số 201/QĐ-UBCK ngày 3/3/2014 quy định về phương pháp tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hoặc hành vi giao dịch nội bộ.
Tuy nhiên, quyết định này theo Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hiện đã hết hiệu lực. Thêm vào đó, bản thân Quyết định 201 có được coi là căn cứ pháp lý để tính mức thu lợi trong xử lý hình sự hay không vẫn là điều chưa rõ ràng.