Ông Lê Hải Trà

Ông Lê Hải Trà

Thanh khoản - thước đo tính cạnh tranh của Sở GDCK

(ĐTCK) Trong điều kiện môi trường kinh doanh có nhiều biến động đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của các chiến lược đầu tư đa dạng trên nền tảng công nghệ máy tính và viễn thông tiên tiến, các tổ chức đầu tư toàn cầu đã tạo ra sự dịch chuyển nhanh của các dòng vốn đầu tư.

Theo đó, tính thanh khoản càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TTCK trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trên thế giới. Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có những chia sẻ xung quanh tính thanh khoản của TTCK Việt Nam.

Thưa ông, vì sao nói đến tính cạnh tranh của Sở GDCK thì thanh khoản được coi là ưu tiên số 1?

Nói đến Sở GDCK là nói đến TTCK thứ cấp, nơi diễn ra các giao dịch tạo tính thanh khoản cho chứng khoán. Tất cả các tiêu chuẩn niêm yết liên quan đến quy mô vốn, nghĩa vụ công bố thông tin, chế độ quản trị công ty... đều là những tiền đề để đảm bảo cho tính thanh khoản của chứng khoán.

Thanh khoản chính là mục tiêu quan trọng nhất đối với Sở GDCK, vì thanh khoản tốt đồng nghĩa với khả năng thu hút được nhà đầu tư quan tâm bỏ tiền vào các cơ hội đầu tư để kiếm lời trên thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp mới có khả năng huy động vốn khi cần thiết. Đồng thời, thanh khoản tốt cũng là cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn đầu tư chứng khoán như phương tiện tích lũy tài sản dài hạn.

Thanh khoản - thước đo tính cạnh tranh của Sở GDCK ảnh 1

Nhiều quỹ đầu tư lớn chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp có quy mô vốn đạt đến ngưỡng nhất định. Như vậy, quy mô doanh nghiệp là yếu tố quyết định thanh khoản?

Quy mô vốn là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để đảm bảo cho tính thanh khoản. Bên cạnh quy mô vốn lớn, cấu trúc sở hữu phải có phần tự do chuyển nhượng (free float) ở mức độ đủ để tạo điều kiện cho thanh khoản tốt. Thách thức đối với TTCK Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ, tỷ lệ cổ phần tự do chuyển nhượng thấp.

Trên thế giới, luôn có sự chạy đua về quy mô thị trường, thể hiện ở những vụ sáp nhập TTCK xuyên biên giới. Tại ASEAN, các Sở GDCK trong khu vực đã có sáng kiến kết nối các thị trường vốn để tạo ra khối ASEAZN 6 là thị trường lớn thứ 8 trên thế giới, với quy mô khoảng 3.000 tỷ USD, nhằm thu hút cộng đồng đầu tư quốc tế.

Ngoài quy mô, tính minh bạch thể hiện ở các nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin chính xác, kịp thời, hay chế độ quản trị công ty tốt hướng tới quyền lợi của cổ đông cũng được các nhà đầu tư quan tâm trong quá trình ra quyết định đầu tư, theo đó có ảnh hưởng quan trọng đến tính thanh khoản.

Việc cải thiện được quy mô vốn hóa, tính minh bạch hay chế độ quản trị công ty là những yếu tố nền tảng cho việc nâng hạng của TTCK Việt Nam theo phân loại của các tổ chức quốc tế như MSCI. Từ đó, hấp dẫn luồng vốn đầu tư quốc tế, nâng cao hơn nữa tính thanh khoản của thị trường. 

Yếu tố gần đây được nhắc đến nhiều là phát triển bền vững. Nếu chúng ta không đáp ứng tiêu chí này thì theo ông, dòng vốn ngoại tìm đến thị trường Việt Nam sẽ gặp trở ngại gì?

Phát triển bền vững là chủ đề ngày càng được cộng đồng đầu tư quốc tế quan tâm, với 3 nội dung chính là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội và chế độ quản trị công ty. Liên hợp quốc đã khởi xướng Sáng kiến về đầu tư có trách nhiệm và Sáng kiến Sở GDCK bền vững (HOSE và HNX đã trở thành đối tác chính thức) nhằm thúc đẩy các thông lệ tốt nhất về phát triển bền vững.

Sáng kiến đầu tư có trách nhiệm hiện được khoảng 1.380 chủ thể gồm những người sở hữu tài sản, quản lý tài sản và những người hành nghề chuyên nghiệp cam kết áp dụng các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm trong quy trình hoạt động của mình. Thực tế này cho thấy, bản thân các công ty đại chúng niêm yết phải có sự chuẩn bị để làm sao các nhà đầu tư tìm đến mình không gặp trở ngại do tuân thủ các nguyên tắc liên quan đến phát triển bền vững.

Thanh khoản - thước đo tính cạnh tranh của Sở GDCK ảnh 2

Diễn đàn doanh nghiệp trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ giữa kỳ (CG) vừa qua đã kiến nghị Chính phủ cần sớm thành lập quỹ hưu trí nhằm tăng cường dòng vốn dài hạn trên TTCK. Như vậy, quỹ đầu tư lớn, đầu tư dài hạn cần được khuyến khích hơn để tăng tính thanh khoản trên thị trường, thưa ông?

Trong cấu trúc các định chế đầu tư hiện tại, chúng ta có quỹ ETF, quỹ mở, quỹ đóng, nhưng quy mô và hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn thiếu các định chế quan trọng như quỹ hưu trí. Chúng ta cần nhanh chóng khuyến khích sự hình thành của các định chế đầu tư này, vì đây là nhà đầu tư quản lý lượng tiền lớn và dài hạn trên thị trường.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài thì một trở ngại khác cho tính thanh khoản hiện nay là tỷ lệ sở hữu. Ngoài mong muốn nới rộng tỷ lệ sở hữu (room) thì các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài còn đặc biệt quan tâm đến khả năng được mua và nắm giữ các cổ phiếu để hưởng lợi, mà không quan tâm đến quyền biểu quyết của cổ đông khi những cổ phiếu đó đã hết room.

Thực hiện được điều này sẽ là một giải pháp mang tính hệ thống và dài hạn đối với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, góp phần cải thiện đáng kể tính thanh khoản của thị trường. Đây là bài học kinh nghiệm thực tiễn ở thị trường phát triển hơn và có tính thanh khoản tốt hơn như Nhật Bản, Malaysia hay Thái Lan.

Thực tế, rất nhiều tổ chức khi quyết định đầu tư đã đánh giá toàn diện doanh nghiệp đầu tư nhằm mục tiêu kiếm lời, chứ không quan tâm đến quyền biểu quyết. Chúng ta cần nắm bắt nhu cầu thực tế đó và tạo cơ hội khơi thông, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Các quy định về giao dịch cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ thanh khoản trên thị trường. Các quy định về giao dịch hiện hành của TTCK Việt Nam đã theo kịp thông lệ quốc tế chưa, thưa ông?

Các quy định về giao dịch hiện hành đang gây trở ngại nhất định đối với nhà đầu tư trong việc quay vòng vốn một cách hiệu quả, thể hiện ở một số hạn chế sau.

Thứ nhất, khi đặt lệnh, số dư tài khoản của nhà đầu tư bị phong tỏa ngay 100% giá trị lệnh đặt, mặc dù đến ngày T+3 mới phải thanh toán giao dịch. Ở các thị trường khác, nhà đầu tư có thể chỉ cần đảm bảo 50% giá trị khi đặt lệnh.

Thứ hai, mặc dù đã bị phong tỏa 100% giá trị lệnh đặt để đảm bảo thanh toán, nhưng nhà đầu tư không được bán/mua chứng khoán ngay lập tức sau khi lệnh mua/bán đã khớp, làm hạn chế vòng quay đầu tư. Điều này xuất phát từ thực tế là các cơ chế đảm bảo thanh toán giao dịch còn khiếm khuyết, nên xảy ra tình trạng lệnh đã được khớp nhưng sau đó giao dịch vẫn có thể bị hủy.

Thứ ba, nhà đầu tư muốn mua chứng khoán buộc phải có số dư tiền. Ở các thị trường khác, khối lượng chứng khoán trong tài khoản được quy đổi thành tiền theo tỷ lệ để nhà đầu tư có thể tiếp tục đặt lệnh mua.

Thứ tư, nhà đầu tư hiện nay được vay tiền để mua chứng khoán (margin) nhưng không được vay chứng khoán để bán. Điều này cũng ảnh hưởng đến tương tác cung cầu và thanh khoản thị trường.

Ngoài ra, mức phí giao dịch chứng khoán trên thị trường chúng ta hiện nay vẫn khá đắt so với các thị trường trong khu vực. 

Thưa ông, hệ thống công nghệ phần mềm hiện đại mà HOSE đang đầu tư khi đi vào vận hành sẽ là yếu tố quan trọng giúp tăng thanh khoản, tăng tính cạnh tranh của thị trường?

Hệ thống công nghệ mới do HOSE làm chủ đầu tư sẽ thay đổi một cách cơ bản cách thức vận hành, cung cấp dịch vụ của TTCK Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh với các Sở giao dịch khác trong khu vực.

Ngoài việc nâng cao năng lực, tốc độ xử lý, hệ thống mới đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về dự phòng thảm họa, đảm bảo tính liên tục hoạt động của thị trường.

Bên cạnh khả năng khắc phục những hạn chế hiện tại, hệ thống mới có thể mở rộng, cung cấp thêm các tính năng/dịch vụ hiện đại cho nhà đầu tư như giao dịch tần suất cao, cơ chế đặt lệnh thẳng cho các tổ chức đầu tư lớn (Direct Market Access - DMA), hay triển khai việc đặt chung các máy chủ (co-location) của các thành viên thị trường với Sở để tăng tốc độ đặt lệnh giao dịch.

Tin bài liên quan