Vinamilk chi trả tổng cộng 50% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2017

Vinamilk chi trả tổng cộng 50% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2017

Tháng 6, nhiều doanh nghiệp trả cổ tức khủng

(ĐTCK) Khi thông tin về mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các doanh nghiệp đã dần qua đi, việc các doanh nghiệp công bố chia cổ tức, thậm chí ở mức cao, ngay trong tháng 6 này được nhìn nhận sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp.

Ngày 12/6/2018 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức đợt 2/2017 bằng cổ phiếu của CTCP Thép Nam Kim (NKG) với tỷ lệ thực hiện 40%, qua đó nâng tổng mức cổ tức cả năm 2017 lên 50%.

NKG cho biết, Công ty đang phấn đấu duy trì trả cổ tức cũng ở mức 50% dưới cả hình thức tiền mặt và cổ phiếu cho cổ đông trong năm 2018. Cùng với  đó, NKG đặt mục tiêu đạt 17.000 tỷ đồng doanh thu, sản lượng 1 triệu tấn (riêng tôn và thép mạ là 840.000 tấn) và lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thực hiện năm 2017.

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (PLC) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/6/2018, để đến cuối tháng này thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền, tỷ lệ 20%. Theo đó, PLC sẽ chi khoảng 162 tỷ đồng, chiếm 94% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017 để trả cổ tức cho cổ đông.

Nói về kế hoạch kinh doanh năm 2018, PLC cho biết, Công ty đặt mục tiêu đạt 5.530,87 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế là 189,45 tỷ đồng, tăng 11% so với lợi nhuận đạt được năm 2017 và dự kiến trích tối thiểu 80% lợi nhuận sau thuế cả năm để chia cổ tức 2018.

Vào ngày 26/6/2018, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) sẽ thanh toán cổ tức còn lại của năm 2017 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Với khoảng 1,45 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VNM dự chi hơn 2.100 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này và nguồn tiền được lấy từ lợi nhuận giữ lại của Công ty.

Như vậy, với 3 lần chi trả cổ tức đều bằng tiền mặt (2 lần trước đã thanh toán 35%), tổng mức cổ tức năm 2017 của VNM là 50%. Công ty cũng đã lên kế hoạch chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ tương đương năm 2017 là 50% bằng tiền mặt. Trong đó, dự kiến tạm ứng đợt 1/2018 vào quý III/2018.

Cũng dự kiến trong cuối quý II, đầu quý III/2018, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ phát hành thêm 606,8 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 40% để chi trả cổ tức năm 2017. Sau đợt phát hành này, HPG dự kiến nâng vốn điều lệ từ 15.170 tỷ đồng lên trên 21.240 tỷ đồng.

Với CTCP Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng (DCI), doanh nghiệp này công bố chi trả cổ tức năm 2017 lên tới... 288% bằng tiền mặt. Nguồn tiền được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2017 (gần 67 tỷ đồng). Trong đó, DCI đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 30% và tiếp tục trả trong 3 đợt tới với tỷ lệ lần lượt là 30%, 90% và 138%.

Ban đầu, DCI dự kiến thời gian chi trả đợt 2 vào ngày 31/7/2018, nhưng do đã chuẩn bị đủ nguồn tiền nên DCI đã thanh toán sớm hơn 1 tháng (vào ngày 15/6/2018) và hai đợt còn lại sẽ được trả trong quý III và quý IV năm nay.

Quyết định trả cổ tức năm 2017 của DCI gây bất ngờ cho thị trường bởi tình hình kinh doanh của DCI trong năm này không thực sự khả quan khi Công ty chỉ gần hoàn thành kế hoạch kinh doanh với 264 tỷ đồng doanh thu và 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Bên cạnh đó, sau khi "phá kho thóc" để trả 288% cổ tức năm 2017, thì nguồn tiền dự kiến trả cổ tức cho năm 2018 giảm mạnh. Đây là điểm nhà đầu tư nên cân nhắc khi "săn" cổ phiếu cổ tức cao.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông của DCI khá cô đặc. Cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 37,32%, một số cổ đông lớn khác (nắm trên 5%) cũng đang nắm giữ các vị trí chủ chốt của Công ty với tổng sở hữu khoảng 29%, còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ khác. Như vậy, có thể thấy, những cổ đông lớn là bên được hưởng lợi nhiều nhất khi DCI tiến hành trả cổ tức cao. Cổ phiếu DCI hiện đang giao dịch ở mức 12.000 đồng và "chết" thanh khoản trong thời gian dài. Điều này cũng dễ hiểu khi cổ đông có xu hướng giữ cổ phiếu để nhận cổ tức.

Theo thống kê của CTCK Dầu khí (PSI), trong 3 năm trở lại đây, những doanh nghiệp trả cổ tức cao, tối thiểu từ 15% trở lên thuộc các nhóm ngành như dược phẩm, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thực phẩm, hóa chất, thép, bảo hiểm… Đây là các nhóm ngành cơ bản có triển vọng kinh doanh khả quan và lợi thế cạnh tranh trong ngành. Trên thị trường, từ lâu các cổ phiếu cơ bản là "món ăn" ưa thích của nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay.

Tin bài liên quan