Từ năm 2012 đến nay, diễn biến thị trường tương đối khả quan trong giai đoạn tháng 5

Từ năm 2012 đến nay, diễn biến thị trường tương đối khả quan trong giai đoạn tháng 5

Tháng 5, đi chơi hay ở lại thị trường?

(ĐTCK) Giới đầu tư Mỹ có câu ngạn ngữ “Bán tháng 5 và đi chơi”, phản ánh diễn biến TTCK thường xấu đi trong thời gian này hàng năm. Thực tế, thị trường nhiều nước trên thế giới cũng hay gặp tình trạng này. Vì thế, mỗi khi tháng 5 đến, câu ngạn ngữ trên lại “ám ảnh” không ít nhà đầu tư trên toàn cầu.

Các chuyên gia đang có những dự báo thận trọng cho TTCK Việt Nam tháng 5 năm nay, nhưng cơ hội sẽ xuất hiện tại không ít nhóm cổ phiếu.

Lịch sử tháng 5

Bán tháng 5 và đi chơi (Sell in May and go away) là câu ngạn ngữ đúc kết từ số liệu thống kê trên TTCK Mỹ trong nhiều năm, khuyên nhà đầu tư nên bán trong thời gian này và giữ tiền mặt, vì thị trường sau đó có thể suy giảm cho đến tháng 9, tháng 10. Thực tế cho thấy, câu ngạn ngữ này khá đúng trong giai đoạn thị trường suy thoái, không chỉ đúng với TTCK Mỹ, mà còn đúng với không ít thị trường khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, nhìn lại diễn biến của TTCK trong 9 năm trở lại đây, có 6 năm thị trường rơi vào tình trạng tiêu cực trong tháng 5 và có 3 năm thị trường giao dịch tích cực sau kỳ nghỉ lễ 30/4 (độ trễ 1 tuần). Điều này cho thấy, câu ngạn ngữ trên TTCK Mỹ cũng ít nhiều có tác động đến TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ xét từ năm 2012 trở lại đây, thì diễn biến thị trường tương đối khả quan trong giai đoạn tháng 5.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS cho rằng, thị trường năm nay sẽ có nhiều nét tương đồng với năm 2014, do trước khi bước vào tháng 5, thị trường cũng có đợt giảm điểm khá mạnh trong tháng 3 và dần cân bằng trở lại vào tháng 4. Với sự hỗ trợ đến từ hoạt động mua ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian gần đây và động thái này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp tăng điểm, VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 580 - 585 điểm trong nửa đầu tháng 5. Tuy nhiên, nửa cuối tháng 5 có thể là khoảng thời gian mà TTCK phải đối mặt với khoảng trống về mặt thông tin hỗ trợ, nhiều khả năng thị trường bước vào đợt điều chỉnh giảm.

Các CTCK có những nhận định khác nhau về diễn biến thị trường trong tháng 5/2015, nhưng nhiều công ty có chung quan điểm rằng, dù thị trường có những biến động khó lường thì vẫn có những cơ hội đầu tư lớn. 

Cơ hội tháng 5/2015

So sánh tương quan với TTCK các nước trong khu vực, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam đang ở mức thấp. Hiện tại, P/E trung bình của TTCK Việt Nam lùi về xấp xỉ 12 lần so với mức 13 lần ở thời điểm cuối năm ngoái, trong khi P/E trung bình của các thị trường trong khu vực là 17 - 18 lần. Cụ thể, P/E sàn HOSE đang ở mức hơn 12 lần, trong khi P/E trên TTCK Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia từ 20 - 22 lần; Ấn Độ là 19 lần; Malaysia và Singapore xấp xỉ 16 lần…

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang tốt dần lên, khối nhà đầu tư nước ngoài được dự báo tiếp tục có động thái mua ròng… sẽ hỗ trợ TTCK trong tháng 5. Bên cạnh dòng tiền đầu tư của khối ngoại ở các ngành được đánh giá cao như ngân hàng, tài chính, hạ tầng, bất động sản, khối này cũng đẩy mạnh mua vào nhóm cổ phiếu dầu khí có mặt bằng giá thấp sau giai đoạn giảm mạnh vì bị ảnh hưởng bởi diễn biến giá dầu sụt giảm. Nhiều CTCK có quan điểm tích cực về dòng tiền của khối ngoại trong thời gian tới.

CTCK BSC dự báo, hoạt động đầu tư cơ bản của khối ngoại tại các ngành kỳ vọng hồi phục theo chu kỳ và dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ duy trì tốt trong nửa đầu tháng 5, sau đó có thể giảm dần, tùy thuộc vào trạng thái thị trường và những thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ.

Thị trường đang hướng sự tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và bất động sản. Tuy nhiên, mối quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay không phải là chọn nhóm ngành nào để đầu tư, mà là cơ hội đối với từng cổ phiếu riêng lẻ trong từng nhóm ngành đó. Bên cạnh đó, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt thuộc nhóm vốn hoá trung bình được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn thị trường chung trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình có xu hướng tăng giá ổn định, ít có những đợt giảm mạnh so với các nhóm cổ phiếu khác.

“Thị trường phụ thuộc khá lớn vào động thái của khối ngoại”

Tháng 5, đi chơi hay ở lại thị trường? ảnh 1

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS
 

Không hẳn là không có lý khi tháng 5 đến, giới đầu tư chứng khoán lại nhắc tới câu châm ngôn “Bán tháng 5 và đi chơi”, bởi thời gian hè, TTCK thường không có nhiều biến động. Nhà đầu tư cũng không hào hứng khi giao dịch trong các tháng 6, 7, 8.

Năm nay, ngoài các yếu tố tác động mạnh đến thị trường kể từ đầu năm như Thông tư 36/2014/TT-NHNN có các quy định làm hạn chế dòng vốn cho vay giao dịch ký quỹ, TTCK đã có một vài nhịp hồi phục, nhưng không đáng kể và thanh khoản suy giảm khá mạnh. Quan sát kỹ thị trường từ tháng 1/2015 đến nay, thị trường có 2 đợt tăng điểm nhẹ, nhưng dòng tiền phân hóa vào một số cổ phiếu, chứ không lan tỏa toàn thị trường. Không có một nhóm ngành nào thật sự dẫn dẵn thị trường, ngoại trừ động thái của khối ngoại giải ngân vào các cổ phiếu lớn như MSN, DPM, BVH, ITA, VIC...

Tôi cho rằng, tháng 5 tới chưa phải là thời điểm thuận lợi cho giao dịch, nhất là những giao dịch đầu cơ ngắn hạn, bởi người ta chỉ đầu cơ khi mà thị trường có những dấu hiệu đặc biệt như thanh khoản toàn thị trường tăng đột biến, nhóm cổ phiếu dẫn dắt có diễn biến tích cực, khối ngoại đẩy mạnh vào mua vào các cổ phiếu cơ bản… Khi chưa thấy các dấu hiệu kể trên xuất hiện đồng loạt, thì TTCK trong tháng 5 sẽ không có nhiều bất ngờ, thị trường giao dịch chậm rãi, chỉ vài cổ phiếu có giao dịch ấn tượng, toàn thị trường nói chung sẽ đi ngang tích lũy, thậm chí đi xuống ngay từ tuần thứ 2 của tháng 5.

Tuy nhiên, thống kê giao dịch của khối ngoại cho thấy, họ quay trở lại mua ròng liên tiếp 9 phiên gần đây trên cả 2 sàn, với tổng giá trị mua gần 2.000 tỷ đồng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh đồng USD điều chỉnh sau thời gian khá dài lập các kỷ lục tăng so với các ngoại tệ mạnh khác. Đáng chú ý, Quỹ ETF VNM thời gian qua liên tiếp thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư, chứng chỉ quỹ có trạng thái primeum khá cao, tức được giao dịch với mức giá cao hơn giá trị tài sản ròng. Theo thống kê, giai đoạn từ giữa tháng 4 tới giữa tháng 7 năm ngoái, khối ngoại tiến hành giải ngân mạnh, giúp TTCK phục hồi sau thời gian dài điều chỉnh. Nếu diễn biến này lặp lại trong năm nay, thị trường sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.

“Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản là những điểm sáng”

Tháng 5, đi chơi hay ở lại thị trường? ảnh 2

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới, CTCK MB (MSB)
 

Trước kỳ nghỉ lễ, thị trường giao dịch khá ảm đạm với thanh khoản thấp. Xét các thông số hiện nay cả về cơ bản và kỹ thuật, tôi cho rằng, khả năng kiếm được lợi nhuận trong tháng 5 là rất khó khăn. Thứ nhất, những câu chuyện kịch tính nhất của thị trường đã diễn ra trọn vẹn trong mùa ĐHCĐ vừa qua. Sau ĐHCĐ sẽ là khoảng lặng thông tin nên sẽ khó có yếu tố tạo “sóng” trong tháng 5. Thứ hai, xét về phân tích kỹ thuật thì yếu tố thanh khoản và độ lan tỏa của dòng tiền giữa các lớp cổ phiếu không đủ mạnh để tạo “sóng”.

Tuy nhiên, để có cái nhìn chuẩn xác hơn về xu hướng thị trường, cần theo dõi thêm diễn biến giao dịch trong vài phiên tới.

Một thông tin tích cực đó là Chính phủ đang sửa đổi và dự kiến sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay. Thông tin này có thể đẩy cổ phiếu ngân hàng lên bước cao trào cuối cùng trong trung hạn, dù cơ hội sinh lời không còn lớn như thời gian qua khi một số mã cổ phiếu ngân hàng tăng tới 50% trong 4 tháng đầu năm.

Về nhóm cổ phiếu, tôi vẫn giữ quan điểm nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ là điểm sáng trong năm 2015, bởi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và các doanh nghiệp trong ngành đã sẵn sàng cho xu hướng phục hồi này. Nhiều doanh nghiệp chủ động đặt kế hoạch kinh doanh cao trong năm 2015. Đặc thù các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thường hạch toán lợi nhuận vào cuối năm nên tôi kỳ vọng, 6 tháng cuối năm sẽ là thời kỳ của nhóm cổ phiếu bất động sản. Hơn nữa, trong hơn 1 năm vừa qua, nhóm cổ phiếu này vẫn chưa tăng giá nên đây sẽ là nhóm cổ phiếu an toàn nhất để dòng tiền đổ vào.

Điểm rơi để mua nhóm cổ phiếu này, tôi kỳ vọng vào cuối tháng 6, đó là thời điểm năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu được thể hiện và cũng là để đón đầu cho thời kỳ hạch toán lợi nhuận cao.

Tin bài liên quan