Nhiều câu hỏi từ phía CTCK
Chính sách phí, thuế áp dụng như thế nào với Chứng quyền có đảm bảo là câu hỏi được nhiều công ty chứng khoán (CTCK) nêu ra tại hội thảo về chuẩn bị triển khai sản phẩm này, do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức ngày 28/3.
Đại diện CTCK Sài Gòn (SSI) đặt câu hỏi, việc tính thuế đối với hoạt động đánh giá lại Chứng quyền có đảm bảo vào cuối kỳ được thực hiện như thế nào?
Giải đáp câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Vân, Phó trưởng Phòng Ngân hàng và các tổ chức tài chính, Cục Quản lý và giám sát kế toán-kiểm toán (Bộ Tài chính) cho hay, tuy đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nhưng xét về mặt thuế thì không tách doanh thu và chi phí để tính thuế, mặc dù về mặt kế toán có ghi nhận do giao dịch chưa thực hiện.
Một vấn đề cần tháo gỡ về dài hạn là nên thống nhất quan điểm trong xây dựng cơ chế thuế và cơ chế về kế toán theo hướng đều cho phép áp dụng giá trị hợp lý trong quá trình lập báo cáo tài chính và tính thuế.
Trong khi cơ quan thuế chưa chấp nhận áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý khi tính thuế mà vẫn căn cứ vào giá gốc thì pháp luật về kế toán đã cho phép áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý. Chính điều này đang gây khó cho các doanh nghiệp nói chung, CTCK nói riêng trong quá trình lập báo cáo tài chính.
HOSE thu phí giao dịch Chứng quyền có đảm bảo với mức bao nhiêu? Đó là câu hỏi CTCK MB (MBS) đặt ra cho HOSE. Ông Nguyễn Địch Thanh, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu và phát triển (HOSE) cho biết, ở đây có 2 mối quan hệ: Giữa HOSE và CTCK, giữa CTCK và nhà đầu tư.
Theo đó, HOSE sẽ thu 0,02%/trên giá trị giao dịch Chứng quyền có đảm bảo với CTCK, còn CTCK thu phí giao dịch của nhà đầu tư bao nhiêu là tùy họ quyết định. Điều này cho phép các CTCK tạo ra sự cạnh tranh khi áp dụng chính sách thu phí giao dịch Chứng quyền có đảm bảo.
Giải đáp thắc mắc tỷ lệ chuyển đổi giữa chứng khoán cơ sở và Chứng quyền có đảm bảo theo hướng dẫn của HOSE là 1:1, nhưng khi chứng khoán cơ sở có biến động về giá khi thực hiện quyền thì sẽ không đảm bảo được tỷ lệ này. Ông Thanh cho hay, tỷ lệ chuyển đổi 1:1 chỉ áp dụng với phát hành lần đầu, còn những lần sau sẽ biến động theo thực tế thị trường…
Kể từ thời điểm nộp hồ sơ xin phép phát hành lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho đến khi được chấp thuận phải mất một thời gian, trong khi giá chứng khoán cơ sở biến động hàng ngày. Vậy giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên Chứng quyền có đảm bảo được xác định như thế nào? Ông Thanh cho hay, giá tham chiếu sẽ được cập nhật sát với giá biến động của chứng khoán cơ sở.
6-7 CTCK sẵn sàng nhập cuộc
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, bao giờ UBCK “bấm nút” triển khai Chứng quyền có đảm bảo, ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCK) cho biết, mọi công việc chuẩn bị về hạ tầng, pháp lý, sản phẩm… đến nay đã hoàn tất và sẵn sàng cho triển khai Chứng quyền có đảm bảo. Tuy nhiên, hiện thời điểm chính thức vận hành sản phẩm này đang chờ chốt.
Về sự sẵn sàng của đơn vị lưu ký trong cung cấp dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch Chứng quyền có đảm bảo, ông Phạm Trung Minh, Trưởng Phòng Đăng ký chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, do hệ thống hạ tầng phục vụ cho lưu ký, thanh toán giao dịch Chứng quyền có đảm bảo có nhiều điểm tương đồng như hệ thống hạ tầng cho thanh toán giao dịch quỹ ETF, trái phiếu chính phủ, nên việc hoàn thiện hệ thống khá thuận lợi với VSD. Đến thời điểm này, mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất nên VSD đã sẵn sàng cho tham gia triển khai Chứng quyền có đảm bảo…
Liên quan đến có bao nhiêu CTCK sẵn sàng triển khai sản phẩm này, ông Cường cho biết thêm, hiện có 6-7 CTCK đủ điều kiện và thể hiện sẵn sàng tham gia triển khai Chứng quyền có đảm bảo ngay khi cơ quan quản lý cho phép vận hành sản phẩm này. Hiện có 3 bộ hồ sơ xin phép phát hành Chứng quyền có đảm bảo đã được gửi lên UBCK.
Theo dự kiến của HOSE, nếu các bên liên quan sẵn sàng chuẩn bị, sản phẩm mới sẽ được vận hành vào tháng 5 tới, thêm cơ hội cho nhà đầu tư và các chủ thể tham gia TTCK Việt Nam.