Tháng 4, TTCK sẽ khởi sắc

Tháng 4, TTCK sẽ khởi sắc

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Maritimebank (MSBS) dưới góc độ phân tích kỹ thuật và dựa trên những đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô ở giai đoạn hiện tại. Theo ông Khánh, VN-Index sẽ sớm xuất hiện sóng hồi trong vùng 550 - 570 điểm.

TTCK tháng 3 trôi qua khá ảm đạm với thanh khoản ở mức thấp. Ông dự báo như thế nào về thị trường tháng 4/2015?

Diễn biến TTCK năm nay hoàn toàn gây bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân. Cùng thời điểm ở các năm trước, TTCK xuất hiện sóng chứng khoán khá lớn, kèm theo thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, thì năm nay, TTCK liên tiếp có các phiên điều chỉnh sâu, với khối lượng giao dịch yếu ớt. Mặc dù có một con sóng hồi, VN-Index chạm ngưỡng kháng cự kỹ thuật 600 điểm trong tháng 2, nhưng dòng tiền lớn hoàn toàn không xuất hiện và tâm lý giao dịch dè dặt chiếm ưu thế trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2015.

Điều này có thể giải thích bởi sự tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN lên việc cho vay kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng TMCP cũng như việc thắt chặt cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các CTCK đang hoạt động trên TTCK Việt Nam. Hơn nữa, biến động về tỷ giá và động thái bán ròng từ khối NĐT nước ngoài cũng có tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nói chung và chỉ số niềm tin nhà đầu tư giảm xuống khá thấp, mặc dù diễn biến vĩ mô đang có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch cuối tháng 3 biến động khá mạnh, cuối phiên đã lấy lại được mốc 550 điểm. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật kèm theo đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, cũng như dự báo diễn biến tăng/giảm giá của nhóm cổ phiếu lớn, tôi cho rằng, TTCK trong tháng 4 sẽ khởi sắc và xuất hiện sóng hồi quay lại vùng 550 - 570 điểm. Thị trường có thể tiềm ẩn rủi ro trong ngắn và trung hạn, nhưng vẫn xuất hiện không ít cơ hội cho việc đầu tư cổ phiếu. Dòng tiền sẽ phân hóa vào những cổ phiếu đang được hưởng lợi từ diễn biến kinh tế vĩ mô hoặc có thông tin cơ bản hỗ trợ.

Với các nhà đầu tư ngắn hạn, theo ông, làm thế nào để hạn chế rủi ro khi giải ngân vào thời điểm này?

Đối với đa số các nhà đầu tư hiện nay, tôi cho rằng, họ vẫn ưa thích phong cách đầu cơ cổ phiếu và mua đua theo phong trào, đám đông. Chắc chắn việc đầu cơ ngắn hạn cổ phiếu sẽ rủi ro hơn việc đầu tư giá trị. Không có ai dám chắc đạt lợi nhuận tốt bằng việc luôn nhảy ra nhảy vào, giao dịch lướt sóng các cổ phiếu. Vì vậy, khi thị trường chưa xuất hiện sóng đầu cơ, các cổ phiếu dẫn dắt chưa thu hút dòng tiền, các cổ phiếu blue-chip lại có xu hướng giảm giá, thì không thích hợp cho việc đầu cơ cổ phiếu.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là thị trường không có cơ hội mua vào đối với các nhà đầu tư có niềm tin vào doanh nghiệp, tin vào giá trị thấp mà thị trường vô tình làm giảm đi giá trị cổ phiếu các doanh nghiệp tốt. Theo đó, đối với các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, cần giao dịch có kỷ luật và chỉ giao dịch khi phán đoán hoặc dự báo được xu hướng tăng điểm của thị trường, hoặc tìm ra được các cơ hội đầu tư giá trị ở các cổ phiếu cơ bản, vốn hóa trung bình, đang có giá thấp để tiến hành mua vào một cách thận trọng, dần dần. Hãy xác định rõ mình là nhà đầu tư theo phong cách gì để xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả, hạn chế rủi ro.

Tháng 4 là khoảng thời gian các doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ và công bố kết quả kinh doanh quý I/2014. Ông có cho rằng, yếu tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra diễn biến phân hóa giữa các dòng cổ phiếu trong thời gian tới?

Cá nhân tôi hiện nay khá quan tâm đến lịch tổ chức ĐHCĐ của các doanh nghiệp nhằm mục đích tìm hiểu, thu thập thông tin về doanh nghiệp, các dự án tiềm năng, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, cổ tức năm 2015. Yếu tố kết quả kinh doanh quý I/2015 của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục là điểm khác biệt và làm cho sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu mạnh hơn trong thời gian tới. Sẽ có những “siêu cổ phiếu”, khi dòng tiền không lan tỏa toàn thị trường, mà chảy vào một số ít cổ phiếu đang có “câu chuyện” đằng sau.

Tin bài liên quan