Cổ đông tại nhiều doanh nghiệp phấn khởi khi doanh nghiệp đạt kết quả hoạt động khả quan và đề ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng

Cổ đông tại nhiều doanh nghiệp phấn khởi khi doanh nghiệp đạt kết quả hoạt động khả quan và đề ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng

Tháng 4, những đại hội được mong chờ nhất

(ĐTCK) VNM, GAS, MSN, VJC… và nhiều doanh nghiệp lớn khác dự kiến tổ chức họp ĐHCĐ trong tháng 4/2018, kỳ vọng những tin tức tích cực về kết quả kinh doanh, cổ tức tiếp tục đem lại động lực hỗ trợ giá cổ phiếu cũng như chỉ số chứng khoán hướng đến đỉnh cao mới.

Dấu ấn vui đầu mùa Đại hội

Trong lĩnh vực bất động sản, Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) tổ chức họp ĐHCĐ ngày 1/3/2018. Sau năm 2017 thành công với doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch nhờ thị trường bất động sản thuận lợi, Ban lãnh đạo DXG tự tin cho rằng, năm 2018, Công ty sẽ có cơ hội “lột xác” về vị thế và thương hiệu với mục tiêu doanh thu tăng 73,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 42,2%.

Để thực hiện kế hoạch này, DXG cho biết, Công ty sẽ triển khai 30 dự án, đưa Công ty cổ phần Đất Xanh Tây Nam Bộ vào hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh việc mua và tích lũy những dự án có vị trí đẹp, có mặt bằng hoàn chỉnh, pháp lý rõ ràng, hoàn thiện các thủ tục nhằm chuẩn bị cho các chiến lược trung và dài hạn, đến năm 2020 sẽ tăng trưởng gấp 3 lần hiện tại.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ngày 3/3, Techcombank là thành ngân hàng đầu tiên trong hệ thống tổ chức họp ĐHCĐ năm 2018, thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu tăng 20%, lợi nhuận trước thuế tăng 24%, tổng tài sản tăng 17%, huy động vốn tăng 40%, tín dụng tăng 18%…

Tại VPBank, ĐHCĐ ngày 19/3 thông qua các mục tiêu năm 2018: vốn điều lệ tăng 71,9%, lợi nhuận trước thuế tăng 33%, tổng tài sản tăng 29%, nợ xấu dưới 3%...

Nhìn chung, ĐHCĐ của các nhà băng năm nay đến sớm hơn và cổ đông có nhiều niềm vui hơn khi đón nhận sự khởi sắc trong hoạt động của ngân hàng về nhiều mặt trong năm qua và tiếp tục có triển vọng tăng trưởng cao. Đây là không khí được dự báo sẽ tiếp diễn tại các ngân hàng khác như MBBank (sẽ tổ chức họp ĐHCĐ ngày 29/3), ACB (19/4), VIB (19/4), CTG (21/4), Vietcombank (27/4)…

Trong lĩnh vực thép, tại ĐHCĐ ngày 22/3, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuật khi dự án thép Dung Quất đi vào hoạt động, đến năm 2020 lọt vào Top 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Năm 2018, HPG đặt mục tiêu đạt 8.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương mức thực hiện năm 2017. Một số ý kiến nhận định, đây là sự thận trọng cần thiết sau giai đoạn tăng trưởng nhanh và các dự án mới cần thời gian đem lại hiệu quả khi mà ngành thép đang có một số khó khăn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, HPG đã quá thận trọng và sẽ thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, trong 2018, lợi nhuận của HPG có thể tăng 16,8% so với năm 2017. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, lợi nhuận sau thuế của HPG có thể tăng 18,5%.

Bên cạnh nhiều kế hoạch kinh doanh trưởng, một nội dung đáng chú ý tại nhiều cuộc họp ĐHCĐ là tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn, ngày 24/3, ĐHCĐ Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) đã thông qua phương án phát hành gần 32,6 triệu cổ phiếu, bao gồm 512.000 cổ phiếu ESOP, 17,08 triệu cổ phiếu thưởng và 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của TNA sẽ gấp 3,6 lần hiện nay.

Đối với Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG), bên cạnh kế hoạch kinh doanh lạc quan với mục tiêu doanh thu tăng 30%, lợi nhuận sau thuế tăng 18%, ĐHCĐ ngày 16/3 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 (50%) và phát hành 9,2 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2018.

Trước đó, ĐHCĐ ngày 15/3 của Công ty cổ phần VICOSTONE thông qua phương án tăng vốn trong năm nay bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 (100%), qua đó sẽ tăng gấp đôi vốn điều lệ so với hiện tại.

Cổ đông lẻ vẫn... bé xíu?

Liên quan đến kế hoạch tăng vốn, trái ngược với sự đồng thuận cao tại nhiều doanh nghiệp, không khí cuộc họp ĐHCĐ của một số doanh nghiệp như PNC hay APC khá căng thẳng.

Trong 4 năm trở lại đây, cuộc họp ĐHCĐ của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) luôn có sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. Năm 2018, dù không phải tổ chức đến lần thứ ba mới thành công như năm 2017, nhưng không khí tại ĐHCĐ ngày 13/3 khá căng thẳng quanh phương án phát hành tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, PNC dự định tăng vốn điều lệ từ 110,4 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, số tiền thu được sẽ dùng để để hoàn trả các khoản nợ vay, khắc phục tình trạng lỗ lũy kế gần bằng vốn điều lệ (riêng năm 2017 lỗ 66,4 tỷ đồng).

Tờ trình tăng vốn chiếm phần lớn thời gian thảo luận với các câu hỏi về chi tiết và hiệu quả sử dụng vốn, kết quả chỉ có 57,87% số phiếu tán thành nên phương án tăng vốn không được thông qua và việc giải quyết nguồn vốn sẽ là thách thức lớn với Ban lãnh đạo PNC để hoàn thành mục tiêu 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2018.

Tương tự, trước thềm ĐHCĐ năm 2018, một cổ đông của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú (APC) đã phải thốt lên “Ban lãnh đạo coi cổ đông là con nít!” khi thấy kế hoạch chào bán 6 triệu cổ phiếu (tương đương 50% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/3 thị giá.

Tại ĐHCĐ ngày 16/3 của APC, phần thảo luận diễn ra căng thẳng liên quan đến phương án phát hành khi nhiều cổ đông chất vấn, nghi ngờ về năng lực của đối tác chiến lược, tính hiệu quả, rủi ro tài chính khi tổng mức vốn của các dự án đầu tư trong 2018 gần gấp 7 lần tổng tài sản, bên cạnh đó là các câu hỏi về khoản trả trước bất thường chiếm 66% vốn điều lệ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017.

Kết quả, phương án phát hành ban đầu không được thông qua, thay vào đó là APC sẽ chào bán 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu APC tiếp tục có diễn biến tiêu cực khi trải qua 12 phiên giảm sàn trong 14 phiên gần đây, từ mức 77.200 đồng/cổ phiếu ngày 6/3 xuống 35.250 đồng/cổ phiếu ngày 26/3, giảm 54,3%.

Trong khi đó, tại cuộc họp ĐHCĐ của Công ty cổ phần Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) ngày 20/3, bên cạnh câu chuyện quản lý rủi ro tài chính, cổ tức, kết quả kinh doanh, nhiều cổ đông bày tỏ sự lo lắng trước diễn biến bất thường của giá cổ phiếu HAR và nghi ngờ có hiện tượng thao túng nên đề xuất Hội đồng quản trị cần có biện pháp bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ.

Những đại hội được mong chờ trong tháng 4

Tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) - doanh nghiệp đang chiếm 50% thị phần tiêu thụ bia cả nước, cuộc họp ĐHCĐ tổ chức trong tháng 4/2018 dự báo sẽ là dấu mốc quan trọng sau khi Vietnam Beverage thâu tóm 53,59% cổ phần mà Bộ Công thương thoái vốn. Bên cạnh khả năng cải tổ trong bộ máy quản trị là những thông tin về chiến lược kinh doanh sắp tới của SAB sau khi quyền chi phối doanh nghiệp chuyển sang nhà đầu tư Thái Lan này.

Tương tự, cuộc họp ĐHCĐ của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) năm nay sẽ đánh dấu sự tham gia của Nawaplastic Industries (Thái Lan) sau khi mua 24,1 triệu cổ phiếu mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán đấu giá, nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,9%. Nhà đầu tư ngoại này được dự báo sẽ tiến tới sở hữu chi phối BMP khi Công ty đã nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100% trong năm 2017.

Trong ngành dược, cuộc họp ĐHCĐ của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cũng được thị trường chờ đợi. Câu chuyện tái cấu trúc các mảng kinh doanh, sáp nhập công ty con để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí… được xem là bước chuẩn bị quan trọng của DHG cho kế hoạch nới “room” hoàn tất trong năm 2018 và mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia lộ trình SCIC thoái vốn. Hiện nay, Taisho Pharmaceutial (Nhật Bản) là cổ đông lớn thứ hai tại DHG với tỷ lệ sở hữu 24,4%, sau SCIC (43,31%). Nhiều công ty chứng khoán nhận định, sau khi nới room, Taisho sẽ là ứng viên lớn nhất có khả năng mua cổ phần DHG từ SCIC.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VNS), cuộc họp ĐHCĐ dự kiến tổ chức ngày 27/4 được mong đợi về chiến lược kinh doanh mới để giúp Công ty vượt qua khó khăn sau khi vừa trải qua một năm kinh doanh không thành công do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng taxi công nghệ như Grab, Uber. Năm 2017, VNS đạt lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2013, Công ty phải cắt giảm lượng lớn lái xe và định hướng chuyển sang mô hình cho thuê xe, thay vì phân chia phí taxi như trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) lỗ 705 tỷ đồng trong năm 2017, phải lên kế hoạch bán các tài sản, công ty con có giá trị cao như AGF, FMC, Việt Thắng và một số bất động sản… nhằm giảm nợ vay, hiện đang ở mức cao, gây mất cân đối tài chính. Trong quý I/2018, HVG ước đạt 7,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng mức lợi nhuận này chưa khiến đa số cổ đông yên tâm, nhất là khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định áp mức thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, một trong những mặt hàng chủ lực của Công ty, khiến cánh cửa xuất khẩu và thị trường Mỹ gần như đóng lại.

Cuộc họp ĐHCĐ của HVG dự kiến tổ chức vào ngày 20/4, với những câu hỏi liên quan đến tiến độ thực hiện tái cấu, giải bài toán kinh doanh cũng như cấu trúc tài chính vẫn còn khá dang dở.

Tin bài liên quan