Tháng 3, sôi động IPO

Tháng 3, sôi động IPO

(ĐTCK) Bước sang tháng 3, hoạt động đấu giá cổ phần doanh nghiệp nhà nước sôi động hẳn lên. Số doanh nghiệp đã tiến hành IPO hoặc công bố IPO trong tháng tính đến thời điểm này đã lên tới con số 20. 

Trong đó, nhiều cuộc IPO gây chú ý bởi DN có tiềm năng tăng trưởng tốt, thu hút được NĐT chiến lược là những tên tuổi lớn.

Ngày 4/3 vừa qua, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) đã tiến hành IPO, với tổng số cổ phần chào bán hơn 21,58 triệu đơn vị, tương đương 24,92% vốn. Phiên đấu giá kết thúc với 13.837.600 cổ phần được bán thành công, tương đương 64% tổng số cổ phần chào bán. Có 194 cá nhân và 5 tổ chức trúng đấu giá, mức giá đấu thành công bình quân là 10.000 đồng/CP. Tổng giá trị huy động được đạt hơn 138 tỷ đồng.

Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Cholimex đạt 866 tỷ đồng. Cổ đông Nhà nước (HIFC) sẽ tiếp tục nắm giữ 49% vốn điều lệ. Công ty sẽ tiếp tục phát hành khoảng hơn 1,15% vốn cho Công đoàn và CBCNV Công ty; chào bán cho NĐT chiến lược 24,9%. T

Tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược của Cholimex khá khắt khe, khi bên cạnh yêu cầu về kinh nghiệm thì nhà NĐT chiến lược phải có vốn điều lệ không thấp hơn 700 tỷ đồng, lãi ròng liên tục 5 năm (2010 - 2014) và nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2015 không vượt quá 3 lần.

Cùng ngày, HĐQT CTCP Transimex-SaiGon (TMS) cũng công bố nghị quyết về việc đầu tư 35% vốn tại Cholimex. Theo đó, TMS dự kiến sẽ mua 30.328.000 cổ phần, tương đương 35,02% vốn điều lệ của Cholimex với giá mua 10.000 đồng/CP. Xét trên tiêu chí NĐT chiến lược, TMS đạt tiêu chuẩn lãi 5 năm liên tiếp, nhưng hiện vốn điều lệ tính đến cuối năm 2015 của Công ty mới chỉ hơn 237 tỷ đồng, không đạt tiêu chuẩn 700 tỷ đồng mà Cholimex đưa ra.

Một điểm đáng chú ý, Cholimex có một công ty con và 8 công ty liên kết, trong đó, công ty liên kết Cholimex Food được đánh giá có hoạt động hiệu quả. Trong năm 2015, Masan Consumer muốn sở hữu 49% Cholimex Food, nhưng chỉ mua được 33% vốn tại công ty này. Theo phương án cổ phần hóa, Cholimex vẫn sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu tại Cholimex Food trên 40%. Theo đó, Cholimex sẽ đầu tư thêm vào doanh nghiệp thông qua việc đề nghị Cholimex Food phát hành cổ phiếu tăng vốn để đầu tư dự án xưởng sản xuất Sauce 127,6 tỷ đồng và dự án xưởng sản xuất các loại thực phẩm đông lạnh 70 tỷ đồng.

Đợt IPO khác gây được nhiều sự chú ý là của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), diễn ra vào sáng nay (7/3/2016). Trước đó, Sở GDCK TP. HCM đã có thông báo về số lượng đăng ký chào mua hơn 63,5 triệu cổ phần, gấp 5,6 lần so với số lượng đăng ký đấu giá là 11,3 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ Công ty. IPO Vissan chứng tỏ được sức hút khi xuất hiện nhiều bóng dáng của NĐT nước ngoài. Cụ thể, số lượng NĐT đăng ký là 142 NĐT, bao gồm 123 cá nhân trong nước, 6 cá nhân nước ngoài, 6 tổ chức trong nước và 7 tổ chức nước ngoài.

Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của Vissan là trên 809 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 65% vốn, bán cho người lao động 6,02% vốn, bán cho NĐT chiến lược 14% và bán đấu giá công khai 14% vốn.

Được biết, có hai đối tác chính đã ngỏ lời trở thành NĐT chiến lược của Vissan là Tập đoàn CJ của Hàn Quốc và Masan. Không loại trừ khả năng, cả hai NĐT này đều sẽ tham gia mua cổ phần Vissan thông qua đợt đấu giá công khai nhằm từng bước gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vissan. Với khối lượng đăng ký lớn, không ít dự đoán giá trúng đấu giá bình quân của Vissan trong đợt IPO này sẽ có cao hơn nhiều so với giá khởi điểm 17.000 đồng/CP.

Trong lĩnh vực dệt may, vào ngày 18/3/2016, Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định (Giditexco) sẽ tổ chức IPO hơn 15 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.200 đồng/CP. Vốn điều lệ của Công ty sau IPO dự kiến là hơn 627 tỷ đồng, cổ đông Nhà nươc (HFIC) chiếm 49% vốn, CBCNV 1,72% vốn, NĐT chiến lược 25% vốn và đấu giá công khai 24,28% vốn. Dệt may đang là lĩnh vực hấp dẫn giới đầu tư vì được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với nhiều năm kinh nghiệm, thương hiệu và sở hữu hệ thống công ty con, liên kết trong ngành, đợt IPO của Giditexco được đánh giá sẽ thu hút NĐT.

Theo tài liệu, Giditexco có 2 công ty con, gồm Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn (vốn điều lệ 89 tỷ đồng, Giditexco sở hữu 100% vốn) chuyên sản xuất dệt (nhuộm) vải kate, vải tuyn và CTCP Giày da May mặc xuất khẩu Legamex (Giditexco nắm 51% cổ phần), chuyên sản xuất hàng may mặc với thương hiệu thời trang LegaFashion. Ngoài ra, Giditexco còn có 1 công ty liên doanh là Dệt Sài Gòn – Joubo TNHH, chuyên sản xuất sợi OE, nhuộm và dệt vải jean và 11 công ty liên kết là các công ty dệt may gia công và công nghiệp hỗ trợ.

Giai đoạn 2012 - 2014, thị trường xuất khẩu chính của Giditexco là Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu) và thị trường Mỹ (chiếm gần 45% giá trị xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 2,683 triệu USD.

Một số đợt IPO đáng chú ý khác sẽ diễn ra trong tháng 3 như: IPO của các  công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Vắcxin và sinh phẩm Nha Trang, Tổng công ty Tín Nghĩa, Công ty Sách Việt Nam…                                            

Tin bài liên quan