Tháng 3, nhiều doanh nghiệp bị xử phạt

Tháng 3, nhiều doanh nghiệp bị xử phạt

(ĐTCK) Trong tháng 3/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều công ty đại chúng vì những sai phạm như quản trị lỏng lẻo, vi phạm trong đầu tư, chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng…, nhưng hiếm có công ty phản hồi, công bố về hướng khắc phục.

Trong khối công ty chứng khoán, Công ty Chứng khoán Phú Gia vừa bị phạt tiền 145 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền 85 triệu đồng do Công ty không duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro theo quy định pháp luật; phạt tiền 60 triệu đồng do Công ty bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Trước đó, Công ty Chứng khoán VSM bị xử phạt 100 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư đối với công ty chứng khoán được quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 21, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Công ty Chứng khoán Trí Việt bị phạt 200 triệu đồng, trong đó 150 triệu đồng với lỗi cho khách hàng nộp, rút tiền mặt tại Công ty vì chưa hoàn thiện việc xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền gửi của khách hàng theo phương thức khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng (hiện Công ty đã khắc phục); 50 triệu đồng do vi phạm quy định về báo cáo không đầy đủ theo quy định, khi Công ty không tính rủi ro tăng thêm với các khoản đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Kinh doanh Hòa Bình, tại bảng tính vốn khả dụng trong Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tháng 7, 8, 9/2015.

Còn các công ty khác bị phạt chủ yếu do nộp trễ hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Theo Quyết định số 263/QĐ-XPVPHC của UBCK ban hành ngày 27/3/2017, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ bị phạt 5 triệu đồng. Công ty này tiến hành bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1/2016.

Theo đó, Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 1 tháng đến 12 tháng, theo Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP. Đây là doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi sở hữu khối tài sản lớn và sở hữu nhiều vốn tại các công ty con, công ty liên kết “ăn nên làm ra”, nhất là Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN) - một trong những doanh nghiệp niêm yết có giá cổ phiếu, biên lãi ròng và lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) thuộc Top cao trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Cùng bị phạt vì lỗi trễ nộp hồ sơ đăng ký đại chúng là các công ty: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên bị phạt 5 triệu đồng và Công ty cổ phần Điện nước An Giang bị phạt tiền 40 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (Petec) bị phạt 70 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng; Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (Tedi) bị phạt 30 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 12 tháng đến 24 tháng.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, đa phần các công ty chưa quen với các nghĩa vụ của công ty đại chúng nên chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, theo đó, với mức xử phạt như hiện nay là chưa đủ tính răn đe, chưa có tác động mạnh để doanh nghiệp thay đổi.      

Tin bài liên quan