Không cổ đông nào muốn doanh nghiệp "chây ì" chuyện trả cổ tức

Không cổ đông nào muốn doanh nghiệp "chây ì" chuyện trả cổ tức

Thăm dò chuyện cổ tức trước mùa đại hội

(ĐTCK) Cổ tức luôn là vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu, đặc biệt là trước thời điểm mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 sắp bước vào vụ.

Doanh nghiệp trả cổ tức “khủng”

Việc trả cổ tức của doanh nghiệp thường xuất phát từ kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm, cũng như phụ thuộc vào chiến lược của ban lãnh đạo công ty. Do vậy, để nhận định cổ tức cao hay thấp, cổ đông vẫn phải so với thị giá cổ phiếu.

Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN) đã nhiều năm liền nằm trong danh sách những doanh nghiệp “mạnh tay” chi trả cổ tức. Năm 2016, Công ty tiếp tục “truyền thống” này với mức chi trả cổ tức là 50% (bằng cả tiền mặt và cổ phiếu). Tuy vậy, một số cổ đông vẫn thắc mắc và cho rằng mức cổ tức như vậy là thấp, bởi trước đó, Công ty thường xuyên chi trả với tỷ lệ 60%, có năm lên đến 70%.

Theo lãnh đạo DSN, Công ty luôn muốn trả cổ tức cao cho cổ đông, nhưng phải dựa trên sự cân đối về nguồn vốn, lợi nhuận, cũng như kế hoạch phát triển doanh nghiệp. Ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT DSN thừa nhận, hiện tại, mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt. Diện tích công viên của DSN đang không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi mặt bằng đã được phủ kín nên việc đầu tư thêm trò chơi gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong năm 2017, DSN sẽ mở rộng thêm ít nhất 2 dự án, đồng thời cải tạo và nâng cấp các trò chơi mới phù hợp với xu hướng giải trí hiện nay.

Năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 188 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với thực hiện năm 2016, dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ tối thiểu 36% vốn điều lệ. Kế hoạch thận trọng là vậy nhưng thực tế Công ty thường sẽ trả cổ tức cao hơn. So với giá cổ phiếu đang giao dịch là hơn 63.000 đồng/cổ phiếu thì mức cổ tức năm 2016 mà DSN đang trả chưa hẳn hấp dẫn.

Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS) cũng là một trong những doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức cao. Với mức vốn điều lệ hơn 30 tỷ đồng, lãi sau thuế 45 tỷ đồng trong năm 2016, MAS đã quyết định trả cổ tức năm 2016 ở tỷ lệ 80%, đây cũng là mức cổ tức Công ty đã thực hiện trong năm 2015. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 40% bằng tiền mặt và sẽ thực hiện 40% còn lại vào cuối tháng 2/2017.

Hiện tại, tuy chưa đưa ra mức cổ tức dự kiến cho năm 2017 nhưng Công ty cho biết sẽ cố gắng để duy trì được cổ tức ở mức tốt nhất cho cổ đông. Dù vậy, nếu so sánh với mức giá cổ phiếu MAS đang giao dịch trên thị trường là hơn 100.000 đồng/cổ phiếu thì mức cổ tức 80% không phải là cao.

Một trong những cái tên nằm trong top doanh nghiệp chi trả cổ tức khủng là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) với cổ tức thường xuyên ở mức trên 50%. Chính vì vậy, cổ đông Công ty kỳ vọng mức cổ tức trong năm 2017 tối thiểu sẽ là 50%. Tương tự MAS, giá cổ phiếu CTD hiện đang giao dịch ở mức gần 200.000 đồng/cổ phiếu. 

Không ít doanh nghiệp “chây ì” cổ tức

Không phải cổ đông nào cũng thích doanh nghiệp trả cổ tức cao bởi việc trả cổ tức phải cân bằng giữa quyền lợi cổ đông và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không cổ đông nào muốn doanh nghiệp “chây ỳ” trả cổ tức. Dù vậy, hàng năm, không ít công ty vẫn “trốn” cổ tức khiến cổ đông không khỏi bức xúc.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, anh P.M Hải, cổ đông của Công ty cổ phần Sông Đà 9.06 (S96) cho biết, S96 đã 4, 5 lần khất nợ cổ tức từ năm 2010, mặc dù Công ty đã chốt quyền và giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh. Sau nhiều lần lỡ hẹn, cổ đông S96 như bị dội thêm “gáo nước lạnh” khi Công ty công bố lùi thời điểm chi trả cổ tức từ cuối năm 2016 sang ngày 31/12/2018. Trước diễn biến này, cổ đông chỉ biết tự “nuốt giận”, đặc biệt là khi giá cổ phiếu S96 chỉ còn 700 đồng/cổ phần, bằng 5% so với thời điểm Công ty chốt danh sách trả cổ tức năm 2010.

Lãnh đạo S96 cho rằng, việc nợ cổ tức là điều doanh nghiệp không mong muốn, nhưng do kết quả kinh doanh trong năm không đạt kế hoạch, trong khi không thu xếp được nguồn vốn nên phải khất nợ cổ đông. Tuy nhiên, lời giải trình này xem ra chưa đủ sức thuyết phục.

Chuyện chây ì đã đành, nhưng còn có những doanh nghiệp nói không với cổ tức vào phút cuối, khiến cổ đông không kịp phản ứng với lý do công ty sẽ giữ lại cổ tức để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, một trong những “biện pháp” mà nhóm cổ đông lớn của Công ty cổ phần Lilama 45.5 (L44) đã từng áp dụng thành công trong năm 2015 là ép doanh nghiệp phải thực hiện cam kết trả cổ tức đã nợ (năm 2012, 2014) bằng văn bản và việc chi trả cổ tức phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày chốt danh sách.

Trong trường hợp chi trả không đúng hạn, Công ty chịu lãi suất cho khoản cổ tức trả chậm theo lãi suất tiền vay ngắn hạn của ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi lỡ hẹn trả cổ tức còn nợ lần thứ nhất vào cuối năm 2016, Công ty tiếp tục lùi lại lịch trả cổ tức sang cuối năm 2017.

Tin bài liên quan