Lực lượng kế toán, kiểm toán của Việt Nam còn mỏng, hiện chỉ có gần 5.000 người có chứng chỉ quốc tế

Lực lượng kế toán, kiểm toán của Việt Nam còn mỏng, hiện chỉ có gần 5.000 người có chứng chỉ quốc tế

Thách thức với các chuyên gia “bắt bệnh” tài chính doanh nghiệp

(ĐTCK) Hội nhập, trước mắt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập đang đặt ra không ít thách thức cho ngành kiểm toán, kế toán Việt Nam. Tình trạng “chảy máu chất xám” có thể diễn ra trầm trọng hơn.

AEC cho phép 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, trong đó có nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Đây là cơ hội cho những người có chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán tiêu chuẩn ASEAN và tiêu chuẩn quốc tế có thể dễ dàng làm việc tại các nước trong khu vực.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các cam kết hiện tại trong ASEAN đối với ngành kế toán, kiểm toán là không hạn chế. Riêng ASEAN có thêm công nhận bằng cấp (hiện đang chờ các nước phê chuẩn).

Tương tự, cam kết trong TPP cũng không hạn chế, thậm chí Việt Nam còn phải bỏ quy định về nghĩa vụ hiện diện tại nước sở tại được quy định tại Điều 11 và Điều 12, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ. Cụ thể, các nước thành viên TPP không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thiết lập văn phòng đại diện, công ty, hay phải thường trú để được phép cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Điều này cho phép nhận định, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán trong nước sẽ cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các kiểm toán viên phải nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp, nếu không sẽ bị các kế toán viên, kiểm toán viên của khu vực và quốc tế thay thế.

Đáng chú ý, hội nhập đặt ra những yêu cầu mới về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội của các kế toán viên, kiểm toán viên, về năng lực chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp. Theo các cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ mở cửa lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính với mục tiêu mở rộng cửa vào năm 2020.

Trước thực tế đó, yêu cầu khách quan đặt ra là phải mở rộng thị trường, phát triển thêm số lượng và tăng cường chất lượng dịch vụ của các tổ chức dịch vụ và tổ chức nghề nghiệp hiện có ở Việt Nam.

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam nhấn mạnh, AEC đặt ra 4 thách thức cho Việt Nam, gồm: đổi mới chương trình đào tạo; quy chuẩn chứng chỉ hành nghề CPA, CA, CFA; yêu cầu về số lượng kế toán viên chuyên nghiệp; chất lượng dịch vụ.

Cũng cần lưu ý là AEC cho phép hình thành thị trường dịch vụ tự do, trong đó có tự do di chuyển thể nhân, lao động chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc sẽ có sự thừa nhận rộng rãi các chứng chỉ hành nghề, cùng kiểm soát chất lượng hành nghề và hoạt động của tổ chức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, AEC có định hướng tạo lập hệ thống kế toán ASEAN thống nhất cho DN. Điều này sẽ tạo ra nhiều thay đổi và yêu cầu mới cho các DN trong việc thực thi và tuân thủ các chuẩn mực kế toán mới.

Mặc dù theo thống kê của Bộ Tài chính, để chuẩn bị hội nhập quốc tế trước khi các hiệp định thương mại quan trọng như TPP chính thức có hiệu lực, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp lý và chuẩn mực kế toán hoàn chỉnh, với nhiều nội dung phục vụ cho hội nhập và phát triển kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trước thềm hội nhập là lực lượng kế toán, kiểm toán của Việt Nam còn mỏng, hiện chỉ có gần 5.000 người có chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế. Số lượng này so với những quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan là rất khiêm tốn.

Bộ Tài chính cũng thống kê, thị trường dịch vụ kiểm toán hiện nay gồm 150 DN, phục vụ khoảng 40.000 khách hàng, bao gồm DN nước ngoài và trong nước. Để các DN xây dựng một hệ thống tài chính kế toán bài bản, Việt Nam cần gấp rút có những chiến lược phù hợp để bổ sung nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện tại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là không dễ.

Bởi vậy, để kiểm toán viên của Việt Nam đạt được trình độ ít nhất là ngang bằng trình độ kiểm toán viên của khu vực, bản thân từng kiểm toán viên phải tăng cường kiến thức và khả năng để đạt mặt bằng chung đó.

DN kiểm toán cũng phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời phải tổ chức quản trị DN tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh, phát triển thương hiệu, uy tín công ty trong nước cũng như trong khu vực.

Tin bài liên quan