Thách thức ở chính mình

Thách thức ở chính mình

(ĐTCK) Thách thức lớn nhất trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được các chuyên gia phân tích nhận định, đó là làm thực chất, chứ không phải hình thức.

Dẫn lại câu chuyện về cổ phần hóa để cho thấy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất hình thức, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay, việc cổ phần hóa doanh nghiệp mới đạt về số lượng, nhưng bản chất thì chưa. Đó là, không đạt trong thay đổi cơ cấu sở hữu, không đạt về mô hình quản trị hiện đại của doanh nghiệp… 

Từ năm 2011 đến tháng 9/2016, đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong cổ phần lần đầu. Trong đó, chỉ 60% bán được hết số cổ phần, ứng với 254 doanh nghiệp, còn lại 40% chưa bán hết cổ phần, ứng với 172 doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn còn vốn của Nhà nước sau khi cổ phần như Lilama có 98%, Vietnam Airlines có 95,5%, Petrolimex có 94,99%, VNSteel có 93,6%, ACV có 92%…

“Bởi thế, cái tên doanh nghiệp dù đã được thay đổi, chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang cổ phần, song bản chất chẳng có gì thay đổi. Nếu trong giai đoạn mới, chúng ta vẫn chỉ thích thành tích, thì sẽ khó có sự thay đổi đột phá nào. Các doanh nghiệp cần lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, chứ không phải thay đổi mỗi cái tên”, ông Kiên nói.

Quan điểm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải giao cho những người làm chủ thật sự, được chính bản thân những nhà quản lý doanh nghiệp cổ phần trước đây là doanh nghiệp nhà nước ủng hộ. Nếu không, cứ cổ phần hóa nửa vời, doanh nghiệp sẽ ngày càng giảm sức cạnh tranh, thiếu các nguồn lực đại chúng tham gia, doanh nghiệp khó lớn lên được. Thậm chí, nói như bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco, còn có nhiều doanh nghiệp không muốn “lớn”, phấn đấu “nghèo” để được hỗ trợ. Hay doanh nghiệp ngại “lớn”, vì càng lớn, thủ tục hành chính càng nhiều, càng phải thường xuyên đón các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Doanh nghiệp ngày càng “nhỏ” đang là thách thức “không nhỏ” mà quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải giải quyết. Bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam qua mô tả của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), là rất đáng ngại, bởi quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi, kém hiệu quả đi. Hiện 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế.

Cứ 10 đồng xuất khẩu tại Việt Nam, thì khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay chiếm chưa đến 3 đồng. Năng suất sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang giảm dần, họ cũng không có lợi thế về công nghệ, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Trong bối cảnh như vậy, chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lớn, cổ phần hóa thực chất các doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân, khi các nhà đầu tư có nhiều cơ hội chọn lựa bỏ vốn.

Việc phân bổ các nguồn lực nhà nước cũng sẽ giảm bớt tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như hiện nay, tạo cơ hội cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hóa đều có sân chơi để chứng tỏ vị thế của mình.

Tin bài liên quan