Nhìn lại các DN niêm yết, không ít DN đã tăng vốn mạnh trước khi lên niêm yết

Nhìn lại các DN niêm yết, không ít DN đã tăng vốn mạnh trước khi lên niêm yết

Tăng vốn “khủng” trước niêm yết: Trường hợp của GTN, NDF, DHP

(ĐTCK) Nhìn lại các DN đã niêm yết, không khó để nhận ra, việc tranh thủ tăng vốn trước khi ra “ánh sáng” là cách mà nhiều DN lựa chọn.

Những DN bùng nổ trong chớp nhoáng

Thành lập ngày 30/5/2011, CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (gọi tắt Công ty Thống Nhất, mã GTN) có vốn điều lệ thực góp 25 tỷ đồng trên vốn điều lệ đăng ký 80 tỷ đồng, với 10 cổ đông sáng lập đều là các nhà đầu tư cá nhân. Năm 2012, GTN lãi 4,17 tỷ đồng. Sang năm 2013, GTN có bước phát triển thần kỳ, với việc chào bán thêm 600 tỷ đồng mệnh giá cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên 680 tỷ đồng.

Trong năm này, Công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực, đạt 23,49 tỷ đồng. Năm 2014, GTN trở thành công ty đại chúng, niêm yết và báo lãi 86,456 tỷ đồng sau thuế. Với kết quả này, GTN tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% vốn điều lệ, đồng thời tiếp tục xin kế hoạch tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng! Một trường hợp điển hình về huy động vốn tốt trên TTCK.

BCTC cuối năm 2014 của GTN cho thấy, trong cơ cấu tài sản của Công ty thời điểm 31/12/2014, GTN có 464,118 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn, trong đó bao gồm 2 khoản phải thu lớn là phải thu khách hàng (259 tỷ đồng) và phải thu khác (chủ yếu là thu bán cổ phần các cá nhân) gần 110 tỷ đồng; gần 226 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình và 204 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác.

Trong danh mục công ty liên kết của GTN, có một khoản đầu tư khá ấn tượng, là 24,86% vốn điều lệ CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (mã VDL, nay đã nâng sở hữu lên 35% thông qua chào mua công khai thêm cổ phiếu VDL) - một DN có hiệu quả kinh doanh tốt, hiện mức vốn hóa gần 144 tỷ đồng (tính theo thị giá ngày 14/5/2015).

Thế nhưng, việc quy mô vốn điều lệ tăng tới 8,5 lần trước khi thực hiện niêm yết và giá cổ phiếu giảm mạnh kể từ ngày chào sàn khiến NĐT không khỏi băn khoăn. Diễn biến tăng trần 9 phiên liên tiếp trước khi quay trở về mức giá dưới giá chào sàn cũng khiến NĐT càng thêm phần nghĩ ngợi.

Thua rất xa so với Công ty Thống Nhất về quy mô vốn, nhưng xét về tốc độ, CTCP Thực phẩm Nam Định cũng không hề kém cạnh DN nào về tốc độ tăng vốn.

Tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh thịt xuất khẩu, thuộc Sở Nông Lâm nghiệp Hà Nam Ninh, đến cuối năm 1999, Công ty chuyển mô hình hoạt động sang CTCP với tên gọi mới: CTCP Chế biến Thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định, với vốn điều lệ đăng ký 3,7 tỷ đồng. Thế nhưng, phải đến tháng 3/2013, công ty này mới đạt được mục tiêu đưa vốn điều lệ thực góp bằng đúng vốn đăng ký.

Nhưng, đó là câu chuyện quá khứ. Chỉ trong 4 tháng tính từ tháng 11/2013 đến 2/2014, Thực phẩm Nam Định đã lột xác hoàn toàn, tăng vốn điều lệ liên tục thông qua phát hành cổ phiếu thưởng (tăng vốn từ 3,7 tỷ đồng lên 12,95 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng vốn từ 12,95 tỷ đồng lên 56,538 tỷ đồng) với mục tiêu cơ cấu nợ và đầu tư mới. Tăng vốn điều lệ 15,32 lần trong 4 tháng trước niêm yết, Nông sản Nam Định mới thực sự là kỳ tích!

Và lẽ dĩ nhiên, sau khi hoàn tất tăng vốn, Công ty lập tức… đại chúng hóa vào tháng 7/2014, được chấp thuận niêm yết vào tháng 8/2014. Cổ phiếu NDF chính thức niêm yết sau đó 1 tháng. Chỉ có một nỗi buồn nho nhỏ cho NĐT tham gia mua cổ phiếu này là, ở thời điểm hiện tại, giá NDF chỉ còn 1/3 so với khi chào sàn. Còn so sánh với mức giá đỉnh được xác lập ngay sau chuỗi ngày tăng giá dựng đứng sau niêm yết, cổ phiếu này đã mất giá trên 80%!

Bi hài cổ đông mới

Niêm yết năm 2013, cổ phiếu DHP của CTCP Cơ điện Hải Phòng cũng ghi dấu ấn cho NĐT, khi liên tục công bố lợi nhuận tích cực. Giai đoạn 2012 - 2014, lợi nhuận sau thuế của DHP lần lượt là 14,057 tỷ đồng; 15,989 tỷ đồng và 15,49 tỷ đồng trên vốn điều lệ gần 95 tỷ đồng. Thế nhưng, cổ đông DHP cũng đã có lần rơi nước mắt vì mua cổ phiếu chờ chia cổ tức mà không được do quỹ lợi nhuận chưa phân phối bị âm. Nguyên nhân của việc này lại đến từ một nghiệp vụ chia thưởng khá... vui tính!

Trước khi niêm yết (đầu năm 2013), chỉ trong vòng 1 năm, DHP đã tăng gấp 4 lần quy mô vốn điều lệ, từ con số vốn ban đầu 16,9 tỷ đồng, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng và phát hành riêng lẻ 3,4 triệu cổ phần. Trong đó, có tới 1/3 vốn điều lệ được tăng thêm được hình thành từ nguồn lợi nhuận trong thương vụ công ty mẹ bán tài sản cho công ty mà mình sở hữu 90% vốn điều lệ!

Với một DN niêm yết, thương vụ trên đương nhiên không được chấp nhận, nhưng DHP lại “trót lọt” khi triển khai tất cả lúc còn là DN chưa đại chúng. Tất nhiên, đến thời điểm này, kết quả kinh doanh của DHP cũng không hề kém so với mặt bằng chung, với mức chia cổ tức năm 2014 lên tới 10% vốn điều lệ bằng tiền. Tuy nhiên, với diễn biến giá của nhiều trường hợp cổ phiếu khác, khó lòng để NĐT không có chút gờn gợn về những DN tăng vốn khủng trước ngày niêm yết.

Tin bài liên quan