Tăng sức ép minh bạch

Tăng sức ép minh bạch

(ĐTCK) Mới đây, ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã ký ban hành Thông tư 02/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Thông tư 02/2015/TT-BKHĐT quy định cụ thể quy trình, nội dung, phương tiện công bố thông tin theo hướng tiếp cận các chuẩn minh bạch thông tin trên TTCK. Cụ thể, ngoài việc phải công khai: BCTC bán niên và năm; các khoản tiền lương, thưởng, doanh nghiệp nhà nước còn phải công bố thông tin theo yêu cầu trong thời hạn 24 giờ; công khai thông tin đột xuất, bất thường trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu…

Với việc đưa các chuẩn minh bạch thông tin trên TTCK vào áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “luật hóa” một thông điệp lớn mà lãnh đạo Chính phủ nêu ra từ nhiều năm nay: chuẩn minh bạch thông tin trên TTCK là hình mẫu mà quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần… noi gương.

Thông tư 02/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 22/6 tới đây, được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển rõ nét trong việc dần minh bạch hơn hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Với lý lẽ doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân, có tính đại chúng còn cao hơn cả doanh nghiệp đại chúng trên TTCK, nên người dân còn có đòi hỏi cao hơn: doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch hơn cả doanh nghiệp trên TTCK, chứ không chỉ dừng lại ở mức tiệm cận các chuẩn minh bạch trên TTCK.

Nhưng có thể khẳng định rằng, dù yêu cầu công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước có đuổi kịp khối doanh nghiệp niêm yết thì vẫn còn... chưa đủ. Bản thân yêu cầu công khai thông tin của các doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa đạt yêu cầu như nhà đầu tư mong muốn.

Thực tế, Thông tư 52/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, đang được Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sửa đổi theo hướng buộc các doanh nghiệp minh bạch thông tin hơn nữa so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc sửa đổi Thông tư 52/2012 nếu quá thiên về cải cách hình thức công bố thông tin như các lần sửa đổi trước đây, mà thiếu đột phá về “chất”, thì khó thay đổi được hiện trạng không ít doanh nghiệp công bố thông tin theo kiểu đối phó, vòng vo, không đi thẳng vào bản chất sự việc, vấn đề, gây bức xúc cho nhà đầu tư.

Gần đây, nhà đầu tư, trong đó có cả tổ chức đầu tư lớn nước ngoài, không khỏi bức xúc vì Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (GAS) công bố mua cổ phiếu quỹ với khối lượng “khủng” trong thời gian rất ngắn, mà như quan sát của nhà đầu tư, với thanh khoản của GAS, thì trong ngần ấy thời gian, GAS khó có thể mua đủ lượng cổ phiếu đã công bố. nhà đầu tư không phải không có lý khi đặt mối nghi ngờ về động thái công bố thông tin mua lượng cổ phiếu khủng của GAS trong thời gian ngắn như vậy.

Một khi các yếu tố “đầu vào” cho TTCK như: doanh nghiệp nhà nước, kinh tế vĩ mô… có thêm những bước tiến minh bạch, thì sẽ là vị “thuốc bổ” trợ dưỡng cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi với thị trường tồn tại và phát triển bằng niềm tin như TTCK, bản thân TTCK còn phải “tăng điểm” cho chỉ số minh bạch hơn nữa, để đáp ứng kỳ vọng lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan