Tăng giám sát và trách nhiệm giải trình

Tăng giám sát và trách nhiệm giải trình

(ĐTCK) Sau nhiều công văn “truy đến cùng” về câu chuyện nhân sự tại Sabeco, thoái vốn nhà nước và đưa cổ phiếu Sabeco, Habeco lên niêm yết, mới đây Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã nhận được công văn trả lời của Bộ Công Thương. 

Dù nhiều vấn đề còn để ngỏ và đang tiếp tục được làm rõ, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý liên quan đến 2 doanh nghiệp (DN) dẫn đầu ngành bia Việt Nam, trong đó điểm nhấn là việc sẽ thoái bớt vốn nhà nước xuống 50% và đưa Sabeco niêm yết trên HOSE.

Chắc chắn rằng, VAFI và giới đầu tư sẽ không dừng ở đây, họ sẽ tiếp tục dõi theo lời hứa và phản ánh câu chuyện thực hiện lời hứa. Có một điều dễ thấy là, nếu Sabeco niêm yết cổ phiếu trên HOSE, tuân thủ các quy định và nghĩa vụ công bố thông tin như các DN niêm yết, DN sẽ minh bạch và hiệu quả hoạt động có cơ hội cải thiện, đồng nghĩa với vốn nhà nước sẽ gia tăng hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói rằng, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, vốn nhà nước đã được chứng minh là thường được sử dụng và quản lý kém hiệu quả hơn các thành phần kinh tế khác. Bởi đã là sở hữu nhà nước bao giờ cũng được quản lý theo cơ chế đại diện, hay nói cách khác vắng ông chủ thật sự “bằng xương bằng thịt”, xung đột lợi ích giữa người đại diện và chủ sở hữu do đó rất dễ xảy ra.

Chỉ có thể giảm thiểu những hạn chế này bằng cách tăng giám sát và trách nhiệm giải trình, gắn với thưởng phạt công minh. Đưa các DN có vốn nhà nước lên sàn là một trong những cách gia tăng giám sát và trách nhiệm giải trình của DN, góp phần gia tăng hiệu quả quản lý vốn nhà nước.

“DN chưa lên sàn, hãy buộc họ thực hiện nghiêm các quy định về công bố thông tin áp dụng cho DNNN”, ông Thành nói.

Thực tế, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc hệ thống giám sát DNNN, DN có vốn nhà nước chi phối lâu nay rất hổng về thông tin. Đây là một điểm yếu lớn nhất về quản trị DN. Hệ quả là, chủ sở hữu (tức Nhà nước) và người dân không nắm bắt được thực trạng hoạt động của DN.

Từ đó, nhiều quyết định sai lầm đã được DN và một bộ phận cơ quan quản lý vốn của DN đưa ra, gây tổn hại đến DN, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Đơn cử như những câu chuyện về Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy sơ sợi Đình Vũ (Pvtex), hay trước đó là Vinashin và Vinalines…ngập chìm trong thua lỗ.

Vì thiếu thông tin nên một hệ thống cảnh báo và ngăn ngừa từ xa những yếu kém, những quyết định dễ mắc sai lầm của DNNN được thiết lập từ người dân, các tổ chức độc lập, giới chuyên gia… không thể hình thành, đến khi mọi chuyện buộc phải bung ra, hậu quả và thiệt hại đổ dồn lên vai... Nhà nước.

Không chỉ có Sabeco, gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, các tập đoàn, tổng công ty yêu cầu về việc thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 81/2015/N Đ-CP về công bố thông tin của DNNN. Thực tế đã cho thấy DN càng hoạt động minh bạch và tuân theo các quy định quản trị tiên tiến, càng phát triển bền vững và gia tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập toàn cầu.

Tin bài liên quan