Xác định được dòng tiền thị trường mới có cơ hội mang lại lợi nhuận đột biến cho NĐT

Xác định được dòng tiền thị trường mới có cơ hội mang lại lợi nhuận đột biến cho NĐT

Tầm ngắm dòng tiền mùa đại hội

(ĐTCK) Cổ phiếu của những doanh nghiệp có thông tin nới tỷ lệ sở hữu vốn ngoại (room) đang thu hút nhiều NĐT. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn doanh nghiệp, CTCK Maybank KimEng (MBKE) cho rằng, câu chuyện nới room sẽ có tác động xuyên suốt đến thị trường trong mùa ĐHCĐ năm nay, bên cạnh đó là nhiều yếu tố khác.

Thông tin về việc nới room đang tác động như thế nào đến thị trường, theo ông?

Thông tin về việc nới room đang có những tác động tích cực đến thị trường, thậm chí nhiều NĐT hỏi nhau thông tin các DN nào chuẩn bị nới room để đầu tư.

Trong giai đoạn tích cực vừa qua thì thông tin nới room cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho các DN có thông tin này và thị trường chung được hưởng lợi. Thông tin này sẽ có tác động đến hết mùa ĐHCĐ năm nay.

Tuy nhiên, về trung hạn, nếu chỉ có thông tin nới room sẽ khó hỗ trợ được cho thị trường, mà còn cần nhiều thông tin tích cực khác. Thực tế, nhiều DN trên thị trường chưa cần nới room, nhưng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài rất thấp, số DN kín room là không nhiều. 

Ngoài nới room, NĐT đang kỳ vọng gì từ mùa ĐHCĐ năm nay?

Bên cạnh thông tin về room ngoại, những vấn đề đang được cổ đông và NĐT quan tâm là triển vọng của DN và định hướng phát triển trong năm 2016, DN tận dụng được gì từ những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như các bước thực hiện, các dự án mới của DN, cách ứng phó với các rủi ro như tỷ giá, các vấn đề trên thế giới tác động đến Việt Nam.

Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP bao gồm dệt may, đồ gỗ, xe hơi, xuất nhập khẩu, thực phẩm, cảng biển, khu công nghiệp… nhờ được dỡ bỏ về thuế và quy định sử dụng các thành phần thuộc các nước thành viên TPP. Các ngành khác như bất động sản, chứng khoán, tài chính, bảo hiểm cũng sẽ được “ăn theo” TPP do cung cấp dịch vụ cho các ngành mở cửa theo TPP.

Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro rất được các NĐT, cổ đông của DN quan tâm.

Ông Phan Dũng Khánh 

Kết quả kinh doanh quý I/2016 của các DN đang được NĐT chờ đợi. Ông có cho rằng, yếu tố này sẽ tạo ra diễn biến phân hóa giữa các dòng cổ phiếu trong thời gian tới?

Kết quả kinh doanh chỉ là một phần, TTCK đã nhiều lần chứng minh những cổ phiếu cơ bản tốt đôi khi không có sự bứt phá về giá bằng những cổ phiếu đầu cơ, có mức tăng giá mà những cổ phiếu cơ bản có thể phải mất hàng năm mới đạt được. Điều này phụ thuộc vào dòng tiền thị trường, rất khác biệt với dòng tiền DN.

Dòng tiền DN tốt, nhưng dòng tiền thị trường không có, giá cổ phiếu sẽ khó có thể tăng và ngược lại. Xác định được dòng tiền thị trường mới có cơ hội mang lại lợi nhuận đột biến cho NĐT như “sóng” cổ phiếu dầu khí nửa đầu năm 2014, “sóng” ngân hàng năm 2015, hay đầu năm 2016 là “sóng” cổ phiếu khoáng sản, dược phẩm...

Tuy nhiên, với NĐT trung và dài hạn, thì các khoản đầu cơ luôn có rủi ro lớn, vì dòng vốn vào nhanh nhưng cũng rút ra nhanh. Các cổ phiếu nền tảng sẽ tốt hơn trong dài hạn, dù giá cổ phiếu đôi khi tăng chậm hơn do thường nhận được những dòng tiền dài hạn.

Bởi thế, sự phân hóa sẽ rõ hơn trong dài hạn với những cổ phiếu có nền tảng tốt, còn với cổ phiếu đầu cơ thì diễn biến giá gần như diễn ra ngay lập tức, đôi khi không liên quan đến kết quả kinh doanh của DN.

Trong ngắn hạn, thị trường vẫn được đánh giá là tích cực, song để VN-Index vượt qua mốc 580 điểm, có lẽ cần có động lực mới để thúc đẩy dòng tiền. Ở giai đoạn hiện tại, đâu là điểm tựa thúc đẩy thị trường, theo ông?

Đó chính là khối ngoại, thị trường quốc tế vốn tác động mạnh đến TTCK Việt Nam. Ngoài ra, vĩ mô tại Việt Nam, tỷ giá và xu hướng dòng tiền dịch chuyển giữa các kênh chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm, vàng...

Nếu những yếu tố kể trên đều thuận lợi thì không chỉ 580 điểm, mà cả những mốc cao hơn cũng sẽ được chinh phục và nhiều cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh tích cực cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của dòng tiền. Ngược lại, việc dò đáy và cổ phiếu “lau sàn” sẽ lại xuất hiện.

Tin bài liên quan