BCTC quý I/2015 có thể DN chưa phải áp dụng các quy định tại TT200, nhưng sẽ phải áp dụng đối với BCTC năm

BCTC quý I/2015 có thể DN chưa phải áp dụng các quy định tại TT200, nhưng sẽ phải áp dụng đối với BCTC năm

Tài chính của doanh nghiệp niêm yết sẽ bớt “tranh tối, tranh sáng”

(ĐTCK) Lãnh đạo Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính, cho biết, từ năm 2015, việc áp dụng Thông tư 200/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài chính sẽ giúp phản ánh sức khỏe tài chính của các DN niêm yết rõ nét hơn.

Khó vì quá ít thời gian chuẩn bị…

Đó là phản ánh của các DN tại Hội thảo “Cập nhật thông tin chế độ kế toán doanh nghiệp” do Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP. HCM (HOSE) phối hợp với Vụ Chế độ kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính vừa tổ chức trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ quản trị công ty lần thứ 2 của HNX, với sự tham dự của hơn 300 DN niêm yết và đăng ký giao dịch tại phía Bắc. Một hội thảo có nội dung tương tự cũng sẽ được tổ chức tại TP. HCM vào ngày 24/4 tới.

Theo TS. Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán, Thông tư 200/2014 (TT200) có 5 điểm thay đổi nổi bật về: đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính (BCTC), chứng từ kế toán và sổ kế toán.

Vì có nhiều điểm thay đổi như vậy, cộng với thời gian chuẩn bị quá gấp, do TT200 được ban hành ngày 22/12/2014, nhưng áp dụng ngay với kỳ lập BCTC quý I/2015, nên theo phản ánh của các DN, họ gặp nhiều khó khăn trong tuân thủ chế độ kế toán mới. Bởi vậy, trong phần đặt câu hỏi cho lãnh đạo Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán, DN nêu vấn đề, liệu họ có thể vẫn áp dụng các quy định tại Quyết định 15/2006 (văn bản mà TT200 thay thế) để lập các BCTC quý, bán niên trong năm nay để có thời gian chuẩn bị về hệ thống phần mềm, đào tạo nhân sự… trước khi lập BCTC năm 2015 theo quy định tại TT200?

Giải đáp thắc mắc trên, bà Hà cho biết, cơ quan quản lý chia sẻ với khó khăn của các DN, vì đúng là thời gian áp dụng TT200 hơi gấp, trong khi những điểm mới tại văn bản này so với quy định hiện hành khá nhiều, nên DN gặp khó khăn trong áp dụng. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để có thể chưa áp dụng ngay các quy định tại TT200 vào lập BCTC quý I/2015, nhưng sẽ phải áp dụng đối với BCTC năm 2015.

Tuy TT200 có nhiều điểm mới theo thông lệ quốc tế, nhưng theo Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam Vũ Đức Nguyên, hiện còn rất nhiều điểm khác biệt giữa chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) như: giá trị hợp lý, công cụ tài chính, suy giảm giá trị tài sản... Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được thực hiện trong thời gian tới, nên cần sự quyết tâm và tổ chức thực hiện của lãnh đạo DN, bởi IFRS ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của DN. 

“Sức khỏe tài chính DN niêm yết sẽ rõ nét hơn...”

Bà Hà cho biết như thế khi trả lời một vấn đề mà nhiều DN, giới đầu tư quan tâm, là những điểm mới của TT200 sẽ tác động ra sao đến ghi nhận bức tranh tài chính của các DN niêm yết.

Sở dĩ như vậy là bởi theo quy định tại TT200, việc trích lập dự phòng sẽ hợp lý hơn, DN phải ghi nhận doanh thu thận trọng hơn... Kỳ lập báo cáo niên độ sẽ gồm BCTC quý (cả quý IV) và bán niên. Nổi bật hơn cả là có thêm các quy định mới về xây dựng nguyên tắc kế toán và BCTC khi DN không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Phần thuyết minh BCTC cũng có nhiều sự thay đổi: đối với chứng từ kế toán, DN được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán và đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Về sổ sách kế toán, DN được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình, nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch và đầy đủ.

Theo bà Hà, TT200 không chỉ giải quyết những tồn tại bộc lộ trong 10 năm qua, mà còn phù hợp với thực tiễn, khả thi, tôn trọng bản chất hơn hình thức. Thông tư được xây dựng trên nền tảng linh hoạt và mở, lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành ra quyết định kinh tế của DN, phục vụ nhà đầu tư và chủ nợ làm trọng tâm; không kế toán vì mục đích thuế. Các quy định tại Thông tư cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tách biệt kỹ thuật kế toán trên tài khoản và BCTC, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người hành nghề.

Tin bài liên quan