T+0, cần có sự thống nhất cao hơn từ thị trường

T+0, cần có sự thống nhất cao hơn từ thị trường

(ĐTCK) Theo các CTCK, quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng (T+0) tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74/2011/TT-BTC quá khắt khe.

Trao đổi với ĐTCK bên lề Đại hội nhiệm kỳ III (2015-2020) của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo nhiều CTCK cho rằng, cần điều chỉnh một số quy định tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 74/2011/TT-BTC, đặc biệt là quy định về điều kiện thực hiện giao dịch trong ngày (T+0), vì sự phát triển ổn định của  TTCK.

Nhận xét chung được nhiều CTCK đưa ra, đó là quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng (T+0) tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74/2011/TT-BTC quá khắt khe, đặc biệt là quy định vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu phải đáp ứng điều kiện tối thiểu 800 tỷ đồng trở lên. Theo các CTCK, nếu Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên những quy định trên thì trên thị trường sẽ chỉ có khoảng hơn 10 CTCK được thực hiện nghiệp vụ T+0.

“Nếu chỉ một bộ phận nhỏ CTCK được thực hiện nghiệp vụ T+0 thì sẽ rất bất lợi cho những CTCK còn lại, thậm chí điều này có thể gây hỗn loạn thị trường. Ban soạn thảo cần đưa ra các điều kiện phù hợp hơn vì nó liên quan đến sự sống còn của nhiều CTCK”, lãnh đạo một CTCK bày tỏ quan điểm.

Trước đây, liên quan đến dự thảo về hoạt động chứng khoán phái sinh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng đưa ra điều kiện CTCK muốn tham gia thị trường phái sinh phải đáp ứng tiêu chuẩn cao về vốn (vốn tự doanh từ 600 tỷ đồng trở lên), giá trị môi giới đạt trên 800 tỷ đồng), song các CTCK không phản ứng, bởi phái sinh là nghiệp vụ hoàn toàn mới mẻ và lộ trình dự kiến ít nhất sang năm 2016 mới có thể đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, nghiệp vụ T+0 đang gắn với hoạt động môi giới hiện tại của khối CTCK.

Chính vì vậy, theo VASB, cần phải điều chỉnh điều kiện để đảm bảo cho ít nhất một nửa số CTCK đang tồn tại có thể thực hiện nghiệp vụ này (tương đương khoảng 50 CTCK). Một số CTCK lại cho rằng, trong trường hợp chưa giảm thời gian giao dịch về T+0 thì có thể thực hiện trước việc giảm thời gian thanh toán từ T+3 về T+2 trước.

Trên thực tế, nhóm CTCK đủ các điều kiện để thực hiện giao dịch T+0 như dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74/2011 hiện đang chiếm gần 80% thị phần giao dịch, nên về lý thuyết có thể coi là đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường, nhà đầu tư. Nhưng điều đó có nghĩa là gần 80 CTCK khác có thể đứng trước nguy cơ mất thị phần môi giới nhỏ bé còn lại. Vì sẽ khó tránh được khả năng nhà đầu tư rút tài khoản tại những công ty nhỏ này chuyển sang mở tài khoản tại các CTCK được triển khai gia dịch T+0, làm xáo động nhất định đến hoạt động trên thị trường.

Trước ý kiến lo ngại hệ thống công nghệ của nhiều CTCK khó đáp ứng yêu cầu cung cấp margin khi NĐT giao dịch trong ngày khi Thông tư sửa đổi Thông tư 74 đi vào thực tiễn, đại diện nhiều CTCK cho rằng, hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK hiện nay có thể đáp ứng được các giao dịch trên, song các CTCK cần quan tâm nhiều hơn vấn đề quản trị rủi ro. Bởi ngay ở thời điểm hiện tại, vẫn nhiều CTCK mắc lỗi phải hủy lệnh, hiện tượng thiếu tiền, thiếu chứng khoán vẫn xảy ra đối với các CTCK, Trung tâm Lưu ký (VSD) vẫn thường xuyên đưa ra các nhắc nhở, cảnh báo.

Cho phép NĐT mua bán trong ngày là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng các CTCK đều mong muốn, khi cung cấp dịch vụ môi giới phải được bình đẳng và chính sách cũng hướng đến tính công bằng và đảm bảo quyền lợi cho CTCK, cho NĐT như nhau. Nhiều NĐT cho rằng, dự thảo nên căn cứ trên độ an toàn tài chính, trình độ quản trị rủi ro và đảm bảo yêu cầu về tính minh bạch.

Đại diện VASB cho biết, hiện tại, UBCK vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của các thành viên trên thị trường và dự kiến kết thúc vào ngày 17/7 tới. Sau đó, VASB dự kiến sẽ phối hợp cơ quan quản lý tổ chức hội thảo liên quan đến dự thảo Thông tư 74, để các thành viên ngồi lại với nhau, từ đó “mổ xẻ”, xem xét để kiến nghị sửa đổi các nội dung của dự thảo mới liên quan đến vấn đề mua bán trong ngày.    

Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74/2011/TT-BTC được UBCK đưa ra lấy ý kiến có định nghĩa về giao dịch mua bán trong ngày. Theo đó, giao dịch này được thực hiện thông qua việc NĐT bán số chứng khoán đã mua từ lệnh mua đã được thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch (mua trước – bán sau); hoặc NĐT mua thêm chứng khoán để bù lại số chứng khoán đã bán trước đó  (bán trước - mua sau).

Đối với việc bán trước - mua sau, kết thúc ngày giao dịch, số chứng khoán bán (bao gồm chứng khoán đã có trên tài khoản của NĐT, chứng khoán chờ về và chứng khoán vừa mua trong cùng ngày giao dịch) không được nhiều hơn số lượng chứng khoán đã mua. Tức là phải tất toán trạng thái ngay trong ngày. Trong trường hợp số chứng khoán bán nhiều hơn số chứng khoán mua.

Nói cách khác, NĐT không có đủ số chứng khoán bán thì ngay trong ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm cho NĐT vay lượng chứng khoán còn thiếu. Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của CTCK hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các nhà đầu tư khác ...

Đại hội nhiệm kỳ III của VASB (2015 - 2020) đã bầu ra Ban chấp hành gồm 9 thành viên.

Ông Lê Văn Châu vẫn giữ vị trí Chủ tịch VASB

Ông Nguyễn Thanh Kỳ là Tổng thư ký.

3 Phó chủ tịch bao gồm: Ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc CTCK SBS; Ông Đỗ Hùng Việt, Chủ tịch HĐQT CTCK HSC; Bà Hoàng Hải Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK PSI.

Tin bài liên quan