Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, UBCK sẽ cân nhắc về thời hạn 24h hay 72h phải công bố bản tiếng Anh

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, UBCK sẽ cân nhắc về thời hạn 24h hay 72h phải công bố bản tiếng Anh

Sửa đổi thông tư công bố thông tin trên TTCK: Băn khoăn nhiều nội dung mới

(ĐTCK) Tại hội thảo “Hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin cho TTCK” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vừa tổ chức, các thành viên tham gia thị trường bày tỏ băn khoăn trước nhiều nội dung trong dự thảo Thông tư 52/2012/TT-BTC sửa đổi.

Trong đó, các nội dung liên quan đến quy định công bố thông tin (CBTT) bằng tiếng Anh, CBTT của cổ đông nội bộ, người có liên quan, CBTT về các loại hình quỹ đầu tư mới như quỹ mở, ETF… được đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, dự thảo Thông tư 52 sửa đổi yêu cầu phải CBTT bằng tiếng Anh đối với công ty đại chúng quy mô lớn và công ty niêm yết có vốn điều lệ thực góp từ 500 tỷ đồng trở lên hoặc có sở hữu nước ngoài từ 20% trở lên liên tục trong vòng 1 năm. Nội dung CBTT về trách nhiệm môi trường và xã hội của công ty phải được thể hiện trong báo cáo thường niên hoặc báo cáo phát triển bền vững.

Đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ CBTT ngang bằng với công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn. Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ nghĩa vụ CBTT của công ty quản lý quỹ đối với các danh mục đầu tư của chính công ty và danh mục đầu tư uỷ thác.

CBTT bằng tiếng Anh, cần lộ trình áp dụng

Bà Tạ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, thống kê trên TTCK, những công ty vừa có vốn thực góp trên 500 tỷ đồng, vừa có tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài trên 20% liên tục từ 1 năm trở lên có khoảng 100 doanh nghiệp trên HOSE (trong tổng số 358 doanh nghiệp niêm yết) và 34 doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Theo đó, những công ty này phải CBTT ở mức cao nhất, những công ty còn lại sẽ phân loại CBTT bằng tiếng Anh, chẳng hạn báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, nghị quyết HĐQT… Theo thông lệ một số nước châu Á, ngoại trừ những nước sử dụng tiếng Anh là tiếng phổ thông thì các nước còn lại hầu như yêu cầu doanh nghiệp CBTT bằng tiếng Anh trong vòng 1 ngày làm việc, sau khi CBTT bằng tiếng bản địa. Do đó, trong dự thảo Thông tư 52 sửa đổi, nội dung này dự kiến được đưa vào áp dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Đặng Xuân Thắng, Trưởng phòng Quan hệ khách hàng, Ngân hàng TMCP BIDV cho rằng, thời hạn CBTT bằng tiếng Anh như trên rất khó thực hiện, nếu là các thông tin có dung lượng nhỏ như báo cáo giao dịch, nghị quyết HĐQT thì có thể tuân thủ, nhưng với các thông tin dung lượng lớn như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên thì cần nhiều thời gian hơn để đảm bảo tính chính xác trong khâu dịch thuật và kiểm tra lại trước khi công bố.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, mặc dù SSI đã thực hiện báo cáo thường niên bằng tiếng Anh từ nhiều năm, nhưng thời hạn 1 ngày phải công bố bản tiếng Anh là yêu cầu khó đáp ứng. Ngay cả báo cáo kiểm toán, phải mất 10 ngày thì Công ty mới nhận được bản dịch. Đó là chưa kể, những báo cáo quý không có kiểm toán thì thời gian có thể lâu hơn, vì công ty tự dịch sang tiếng Anh với các thuật ngữ chuyên ngành, điều này là không dễ.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HCM) tán thành quy định CBTT bằng 2 ngôn ngữ Anh và Việt, dù còn khó khăn, nhưng đây là hướng phải làm trong tương lai để nâng tầm minh bạch cho doanh nghiệp Việt Nam.

Liên quan đến báo cáo thường niên, theo ông Giang, CBTT bằng hai thứ tiếng chỉ là hình thức, các doanh nghiệp cần chú trọng những nội dung thông tin trong báo cáo. Ngoài ra, các doanh nghiệp nếu thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, dù chỉ là bản tóm tắt, thì cũng rất tốt.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp tại hội thảo là UBCK cần đưa ra lộ trình khuyến khích doanh nghiệp trong thời gian 3 - 6 tháng, đồng thời nên có mẫu cho các thông tin bắt buộc phải công bố bằng tiếng Anh để doanh nghiệp dễ thực hiện hơn, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, sẽ cân nhắc về thời hạn 24h hay 72h phải công bố bản tiếng Anh.

CBTT với quỹ đại chúng, một số điểm GÓP Ý

Dự thảo Thông tư 52 sửa đổi thêm thành viên lập quỹ vào đối tượng người nội bộ, khi dự kiến giao dịch chứng khoán thì phải báo cáo trước ngày thực hiện giao dịch. Đây là nội dung được các CTCK, quỹ đầu tư cho là không phù hợp.

Ông Giang cho hay, đối với quỹ hoán đổi danh mục (ETF), trên thực tế, các nhà tạo lập thị trường chỉ là đơn vị yết giá chào mua, chào bán và không biết trước trong ngày giao dịch bao nhiêu, không có kế hoạch trước nên không thể CBTT trước giao dịch.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc Quỹ ETF VFMVN30 cho biết, theo Thông tư 229/2012/TT-BTC thì thành viên lập quỹ là CTCK có nghiệp vụ tự doanh, môi giới, hoặc ngân hàng lưu ký, công việc chủ yếu về mặt hình thức là tiếp nhận lệnh của NĐT chuyển vào hệ thống, như là một đơn vị trung gian nhận lệnh. Thành viên lập quỹ không có thông tin nội bộ nào của quỹ, do đó, đưa thành viên lập quỹ là đối tượng người có liên quan là chưa phù hợp.

Ngoài ra, các quy định CBTT về các báo cáo hàng hàng tuần, tháng, quý còn chung chung, trong khi đó, quỹ đại chúng lại gồm 3 loại là quỹ đóng, quỹ mở và quỹ ETF có đặc thù khác nhau. Chẳng hạn, quỹ ETF không có báo cáo tuần, báo cáo giá trị tài sản ròng (NAV) hàng tuần của ETF là không cần thiết, vì đã cáo cáo NAV hàng ngày.

Liên quan đến quy định CBTT đối với NĐT sở hữu trên 5% chứng chỉ quỹ niêm yết, trong dự thảo Thông tư 52 sửa đối có quy định, công ty quản lý quỹ phải CBTT đối với các danh mục đầu tư của chính công ty và danh mục đầu tư uỷ thác. Theo ông Khánh, quản lý đầu tư được phân thành 2 nhóm khách hàng chính là các quỹ đầu tư do công ty quản lý quỹ quản lý và nhóm khách hàng uỷ thác. Vậy trong quy định uỷ thác ở đây là nói về khách hàng uỷ thác vốn cho công ty quản lý quỹ hay nói về hợp đồng uỷ thác danh mục đầu tư, hay bao gồm tất cả quỹ đầu tư do công ty quản lý?

Đại diện Dragon Capital cho rằng, Thông tư 52 sửa đổi cần có sự thống nhất trong định nghĩa và sử dụng từ. Chẳng hạn, trong toàn bộ Điều 25 của dự thảo Thông tư đều quy định “người có liên quan”, trong khi khái niệm “người có liên quan” không tồn tại, mà chỉ có khái niệm “nhóm người có liên quan”. Ngoài ra, mục tiêu của dự thảo Thông tư là áp dụng thông lệ quốc tế, nhưng hiện định nghĩa “người có liên quan” trong dự thảo chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

“Chúng tôi không sợ quy định chặt chẽ, khắt khe, chỉ sợ quy định không rõ ràng”, vị này nói.

Cần thống nhất và quy định rõ hơn

Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ tháng 7/2015 cũng đặt ra nhiều vấn đề phải thay đổi liên quan đến nghĩa vụ CBTT và quản trị công ty. Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE đánh giá, quy định về người đại diện theo pháp luật và con dấu là hai vấn đề đột phá với doanh nghiệp, nhưng dưới góc độ cơ quan quản lý như HOSE thì gặp một số khó khăn nhất định. Theo quy định mới, một công ty có quyền có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật và tất cả các trách nhiệm đại diện pháp luật được quy định rõ. Về phía doanh nghiệp niêm yết, người chịu trách nhiệm CBTT là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện pháp luật được uỷ quyền. Vậy cũng cần quy định rõ ai là người chịu trách nhiệm về CBTT của công ty và quy chế đảm bảo thông tin đưa ra ngoài là chính thống và duy nhất.

Cũng quy định này nhưng đối với NĐT nước ngoài, đại diện HSBC cho rằng, việc CBTT của tổ chức phải do người đại diện pháp luật công bố cũng gây khó khăn, vì chỉ có khái niệm người đại diện CBTT, người có thẩm quyền CBTT và khái niệm này không nói rõ áp dụng cho NĐT trong nước hay nước ngoài. Các văn bản liên quan hiện quy định, NĐT nước ngoài phải chỉ định người đại diện CBTT của nhóm NĐT, nhưng không có quy định, biểu mẫu nào để NĐT nước ngoài có thể xử lý trường hợp phát sinh thay đổi nhóm NĐT (có NĐT gia nhập hoặc rút khỏi nhóm).

Ngoài ra, dự thảo Thông tư 52 sửa đổi mới chỉ đề cập tới đơn vị tổ chức và tham gia TTCK, còn các tổ chức khác có liên quan như Tổng cục Thống kê (công bố chỉ số CPI) thì chưa quy định. Trong khi đó, những thông tin như CPI, GDP có ảnh hưởng rất nhiều tới TTCK, chỉ cần rò rỉ thông tin, NĐT nào biết trước sẽ kiếm được lợi, gây mất cân xứng thông tin trên thị trường.

“Cũng nên có quy định CBTT đối với những cơ quan này. Tại các nước phát triển, các tổ chức như Tổng cục Thống kê đều có lịch CBTT và họ sẽ công bố theo đúng lịch đã đưa ra”, ông Giang nói.

Tin bài liên quan