Điều khiến cổ đông bức xúc là cách JVC che giấu thông tin và giao dịch của cổ đông nội bộ

Điều khiến cổ đông bức xúc là cách JVC che giấu thông tin và giao dịch của cổ đông nội bộ

Sự cố JVC biểu tượng cho ‘nỗi đau’ 2015

(ĐTCK) Một trong 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2015 được Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán bình chọn chính là trường hợp cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật gây sốc cho cổ đông, biểu tượng cho “nỗi đau” của nhà đầu tư năm này.

Năm 2015, 2015, nguyên Chủ tịch HĐQT JVC là ông Lê Văn Hướng bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng, quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự. Thực tế, trên sàn có không ít lãnh đạo DN bị khởi tố vì nhiều lý do, nhưng trong trường hợp của JVC, cách hành xử của cổ đông nội bộ đã gây ra làn sóng phẫn nộ cho cổ đông trong một thời gian dài và tạo ra hình ảnh xấu trong mắt NĐT nước ngoài.

Giá cổ phiếu JVC trong năm 2015 đã giảm từ mức đỉnh 25.000 đồng/CP xuống quanh mức 5.000 đồng/CP hiện nay. So với cuối năm 2014, giá cổ phiếu này giảm 69,46%.

Trước khi xảy ra sự cố, JVC được coi là một cổ phiếu an toàn cho các quỹ ngoại. Trong bản cáo bạch phát hành tăng vốn vào tháng 10/2014, JVC “tự hào” cho rằng, mình là đại lý độc quyền và nhà phân phối chính thức của các tập đoàn hàng đầu về thiết bị y tế công nghệ cao vào thị trường Việt Nam, một ngành nghề gần như không có rủi ro.

Sự cố JVC biểu tượng cho ‘nỗi đau’ 2015 ảnh 1

Sau khi được Quỹ Đầu tư công nghiệp DI châu Á (DIAIF) chính thức trở thành cổ đông chiến lược, uy tín của JVC càng tăng. Trong vòng 2 năm, Công ty tăng vốn liên tục từ 224 tỷ đồng lên 625 tỷ đồng, gần gấp 3 lần qua 5 đợt phát hành. JVC luôn trong tình trạng kín “room” ngoại, ngoài DIAIF là cổ đông chiến lược, JVC còn có cổ đông là Quỹ Amersham Industries Limited, Balestrand Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (thuộc nhóm Dragon Capital - tổng nhóm này nắm giữ 10,366 triệu cổ phiếu, tương đương 9,21% vốn điều lệ).

Điều khiến các cổ đông thực sự bức xúc với JVC là cách Công ty che giấu thông tin và giao dịch của cổ đông nội bộ. Giá cổ phiếu JVC bắt đầu giảm sàn từ ngày 9/6 đến ngày 13/6 và JVC ra thông báo, Công ty vẫn đang hoạt động bình thường. Ngày 15/6, vợ của ông Lê Văn Hướng là bà Nguyễn Phương Hạnh bán ra 1,8 triệu cổ phiếu JVC mà không thông báo, cho dù bà Hạnh là cổ đông nội bộ.

Ngày 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Hướng về tội lừa dối khách hàng, JVC đã nhận được bản gốc quyết định khởi tố vào sáng ngày 23/6. Ông Lê Văn Hướng bị HĐQT JVC miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty kể từ ngày 21/6.

Theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, với những thông tin đặc biệt xảy ra tại các vị trí nhân sự chủ chốt ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, DN phải công bố trong vòng 24h như khi có quyết định khởi tố, bản án, quyết định của tòa án đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc, giám đốc tài chính, kế toán trưởng… Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2015, JVC mới gửi công văn đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trả lời về vấn đề này và đến ngày 26/6 (9 ngày sau khi có quyết định khởi tố của Công an TP. Hà Nội), thông tin này mới được truyền tải đến công chúng.

Trong thời gian 9 ngày đó, giá cổ phiếu JVC giảm 8 phiên liên tiếp từ 16.000 đồng/CP xuống 9.300 đồng/CP. Trước đó, cổ phiếu này có 6 phiên giảm liên tiếp từ 22.100 đồng/CP xuống 16.000 đồng/CP.

Ai sẽ bảo vệ cổ đông trước những giao dịch như của bà Nguyễn Phương Hạnh, người nắm rõ nhất thông tin ông Lê Văn Hướng bị bắt? Ai cảnh báo được cho cổ đông khi Công ty vẫn đưa ra thông điệp “hoạt động bình thường”. Với giá bán cổ phiếu JVC ngày 15/6 ở mức 17.100 đồng/CP, bà Phương Hạnh thu về khoản tiền 30,78 tỷ đồng, gấp 3 thị giá cổ phiếu JVC hiện tại, vậy là sẽ có cổ đông bị thiệt hại 2/3 tài khoản khi mua lại số cổ phiếu này của bà Hạnh.

Trường hợp của JVC cho thấy, chế tài để kiểm soát giao dịch nội gián của cổ đông nội bộ trên TTCK Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để mang tính răn đe. Nếu chỉ phải nộp phạt vài trăm triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng, thì với số tiền khổng lồ thu được sau mỗi thương vụ, các giao dịch nội gián nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn. Đây cũng là bài học cho các cổ đông khi chọn cổ phiếu để đầu tư. Việc lựa chọn cổ phiếu phải dựa trên nghiên cứu về quản trị DN và người đứng đầu lèo lái con tàu sẽ đóng vai trò quyết định sự tăng trưởng của DN đến đâu.

Bên cạnh đó, NĐT thắc mắc về khoản tiền mặt 496 tỷ đồng còn tồn tại trên báo cáo tài chính của JVC vào ngày 31/3/2015, nhưng đến ngày 30/6 chỉ còn gần 68 tỷ đồng, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 285 tỷ đồng cũng biến mất.

Trả lời cổ đông tại ĐHCĐ bất thường, đại diện JVC cho biết, tại thời điểm xảy ra sự cố của ông Lê Văn Hướng, tiền tăng vốn trong đợt tăng vốn năm 2014 vẫn còn trên tài khoản và một số dự án đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, ngân hàng yêu cầu Công ty phải tất toán tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn tại ngân hàng này để đưa dư nợ về 0. JVC đã bị ngân hàng cưỡng chế thu nợ 235 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sử dụng 750 tỷ đồng thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu.

Tại thời điểm 30/9/2015, thặng dư vốn cổ phần của JVC trên báo cáo là 402 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối là 353 tỷ đồng.

Tin bài liên quan