Startup gọi vốn bằng trái phiếu, khả thi không?

Startup gọi vốn bằng trái phiếu, khả thi không?

(ĐTCK) Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) rất khó huy động vốn vì tính rủi ro cao trong giai đoạn sơ khai. Cơ hội thành công với họ sẽ nhiều hơn nếu có cơ chế phát hành trái phiếu đặc thù.

Nếu gọi hình thức trái phiếu này là trái phiếu doanh nghiệp thì nửa phần đúng, nửa phần còn lại không hoàn toàn chính xác. Điều này xuất phát từ những điểm khác biệt của một doanh nghiệp khởi nghiệp.

Để biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, một trong những công việc mà những người khởi nghiệp (founders) phải làm là đăng ký kinh doanh. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, đăng ký kinh doanh có thể thực hiện dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.

Lưu ý, thuật ngữ startup không dùng để thông báo loại hình của doanh nghiệp, mà chủ yếu dùng để miêu tả trạng thái phát triển của doanh nghiệp ở giai đoạn sơ khai. Ngoài ra, trong hoạt động khởi nghiệp, tính đột phá là điều bắt buộc và mong muốn của các doanh nhân khởi nghiệp (founder) là tạo ra một điều gì đó chưa có trên thị trường, hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Trong khi đó, đối với một doanh nghiệp thông thường, các doanh nhân thường không coi trọng tính đột phá, mà đơn thuần bắt chước một mô hình kinh doanh đại chúng, làm sao hạn chế tối đa rủi ro ngay từ khi bắt đầu và sẽ tập trung để có được doanh thu ngay từ ban đầu.

Vì thế, không phải doanh nghiệp nào trong giai đoạn sơ khai cũng được gọi là startup và các startup không được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì không được phép phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu còn phải đáp ứng một số điều kiện khác như: có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động; kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi… (theo Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp).

Chiếu theo các quy định trên thì ý tưởng gọi vốn trái phiếu cho startup ngay từ đầu là một điều không thể. Tuy vậy, vẫn có thể có một cách cho các startup gọi vốn gián tiếp qua hình thức trái phiếu bằng việc định hình và xây dựng một quỹ đầu tư startup và quỹ này sẽ thực hiện phát hành các mini-bonds cho các trái chủ là các nhà đầu tư nhàn rỗi trên thị trường. Nhờ đó sẽ giải quyết được vấn đề là về cơ chế để phát hành trái phiếu vẫn tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành. Sau đó, các quỹ này sẽ đầu tư vào nhiều startup khác nhau và ở các giai đoạn phát triển khác nhau, có thể chỉ là phôi thai ban đầu, có thể đã có hình hài cụ thể và bước đầu có doanh thu và tăng trưởng. Làm như vậy sẽ đa dạng hóa được rủi ro cho các quỹ đó, đồng thời các dự án startup cũng sẽ được tổ chức có uy tín để xác định triển vọng và tiềm năng phát triển thực sự của mình.

Ngoài ra, khi thực hiện phát hành các mini-bonds (mỗi mini-bonds có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng với kỳ hạn tương đối dài) cũng sẽ dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia góp vốn hơn.

Thực tế, vấn đề lớn nhất của các startup hiện nay là rất khó huy động được vốn để triển khai các dự án khởi nghiệp của mình. Dòng vốn mà họ thường tìm đến là vốn vay ngân hàng, tuy nhiên, việc tiếp cận vốn này hiện nay không thực sự là khả thi vì tính rủi ro của startup rất cao. Để có vốn đầu tư, các startup thường vay vốn ngân hàng dưới danh nghĩa cá nhân và lãi suất phải chịu khá cao, thường quá sức chịu đựng, dễ dẫn đến tình trạng “giật gấu vá vai” chỉ sau một thời gian ngắn. Đặc biệt là với các startup trong lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực đòi hỏi thời gian ghi nhận tăng trưởng về dòng tiền thường rất lâu.

Do đó, việc có thể xây dựng một mô hình trái phiếu dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua hình thức nêu trên có thể coi là một phương án tương đối khả thi. Bên cạnh đó, nó cũng dễ triển khai hơn so với ý tưởng về việc thành lập một sàn chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tất nhiên, cần phải hiểu rõ rằng đối với các quỹ này, họ cũng là con nợ của các trái chủ khi tiến hành phát hành trái phiếu nên việc cân nhắc đầu tư vào một dự án nào là rất quan trọng. Vì thế, các dự án startup phải thực sự là các dự án có tính khả thi, đồng thời các founders cũng phải là những người có năng lực, tầm nhìn thật sự mới có thể mang lại giá cộng hưởng cho các trái chủ.       

Tin bài liên quan